Bangladesh có nên lo lắng về “bẫy nợ” của Trung Quốc? Cần hiểu rằng để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2041, Bangladesh cần phải tiếp tục và hoàn thành các dự án phát triển lớn. Mặt khác, để có thể trở thành trung tâm kinh tế của tiểu lục địa, Bangladesh cần các nguồn tài trợ bên ngoài.
Nếu các hợp đồng cho vay hoặc tài trợ đầu tư của Trung Quốc được đàm phán hợp lý với lãi suất cạnh tranh, tiền của dự án được sử dụng đúng cách và chỉ những hồ sơ dự thầu thuận lợi được chấp nhận, thì Bangladesh sẽ được hưởng lợi. Ví dụ, những cây cầu mà Trung Quốc tài trợ và xây dựng ở Bangladesh đã cải thiện mạng lưới giao thông của đất nước.
Tuy nhiên, năm 2014, trong chuyến thăm của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tới Trung Quốc, một thỏa thuận xây dựng cảng nước sâu Sonadia đã được cho là sẽ được ký kết. Nhưng Trung Quốc đã thay đổi lập trường từ khoản vay ưu đãi sang khoản vay thương mại dẫn đến thỏa thuận bị hủy bỏ. Như vậy, Bangladesh đã không triển khai dự án cảng biển nước sâu Sonadia.
Trung Quốc được công nhận và ca ngợi là người bạn “trong mọi điều kiện” của Bangladesh. Với vị trí địa chiến lược, Bangladesh trở thành quốc gia quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Và Bangladesh là nước ủng hộ mạnh mẽ BRI của Trung Quốc, điều đó Trung Quốc cần phải đánh giá cao. Ngày 22 tháng 3 năm 2016, Bangladesh đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. Kể từ đó AIIB đã phê duyệt các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng lớn ở Bangladesh, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các dự án do AIIB tài trợ trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, y tế và nước có nhiều tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân Bangladesh. Trong thực tế, không có nhiều quốc gia, bao gồm cả Bangladesh tự triển khai tất cả các dự án phát triển bằng nguồn vốn của chính mình.
Có nhiều chỉ trích về ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc ở châu Phi. Bangladesh không thể coi là một ví dụ về ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã tuyên bố “Bangladesh sẽ không bao giờ sa vào bẫy nợ trong nhiệm kỳ của tôi”, vì các thỏa thuận với Trung Quốc đã được đàm phán hợp lý. Tỷ lệ cho vay nước ngoài trên GDP của Bangladesh đã tăng lên 14,3% vào năm 2019, từ 12% vào năm 2018. Trong trường hợp của Sri Lanka, tỷ lệ này là 66% trong khi ở Ấn Độ là 34%. Tỷ lệ nợ trên GDP của các nước châu Phi là 60%.
Trung Quốc đang dùng “chính sách ngoại giao bẫy nợ” là câu chuyện phổ biến trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Có những câu chuyện khác thường bị bỏ qua. Ví dụ, Trung Quốc với Châu Phi, trong bài viết “Tại sao Châu Phi yêu Trung Quốc” (2019), Mehari Taddele Maru lưu ý “các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đã cho phép nhiều chính phủ Châu Phi tránh áp lực từ các tổ chức quản trị toàn cầu như IMF và Ngân hàng Thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn của phương Tây về trách nhiệm giải trình và điều kiện liên quan đến cải cách chính trị và kinh tế, chẳng hạn như yêu cầu điều chỉnh cơ cấu không phải lúc nào cũng vì lợi ích của người Châu Phi”.
Vì vậy, trước khi gắn nhãn “bẫy nợ” của Trung Quốc đối với Bangladesh, điều cần thiết là phải xem xét các lựa chọn tài chính cho Bangladesh. Cần có những nghiên cứu thích hợp đánh giá về tài trợ của Trung Quốc sẽ là một lời nguyền hay là phước lành cho Bangladesh? Thực tế là đối với các nước có thu nhập thấp, các lựa chọn về nguồn tài chính là tối thiểu. Đầu tiên, Bangladesh và người dân sẽ phải được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án phát triển thực sự quan trọng đối với sự tiếp tục phát triển kinh tế xã hội của Bangladesh. Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng các hợp đồng vay mượn được thương lượng một cách thích hợp và số tiền được sử dụng đúng cách./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)