“Bóng ma Covid-19” lại quay trở lại “lục địa già”, virus lại tiếp tục lây lan nhanh trên phần lớn lục địa châu Âu, đe dọa đến hàng triệu con người. Những hy vọng le lói về việc các quốc gia châu Âu đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch đang gần như tiêu tan.
Trong bài phân tích đăng tải trên tuần báo Sydney Morning Herald, nhà nghiên cứu Peter S. Goodman chia sẻ, sau khi hồi phục mạnh mẽ vào đầu mùa Hè năm nay, tăng trưởng kinh tế của Anh đã bất ngờ giảm tốc đáng kể so với dự đoán. Báo cáo của chính phủ nước này cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong tháng 8/2020 chỉ tăng 2,1%, chậm hẳn lại so với mức 6,4% trong tháng 7/2020 và 9,1% của tháng 6/2020. Khả năng các tháng sau tình hình sẽ còn yếu kém hơn.
Vào tuần trước, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu, đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ba tháng cuối năm, từ mức 1% xuống còn 0%. Cơ quan Thống kê Pháp thậm chí đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc gia trong cả năm 2020 sẽ giảm 9%.
Một cách trực tiếp nhất, các hành động hạ dự báo triển vọng kinh tế chính là “tiếng chuông” báo động về làn sóng mới của đại dịch. Vào ngày 7/10, Pháp ghi nhận gần 19.000 ca nhiễm COVID-19 mới, con số kỷ lục về lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 tính trên một ngày, gần gấp đôi con số của ngày hôm trước.
Sự gia tăng đột ngột số ca nhiễm virus đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải ban hành những lệnh hạn chế mới, bao gồm đóng cửa các quán cà phê và quán bar tại thủ đô Paris và các vùng lân cận trong khoảng thời gian hai tháng.
Tại Tây Ban Nha tuần vừa qua, ngân hàng trung ương đã đưa ra lời cảnh báo rằng sự lây lan ngày càng nhanh của dịch bệnh sẽ buộc chính phủ nước này phải cân nhắc áp dụng trở lại các lệnh hạn chế, có thể gây ra sự suy giảm kinh tế lên tới 12,6% trong năm nay.
Một nhà kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cũng đã phát đi thông tin cảnh báo rằng 19 quốc gia thành viên thuộc Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone) có thể sẽ không phục hồi nền kinh tế vào cuối năm 2020, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào ngành dịch vụ du lịch.
Vào tháng Bảy, nhờ tỷ lệ nhiễm bệnh COVID-19 dần giảm xuống, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa và người dân dần quay lại các hoạt động thường ngày, cùng với những lễ hội và kỳ nghỉ Hè.
Dấu hiệu hồi sinh của nền kinh tế châu Âu bước đầu đã xuất hiện và sau đó ngày càng nhiều hơn. Thậm chí, nhiều nền kinh tế thuộc khu vực này đã gần như dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế, khuyến khích người dân “tiêu tiền”, như đến nhà hàng, quán cà phê, đi du lịch, đặt phòng nghỉ dưỡng…
Các nhà kinh tế lạc quan bắt đầu “ăn mừng” cho một sự phục hồi kinh tế mới hình chữ V – tức là sự phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng như mức lao dốc khi đại dịch bùng phát.
Hy vọng thậm chí được củng cố thêm nhờ vào một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt được sự nhất trí về quyết định thành lập quỹ cứu trợ tài chính 750 tỷ euro, thông qua bán trái phiếu.
Quyết định này được xem là bước ngoặt, vì đã mất rất nhiều năm để EU có thể vượt qua được sự phản đối từ các nước Bắc Âu giàu có. Đây là dấu hiệu cho thấy một khối EU thống nhất, thường dễ bị phân mảnh khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng, đã đạt được trạng thái đoàn kết mới.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học đều chung một nhận định rằng những ngày tươi đẹp hơn chỉ có thể kéo dài khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong một báo cáo vừa công bố hồi tuần trước, Viện nghiên cứu kinh tế Oxford của Anh đã phân tích dữ liệu trên toàn khu vực Eurozone.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng phần lớn sự cải thiện vào cuối mùa Hè năm nay là kết quả của việc các nhà máy hoạt động trở lại sau quãng thời gian đình trệ do virus. Để nền kinh tế tiếp tục mở rộng, người dân cần tăng cường mua sắm song người tiêu dùng liệu đã cảm thấy đủ an toàn để trang trải và họ có sợ bị mất việc làm trong tương lai hay không.
Thực tế đã chứng minh, cho tới tháng Chín vừa qua, khi các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại, tiêu dùng đã suy giảm. Nhà kinh tế học cao cấp của Viện nghiên cứu kinh tế Oxford Moritz Degler nhận định: “Với tình hình sức khỏe không thể cải thiện trong thời gian tới, chúng tôi dự đoán sự phục hồi sẽ bị chậm lại trong vòng vài tuần tới”.
Suy thoái kinh tế diễn ra ngay khi một số nền kinh tế châu Âu bắt đầu giảm bớt các khoản cứu trợ “hào phóng” được chi ra để bảo vệ người lao động khỏi tình trạng thất nghiệp. Động thái này gây ra sự lo lắng về tình trạng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp không thể tránh khỏi.
Tại Anh, khi đại dịch bùng phát, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã mạnh tay trợ cấp tiền lương cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, để họ đảm bảo không sa thải nhân viên. Mức trợ cấp tương đương 80% lương mà người lao động được hưởng trước đó, khi chương trình bắt đầu được triển khai rộng rãi vào mùa Xuân năm nay. Ngay cả sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, Chính phủ Anh vẫn tiếp tục cam kết trợ cấp lên đến 60% tiền lương cho người lao động, trong tháng này.
Chương trình cứu trợ đặc biệt, vốn đã tiêu tốn 39 tỷ bảng Anh trong ngân khố quốc gia, sẽ hết hạn trong tháng này. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã bày tỏ sự lo lắng về quy mô các khoản nợ mà nước này sở hữu, nhưng cam kết sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề sổ sách quốc gia. Theo một chương trình thay thế cắt giảm mà ông Sunak đã công bố vào tháng trước, Chính phủ Anh sẽ giữ chính sách hỗ trợ 22% tiền lương cho các lao động trong thời gian tới.
Nhưng triển vọng kinh tế xấu đi nhanh chóng buộc ông Sunak phải cân nhắc lại kế hoạch nói trên. Vào cuối tuần trước, với dự đoán về các lệnh hạn chế thắt chặt đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Sunak đã công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt mới, bao gồm các khoản trợ cấp 2/3 tiền lương cho doanh nghiệp bị bắt buộc phải đóng cửa khi các trường hợp nhiễm COVID-19 tăng nhanh. Điều đó chắc chắn làm tăng các khoản trợ cấp.
Lo ngại về việc suy giảm tăng trưởng của Anh càng gia tăng nhiều hơn khi thời điểm nước này rời khỏi EU ngày càng đến gần, trong khi tương lai của một thỏa thuận thương mại giữa hai bên vẫn còn mờ mịt.
Về phía EU, rất nhiều rào cản phức tạp vẫn còn tồn tại, trước khi quỹ cứu trợ của EU có thể được vận hành. Chúng làm hạn chế triển vọng ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, như Tây Ban Nha và Italy.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez ngày 7/10 công bố một kế hoạch kích thích chi tiêu, trị giá 72 tỷ euro, trong đó 4/5 số tiền dự kiến đến từ quỹ cứu trợ của EU. Tây Ban Nha có lẽ sẽ phải đợi số tiền này đến năm sau khi quỹ cứu trợ dự kiến hoạt động vào tháng 1/2021. Tuy vậy, khả năng giải ngân gần như chắc chắn sẽ bị chậm trễ khi các thành viên EU còn mải tranh luận về các điều kiện phân phối của quỹ, đặc biệt là các quy định nhằm buộc Hungary và Ba Lan tuân thủ quy tắc dân chủ của khối.
Triển vọng phục hồi của lục địa này tiếp tục gặp khó khăn bởi những quy tắc hạn chế khoản nợ của các thành viên EU và ngăn cản chi tiêu. Những quy tắc nghiêm ngặt đó đã bị đình chỉ, nhưng cuối cùng chúng sẽ quay trở lại, tạo ra thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Italy dự tính sẽ nhận được 209 tỷ euro từ quỹ cứu trợ của EU, bù lại chính phủ nước này cũng phải cam kết giảm nợ công, vốn đã vượt 134% GDP hàng năm vào cuối năm ngoái. Hành động “thắt lưng buộc bụng” như vậy, cùng với việc đại dịch làm tăng chi phí cho lĩnh vực chăm sóc y tế, gần như chắc chắn sẽ đẩy Italy vào một cuộc suy thoái sâu và dài hơn.
Diệu Linh