Lĩnh vực công nghệ thông tin của Bangladesh có nhiều khởi sắc kể từ năm 2009 khi Thủ tướng Sheikh Hasina tuyên bố chương trình Digital Bangladesh vào ngày 12/12/2008. Chương trình này biến một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động phổ thông và kiều hối, chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bắt đầu gây ra những tác động nhất định đối với thế mạnh của Bangladesh (lao động giá rẻ). Chính phủ đã tuyên bố mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2024, trong đó tập trung vào thị trường Nhật Bản.
Lý do chính Bangladesh dành cho Nhật Bản sự quan tâm đặc biệt bắt nguồn từ mối quan hệ chính trị – hợp tác giữa 02 nước. Kể từ khi Bangladesh giành được độc lập, Nhật Bản đã là đối tác phát triển lớn nhất của đất nước, với nhiều dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao như Dự án Metrorail, Dự án nhà máy điện than Matarbari, Dự án mở rộng nhà ga thứ ba tại sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal và nhiều dự án lớn khác đang chờ phê duyệt. Chính phủ Bangladesh cũng đã tuyên bố có kế hoạch xây dựng, phát triển một một khu công nghệ cao dành riêng cho các công ty Nhật Bản và các nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, theo một số báo cáo Bangladesh là quốc gia đứng đầu về khả năng cạnh tranh về chi phí và vị trí tốt thứ 26 về mức độ hấp dẫn tài chính. Chi phí cho cơ sở hạ tầng ở Bangladesh thấp hơn khoảng 40% so với Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Với những ưu đãi trên, trong thời gian tới, nhiều khả năng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tiến hành đầu tư “ồ ạt” vào thị trường Bangladesh.
Bên cạnh cơ sở quan hệ tốt đẹp, Bangladesh cũng muốn tận dụng những thành tựu công nghệ và tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang diễn ra tại Nhật. Theo Thống kê của Cơ quan Quốc tế Nhật Bản (JICA), đến năm 2025, thị trường Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 425.000 kỹ sư.
Ở thời điểm hiện tại, đối thủ lớn nhất của Bangladesh chính là các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam bởi nhiều doanh nghiệp với nguồn nhân lực trẻ, có khả năng thích ứng nhanh, thành thạo tiếng Nhật đang tăng cường triển khai các dự án đầu tư tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, block chain, big data, IOT hay robot, kỹ năng của một kỹ sư Bangladesh rõ ràng có lợi thế hơn so với kỹ sư Việt Nam. Nhằm tăng cường tính cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Bangladesh cũng đã giới thiệu một số dự án và các khóa đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ riêng cho thị trường Nhật Bản./.
Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh.