Số hoá chuỗi cung ứng – giải pháp phục hồi kinh tế hậu Covid-19

0
131

1. Chuỗi cung ứng và số hoá chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng là toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh hàng hoá thương mại, bao gồm mọi công đoạn từ cung ứng vật liệu, sản xuất hàng hoá cho tới phân phối và bán hàng. Số hoá chuỗi cung ứng là hướng tới một chuỗi các giải pháp sản xuất và lên kế hoạch tích hợp toàn diện và hoạt động đồng thời nhằm tạo ra dòng cung ứng rõ rệt hơn dọc theo mỗi điểm tiếp xúc của chuỗi giá trị. Kết quả là tạo ra một mạng lưới cung ứng đáp ứng linh hoạt hơn và minh bạch hơn, sẵn sàng thích ứng với một loạt những biến số khó dự đoán trong các ngành công nghiệp, ví dụ như việc thiếu hoặc thừa hàng trong kho, những điều chỉnh đối với đặt hàng, và sự sẵn có của các tài nguyên.

Thông qua quá trình tích hợp và chuyển đổi số, các doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí sản xuất và vận hành, đẩy nhanh thời gian sản xuất và tăng cường năng lực báo cáo và phân tích dự liệu, giúp cho các chương trình lên kế hoạch và sản xuất hoạt động tốt hơn. Để đạt được những mục tiêu này, các doanh nghiệp phải thúc đẩy chiến lược tích hợp, gắn các giải pháp hoạch định và báo cáo trong một mô-đun duy nhất có thể tiếp cận và chia sẻ được trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Giá trị của một chuỗi cung ứng được số hoá phần lớn nằm ở việc phá vỡ sự bất tương thích của các hệ thống thông tin xuyên tổ chức và các rào cản hợp tác – hai thách thức quan trọng các công ty sản xuất cần vượt qua khi làm việc với nhiều đối tác, nhà cung cấp và các cơ sở, trung tâm sản xuất ở những địa điểm khác nhau trên thế giới. Thêm vào đó, sự trỗi dậy của dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và các nền tảng lưu trữ và quản lý dữ liệu khác, cho phép gia tăng năng lực thu thập, báo cáo và xử lý dữ liệu của các công ty. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty có thể rà soát và chia sẻ tức thời một lượng lớn dữ liệu để xây dựng các chiến lược kế hoạch nhu cầu tốt hơn.

2. Đặc điểm của chuỗi cung ứng được số hoá

Theo một báo cáo của PWC (2016)[1], 08 đặc điểm chính của một chuỗi cung ứng được số hoá bao gồm: (i) Quá trình hoạch định và thực thi được tích hợp; (ii) Thông tin về các hoạt động logistics trở nên rõ ràng, cụ thể và dễ dàng tiếp cận hơn; (iii) Mua sắm 4.0; (iv) Dịch vụ kho bãi thông minh; (v) Quản lý phụ tùng hiệu quả; (vi) Dịch vụ logistics tự chủ và từ doanh nghiệp đến khách hàng (B2C); (vii) Phân tích chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hoá các mục tiêu đề ra; (viii) Hỗ trợ thông minh cho chuỗi cung ứng.

Việc số hoá chuỗi cung ứng có thể đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như khuyến khích tăng trưởng và gia tăng năng suất cũng như lợi nhuận. Bên cạnh đó, số hoá chuỗi cung ứng đem lại những lợi ích sau:

– Tích hợp toàn diện các giải pháp chuỗi cung ứng: Do các loại hình chuỗi cung ứng tự động ngày nay rất nhiều và đa dạng, các công ty thường có nhiều giải pháp hoạch định, sản xuất và quản lý/báo cáo dữ liệu khác nhau được thực thi cùng lúc. Xây dựng một chiến lược số hoá chuỗi cung ứng cần cách tiếp cận từ trên xuống dưới, từ đầu đến cuối để đưa các ứng dụng vào cùng một hệ thống. Các công ty cần xem các giải pháp hoạch định, sản xuất và quản lý dữ liệu là những cấu phần của một chiến lược chung hơn là những chức năng rời rạc.

– Kết nối các nguồn dữ liệu: Internet vạn vật (IOT) đã trở thành một giải pháp quản lý chuỗi cung ứng những năm gần đây, không chỉ kết nối các hệ thống và giải pháp mà còn thúc đẩy quản lý và phân tích dữ liệu chính xác, đáp ứng và tiếp cận tốt hơn. Thông qua IOT, việc số hoá chuỗi cung ứng kết nối các cách thức thu thập, phân loại và đánh giá dữ liệu khác nhau nhằm giúp các nhà hoạch định và quản lý đưa ra những dự đoán nhu cầu chính xác hơn và các chiến lược hiệu quả hơn. Việc kết nối các nguồn dữ liệu cũng giúp các nhà hoạch định và quản lý tạo ra các kịch bản và mô phỏng – có vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch cho sản xuất.

– Tăng cường giao tiếp và phối hợp: Số hoá chuỗi cung ứng là một bước đi quan trọng nhằm phá vỡ sự bất tương thích giữa hệ thống thông tin của một tổ chức. Điều này có nghĩa là những thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng sẽ có năng lực tốt hơn trong chia sẻ dữ liệu, phối hợp trong những sáng kiến quan trọng, và cộng tác để bảo đảm công việc suôn sẻ mà không bị gián đoạn. Chuỗi cung ứng được số hoá trên cơ sở một trung tâm lưu trữ dữ liệu với nhiều điểm tiếp cận, các thành viên trong chuỗi cung ứng có thể rà soát và trao đổi dữ liệu trong hệ thống.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các công ty xem xét lại chuỗi cung ứng của mình. Nhiều công nghệ mới ra đời đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống. Các xu thế lớn và kỳ vọng của khách hàng là những nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Bên cạnh yêu cầu phải thích ứng, các chuỗi cung ứng cũng có cơ hội đạt tới chân trời mới của hiệu quả hoạt động, phát huy các mô hình chuỗi cung ứng số đang nổi lên, và thay đổi chuỗi cung ứng hiện có thành chuỗi cung ứng được số hoá.

Một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey đã đưa ra khái niệm Chuỗi cung ứng 4.0, là chuỗi cung ứng ứng dụng Internet vạn vật, rô-bốt tiên tiến, ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng, đặt các cảm ứng ở mọi thứ, tạo ra các mạng lưới ở mọi nơi, tăng cường tự động hoá và phân tích để gia tăng đáng kể năng suất và mức độ hài lòng của khách hàng[2].

3. Dịch bệnh Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng

Trong bốn thập kỷ qua, hầu hết sản xuất hàng hoá của thế giới được tổ chức thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó đối với nhiều hàng hoá, Trung Quốc đóng vai trò trung tâm của chuỗi, là nhà sản xuất cơ bản của những hàng hoá và cấu phần giá trị cao, là khách hàng lớn của thị trường vật liệu và sản phẩm công nghiệp, và là thị trường tiêu dùng lớn. Vào tháng 12/2019, dịch bệnh do virus chủng corona gây ra bắt đầu bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn dịch bệnh của nhà chức trách đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, khiến nhiều điểm sản xuất phải đóng cửa để ngăn dịch lây lan. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm 13,5% trong tháng 2 và tháng 3/2020 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17% trong tháng 1 và tháng 2/2020, nhập khẩu giảm 4% và bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại ở các khu vực khác trên thế giới[3]. Nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc tại các quốc gia khác giảm xuống, cho thấy nhiều bộ phận sản xuất quan trọng đang bị thiếu hụt. Ví dụ, tại Đức, dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy, trong ngành sản xuất của Đức, các đầu vào được nhập khẩu chiếm gần ¼ sản xuất công nghiệp, trong đó 10% nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc phụ thuộc vào hàng hoá trung gian từ Trung Quốc nhằm phục vụ sản xuất của Đức rất phổ biến trong các ngành điện tử, máy tính và dệt may.

Sự giảm sút trong nhu cầu do việc giới hạn di chuyển của mọi người, kèm theo quan ngại về an toàn và sức khoẻ của công nhân khiến cho việc đóng cửa các nhà máy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Trung Quốc, sau khi trải qua “cú sốc thứ nhất” khi phải đóng cửa, các nhà sản xuất phải đối mặt với “cú sốc thứ hai” khi nhu cầu của khách hàng giảm sút trong nhiều chuỗi cung ứng mà các công ty này tham gia. Nếu các trung tâm khác của các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng gặp hoàn cảnh tương tự, ảnh hưởng tổng thể của việc gián đoạn cung ứng và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng sẽ làm tăng nguy cơ ngành sản xuất toàn cầu bước vào giai đoạn suy yếu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự vận hành của nhiều chuỗi cung ứng xuyên quốc gia. Tính đến tháng 3/2020, đại dịch đã ảnh hưởng tới 75% chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ[4]. Cho tới quý II/2020, đã có tới 305 triệu người bị mất việc làm tại các nước G7 do chính sách đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh.

4. Số hoá chuỗi cung ứng – giải pháp cho chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu hậu Covid-19

Các số liệu ngày càng thể hiện rõ, trong ngắn hạn, lực lượng lao động toàn cầu sẽ không thể trở lại mức độ sản xuất và có việc làm như trước đại dịch. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều, các công ty sẽ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ – “lực lượng lao động kỹ thuật số” – để cải thiện năng suất trong bối cảnh nhiều trở ngại này. Nhịp độ ứng dụng các tiến bộ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng nhanh hơn và dự đoán của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về việc “đến năm 2025, con người chỉ chiếm 48% lực lượng lao động” có thể sẽ thành hiện thực sớm hơn dự kiến. Covid-19 sẽ tái cơ cấu lại cách thức các công ty toàn cầu hiểu và ứng dụng kỹ thuật số và kinh doanh ảo.

Từ trước đại dịch Covid-19, các ngành công nghiệp truyền thống đã phải chịu áp lực nặng nề về việc phải cải thiện năng suất thông qua số hoá. Hiện nay, nhiều tập đoàn bán lẻ, du lịch, dịch vụ tài chính, bất động sản đang đứng trước bờ vực thẳm, do những gián đoạn mà Covid-19 gây ra đã làm giảm đáng kể năng suất. Sau Covid-19, việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và ứng dụng số hoá sẽ trở thành giải pháp thiết yếu để sinh tồn.

Về cơ bản, định nghĩa về “số hoá” cũng đang thay đổi. Trước đây, “số hoá” từng được hiểu là “việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu số hoá để tác động vào cách thức tiến hành công việc, thay đổi cách thức tương tác giữa khách hàng và công ty, và tạo ra các dòng doanh thu (số) mới”. Mô hình truyền thống này chủ yếu dựa vào việc gia tăng năng suất. Tuy nhiên, công nghiệp toàn cầu đang ở trong một môi trường ngày càng khó dự đoán. Những gián đoạn gây ra do đại dịch Covid-19 hiện nay có thể đặt ra yêu cầu tái cơ cấu số hoá tập trung vào việc duy trì và gia tăng luồng công việc. Trong bối cảnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu có cơ hội để lấp đầy những khoảng trống và cải tiến hơn.

Dưới tác động của Covid-19, nguồn cung các hàng hoá thiết yếu như thực phẩm và thuốc men tiếp tục chịu áp lực nặng nề, khiến các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp phải xem xét việc phụ thuộc chủ yếu vào một nhà cung cấp lớn như Trung Quốc. Thay vào đó, nhiều công ty đang tìm cách củng cố các chuỗi cung ứng bằng việc đa dạng hoá các khâu của chuỗi cung ứng tại các quốc gia khác nhau và tăng cường khả năng dự phòng cho mạng lưới chuỗi cung ứng. Đến Quý IV/2020, nhiều công ty sẽ nghiên cứu hành vi của khách hàng và tối ưu hoá hoạt động logistics thông qua số hoá trong khi xây dựng hình ảnh trực tuyến của mình. Những thay đổi này sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch. Các công ty có đủ khả năng để số hoá sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn một khi các lệnh phong toả được gỡ bỏ.

Ở mức độ cao hơn, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng cần được khởi động lại. Hiện nay, thương mại hàng hoá toàn cầu đang ở mức 18 nghìn tỉ USD mỗi năm, và chi phí quản lý logistics và chuỗi cung ứng là khoảng 12 nghìn tỉ. Mặc dù giá trị đạt được là rất lớn, thương mại hàng hoá toàn cầu cần được hiện đại hoá và số hoá. Hầu hết thương mại hàng hoá toàn cầu hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào tài liệu giấy và xử lý bằng tay, làm giảm năng suất tiềm năng khoảng 15%. Bằng cách số hoá thương mại toàn cầu và loại bỏ sự trì hoãn do xử lý bằng tay, giá trị thương mại toàn cầu có thể tăng thêm 1,8 nghìn tỉ mỗi năm. Do đó, hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua số hoá sẽ cần thiết cho phục hồi kinh tế và gia tăng năng suất trong tương lai.

Một nghiên cứu từ năm 2013 của WEF đã chỉ ra rằng việc giảm các rào cản trong chuỗi cung ứng, ví dụ như giảm chi phí giao dịch, có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên nhiều hơn so với việc giảm thuế[5]. WEF cũng gợi ý một loạt giải pháp nhằm số hoá các cấu phần then chốt của thương mại hàng hoá toàn cầu. Nghiên cứu mới đây của WEF đưa ra khái niệm “Mạng Internet logistics” với ý nghĩa mở rộng các chức năng của mạng Internet với những đặc điểm nền tảng, có những tính năng logistics đặc thù, có tính cân bằng về thương mại, chính trị và cạnh tranh, nhằm mục tiêu thay thế kết nối một – một hiện nay bằng một mô hình tương tự như Internet để kết nối một lần rồi chia sẻ với tất cả mọi người. Năm mạng lưới “Internet logistics”, bao gồm “Nhận diện thương mại toàn cầu” (Global Trade Identity – GTID), “Tầm nhìn chia sẻ” (Share Visibility – SV), “Tối ưu hoá trạm dừng” (Port Call Optimization – PCO), “Dòng tài chính” (FF), và “Khả năng tương tác hải quan qua biên giới” (Custom Cross Border Interoperability – CCBI), là năm mạng lưới số hoá có thể thay đổi thương mại toàn cầu. Những hệ thống này có khả năng tăng cường sự tương tác của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc sử dụng các hệ thống mã thống nhất và đa tương thích, nhờ đó làm giảm chi phí thương mại. Nếu các công ty logistics và cung ứng hoạt động nhịp nhàng theo sáng kiến này, điều đó có thể khiến các tổ chức đa phương như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tham gia đẩy nhanh quá trình này thông qua việc tăng cường sự tham gia của các nước thành viên, đặc biệt là các thị trường mới nổi thường mất nhiều chi phí hơn cho thương mại hàng hoá./.

Huyền Ngọc.

[1] https://www.pwc.ch/en/publications/2017/how-digitization-makes-the-supply-chain-more-efficient-pwc-2016.pdf

[2] https://www.mckinsey.com/business-functions/operations/our-insights/supply-chain-40–the-next-generation-digital-supply-chain#

[3] https://www.weforum.org/agenda/2020/04/covid-19-pandemic-disrupts-global-value-chains/?fbclid=IwAR2YbQgs-irz4x5hsnc6G3GDWs9QefrHeP6Rr1Q2hqF_IaQa9PQQHOKYgNI

[4] https://fortune.com/2020/03/11/75-of-companies-report-coronavirus-has-disrupted-their-supply-chains/

[5]http://reports.weforum.org/global-enabling-trade-2013/a-reducing-supply-chain-barriers-to-trade-could-increase-gdp-up-to-six-times-more-than-removing-tariffs-they-have-been-under-managed-by-both-countries-and-companies/?doing_wp_cron=1576824546.5098659992218017578125#read

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here