Tin kinh tế Bangladesh

0
104

1.  Bangladesh cần thực hiện hiệu quả các cải cách để thu hút FDI từ Mỹ 

Hôm 28/9, các quan chức Đại sứ quán Mỹ đã có buổi nói chuyện với một nhóm phóng viên về buổi “Thảo luận kinh tế Mỹ-Bangladesh” sắp tới. Cuộc họp sẽ thảo luận về toàn bộ nội dung hợp tác kinh tế song phương nhằm tìm ra các biện pháp và cách thức nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước.

Các quan chức cho biết Bangladesh hiện đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu do tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tuy nhiên, có những rào cản như thiếu minh bạch trong quá trình ra quyết định, thiếu quyền sở hữu trí tuệ và tham nhũng là những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ do dự. Họ cho biết chính phủ Bangladesh đã thực hiện một số bước để cải cách môi trường đầu tư, nhưng điều các công ty Mỹ cần không chỉ là việc chính phủ đưa ra cải cách mà phải đảm bảo được thực hiện hiệu quả.

Các quan chức Mỹ cho biết các nhà đầu tư Mỹ rất mong muốn đầu tư vào ngành năng lượng, chế biến nông sản, ICT và các lĩnh vực khác và đang theo dõi các cải cách chính sách đầu tư tại Bangladesh.

Về hợp tác năng lượng, các công ty Hoa Kỳ như Cheveron từ lâu đã đóng góp vào an ninh năng lượng ở Bangladesh. Các quan chức cho biết gần đây, một số công ty nổi tiếng khác của Mỹ như Exxon Mobil đã thể hiện sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Trả lời một câu hỏi, họ cho biết Mỹ có nền quốc phòng tốt nhất thế giới và các cuộc đàm phán đã được bắt đầu trong thời gian gần đây để tăng cường buôn bán vũ khí giữa hai nước.

Họ nói rằng Mỹ rút lại Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) đối với Bangladesh vào năm 2013 do quyền của người lao động trong nước không được đảm bảo và cho biết bất cứ khi nào tình hình được cải thiện, Bangladesh có thể được khôi phục lại GSP.

Trả lời một câu hỏi,  các quan chức cho biết Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPS) không liên quan gì đến địa chính trị khu vực. Mục tiêu chính của IPS là đảm bảo thương mại tự do và công bằng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cuộc đối thoại kinh tế sắp tới cũng sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

2. Bangladesh điều chỉnh các mục tiêu kế hoạch 5 năm

Chính phủ dự kiến lùi lại các mục tiêu ban đầu cho Kế hoạch 5 năm lần thứ tám (2021-2025), bao gồm tạo việc làm và tăng trưởng GDP, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài.

Mục tiêu tạo việc làm sẽ giảm xuống dưới 9 triệu so với dự báo ban đầu là 11,3 triệu trong 5 năm tài chính tiếp theo cho đến tháng 6 năm 2025, theo các quan chức của Bộ Kế hoạch. Họ cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình sẽ được cố định ở mức 7,3% thay cho 8% dự kiến ban đầu cho giai đoạn này.

Các nhà kinh tế nhận thấy rằng những dự báo này là không thực tế vì khu vực tư nhân, động lực chính của nền kinh tế, ngại đầu tư do sự phức tạp của bộ máy hành chính và vì không có tiến bộ thực sự để dễ kinh doanh.

Thành viên Cục Kinh tế Tổng hợp (GED), Tiến sĩ Shamsul Alam hôm thứ Bảy (26/9) nói với New Age rằng việc tạo việc làm sẽ phải đối mặt với những thách thức do quá trình tự động hóa và áp dụng công nghệ đang diễn ra cũng như đại dịch virus kéo dài. Ông nói rằng mục tiêu tạo việc làm mới thấp hơn một chút so với 9,5 triệu, dự kiến trong kế hoạch 5 năm lần thứ bảy kết thúc vào tháng 6 năm 2020. Ông hy vọng rằng tăng trưởng GDP có thể quay trở lại 8% trong năm tài chính 2022 nhờ việc thực hiện các gói kích cầu và dự kiến phục hồi của các ngành sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp.

Các quan chức GED dự kiến rằng kế hoạch 5 năm mới, hài hòa với kế hoạch của tầm nhìn 2021–41, sẽ được chính phủ hoàn thiện vào tháng tới.

Cựu cố vấn chính phủ Mirza Azizul Islam chỉ ra rằng các mục tiêu dự kiến trong các kế hoạch trước đã không đạt được. Ông nói, ngay cả mức tăng trưởng GDP ở mức 5,2% trong năm tài chính 2019–20 trước đó, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch coronavirus, làm người ta nghi ngờ. Ông lưu ý rằng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn để tăng đầu tư tư nhân lên 35%, một điều kiện then chốt để đạt được mức tăng trưởng GDP 8%.

Trích dẫn dự thảo kế hoạch 5 năm, các quan chức GED cho biết đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến sẽ tăng lên 22,5% GDP trong năm tài chính hiện tại và lên 28,2% GDP trong năm tài chính FY25.

Cựu kinh tế trưởng Văn phòng Ngân hàng Thế giới Dhaka Zahid Hussain hôm Chủ nhật nói rằng các dự báo đầu tư của khu vực tư nhân là rất tốt giống như trong kế hoạch 5 năm trước đó. Nhưng các chiến lược để đáp ứng các mục tiêu đầu tư quan trọng hơn, ông lưu ý. Ông nhận xét rằng việc thiếu tiến bộ trong việc thực hiện các cải cách nhằm cải thiện các chỉ số dễ kinh doanh, trong việc thiết lập dịch vụ một cửa và loại bỏ các phức tạp quan liêu sẽ cản trở đầu tư của khu vực tư nhân.

Khu vực tư nhân tạo ra khoảng 95% việc làm hàng năm của đất nước, hiện đang cắt giảm nhân lực để đối phó với sự suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19.

Hàng năm, 2,1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động của đất nước, trong khi chỉ có 1,3  việc làm được tạo ra.

Hàng năm, một số lượng lớn thanh niên thất nghiệp tìm kiếm việc làm ở các nước Ả Rập giàu dầu mỏ, nhưng các nước này cũng đóng cửa đối với lao động nước ngoài do COVID-19. Tổng thư ký Hiệp hội các Cơ quan Tuyển dụng Quốc tế Bangladesh Shameem Ahmed Chowdhury Noman cho biết, không có thêm việc làm mới nào ở Vương quốc Ả Rập Xê Út trong 5 tháng qua.

Ngân hàng Bangladesh trong một báo cáo gần đây cho biết hoạt động xuất khẩu nhân lực, đạt mức kiều hối kỷ lục 18,21 tỷ USD trong tài khóa 2019-20, vẫn đang đối mặt với rủi ro do những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu.

Kế hoạch 5 năm đầu tiên được đưa ra vào tháng 7 năm 1973 và tiếp theo là Kế hoạch 2 năm vào năm 1978-1980. Năm 1980, khung Kế hoạch 5 năm được khôi phục với kế hoạch 5 năm lần thứ 2, 3 và sau đó là thứ 4 là từ 1990-1995, lần thứ 5 là 1997-2002. Chính phủ của Thủ tướng Hasina đã trở lại chiến lược kế hoạch 5 năm sau khi trở lại nắm quyền vào năm 2009. Kế hoạch 5 năm lần thứ 6 là 2011-2015 và thứ 7 là 2016-2020./.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here