Thương mại chỉ là một phần của chính sách ứng phó trước sự phát triển công nghệ của Trung Quốc

0
50
(Internet)
(Internet)

Theo Inside Trade, tại hội thảo trực tuyến do Hoover Institution tổ chức, Michael Brown, Giám đốc Đơn vị Đổi mới Quốc phòng của Lầu Năm Góc cho rằng chính sách thương mại chỉ là một khía cạnh trong phản ứng của chính phủ Mỹ đối với sự trỗi dậy công nghệ của Trung Quốc. Ông kêu gọi Mỹ tập trung hơn nữa đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cao để duy trì lợi thế chiến lược trước Trung Quốc. Mỹ phải thay đổi cách tài trợ cho nghiên cứu và phát triển nếu muốn đi trước những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong 10 năm tới.

Ông Brown khẳng định “Sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ đang bị đe dọa nếu chúng ta không dẫn đầu về các công nghệ của tương lai, chúng ta sẽ không có nền tảng để xây dựng các ngành công nghiệp để Mỹ trở thành nền kinh tế hàng đầu trong 30, 40 năm tới”.

An ninh quốc gia của Hoa Kỳ cũng đang gặp rủi ro. Brown lưu ý: “Trung Quốc đã đi trước Mỹ trên một số lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt, truyền thông lượng tử, viễn thông và một loạt các lĩnh vực khác. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có những giá trị trái ngược với các nguyên tắc dân chủ mà Mỹ muốn trở thành hình mẫu cho thế giới. Nếu Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị toàn cầu, các giá trị của nước này có thể đe dọa trật tự dân chủ sau Thế chiến II do Mỹ lãnh đạo”.

Kế hoạch đề xuất của ông Brown bao gồm 05 mũi nhọn: thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ; đầu tư vào nhân lực; xây dựng chiến lược toàn quốc về phát triển các công nghệ trọng điểm; tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận đầu tư dài hạn hơn là lợi nhuận hàng quý; và phối hợp với các đồng minh. Ông nói “Chúng ta không thể giành chiến thắng trong cuộc chạy marathon này nếu hoạt động một mình. Chúng ta cần tập hợp tất cả các đồng minh của mình – vượt ra ngoài Nhóm Five Eyes – một liên minh tình báo giữa Mỹ, Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh – và cần tính đến các nền kinh tế đang phát triển quan trọng như Ấn Độ, Việt Nam.” “cũng như các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh châu Âu truyền thống của chúng ta”.

Brown đề xuất loại bỏ thuế quan giữa các đồng minh cũng như tập trung vào việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan và tạo thị trường cho xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Ông nói: “Chúng ta không được tạo ra các rào cản thương mại với các đồng minh của mình. Việc sàng lọc đầu tư và kiểm soát xuất khẩu cũng nên được tiếp cận theo hướng đa phương vì các hành động đơn phương của Mỹ không có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của Trung Quốc”.

Về đầu tư công nghệ, Brown cho biết, chi tiêu liên bang hàng năm cho nghiên cứu và phát triển phải chiếm khoảng 2% GDP của Mỹ, đồng thời lưu ý rằng điều đó sẽ đòi hỏi thêm khoảng 200 tỷ đô la mỗi năm. Ông lập luận rằng nguồn tài trợ nên tập trung vào khoảng 10 loại công nghệ bao gồm trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự quản lý và công nghệ sinh học. Ông cũng đề nghị chính phủ Mỹ phát triển một cách tiếp cận “toàn quốc” đối với các công nghệ thay đổi cuộc chơi và định vị lại chính sách công nghiệp của Mỹ theo một chiến lược dài hạn trong nửa thế kỷ tới. Brown cho rằng khu vực tư nhân và thị trường vốn cũng phải thực hiện thay đổi để tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu dài hạn.

Brown nhận định chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Mỹ đã giảm kể từ những năm 1970, điều này làm giảm khả năng phát triển các công nghệ đột phá. Chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. “Đó không phải là xu hướng của Mỹ để duy trì ưu thế về công nghệ của tương lai.”

Ông lập luận rằng Mỹ phải thực tế về những gì Trung Quốc có thể đạt được, bởi vì nếu Bắc Kinh hoàn thành các mục tiêu của mình, lĩnh vực sản xuất của Mỹ sẽ trở nên rỗng tuếch. “Nếu họ thành công với kế hoạch ‘Made in China 2025’, về cơ bản sẽ làm cạn kiệt năng lực công nghiệp của phương Tây”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here