Sáng kiến quốc gia số của Chính phủ Israel

0
99
(businessfinland.fi)
(businessfinland.fi)

Cuộc cách mạng số hoá có những tác động to lớn đến thế giới trong thời gian qua, mang đến sự đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sống, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Anh, Estonia, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đều xác định sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược kỹ thuật số quốc gia toàn diện để tích hợp các công nghệ sáng tạo vào mọi lĩnh vực của xã hội và nền kinh tế, do nhận thấy những kết quả mang lại như năng suất cao hơn, tăng trưởng nhanh hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho công dân các nước này khi so sánh với các quốc gia khác.

Được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”, Israel nắm giữ công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới, xếp thứ hai thế giới về tổng tiêu dùng nội địa cho R&D tính theo tỷ lệ phần trăm GDP thế giới, xếp thứ nhất về mức đầu tư mạo hiểm trên mỗi người dân, xếp thứ hạng cao trong số các nước phát triển trên bảng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF về các chỉ số liên quan đến đổi mới và sẵn sàng về công nghệ. Tuy nhiên, Israel cũng đối mặt với vấn đề cách biệt về tiếp cận công nghệ số giữa các nhóm kinh tế-xã hội, thể hiện xếp thứ hạng không cao trong các đánh giá của Liên hợp quốc, OECD về tỷ lệ người dùng Internet, tỷ lệ hiểu biết số, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Nhận thấy tầm quan trọng của số hoá, từ năm 2013 chính phủ Israel bắt đầu xác định nhu cầu cấp thiết xây dựng chính sách kỹ thuật số, khởi đầu từ xác định “Israel số” là một trong sáu vấn đề chiến lược mà Nhà nước Israel phải giải quyết trong báo cáo đánh giá kinh tế xã hội chiến lược của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đến thông qua Nghị quyết số 1046 thành lập “Sáng kiến quốc gia về Israel số” – để xây dựng và triển khai chính sách quốc gia số về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Năm 2015, chính phủ Israel phê duyệt Chương trình Quốc gia số (National Digital Program-sau đây gọi tắt là NDP) giai đoạn 2017-2022 trên cơ sở chính sách sáng kiến Israel số, xây dựng các bước triển khai cụ thể, thiết lập các chương trình bộ ngành, liên bộ ngành.

Tầm nhìn về DII:

Bộ Bình đẳng Xã hội Israel đưa ra Sáng kiến quốc gia số của chính phủ Israel (Digital Israel Initiative –DII) nhằm biến Israel trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ tiên tiến, áp dụng số hoá để thực hiện 3 mục tiêu cơ bản:

(i) Thu hẹp cách biệt kinh tế-xã hội giữa các nhóm cộng đồng dân cư (tiếp cận các nhóm cộng đồng rìa xã hội, địa lý; giảm chi phí sinh hoạt; cung cấp quyền người dân được hưởng). Đây là nhiệm vụ chính, đặt người dân đặc biệt là nhóm cộng đồng dễ tổn thương vào trung tâm hưởng các lợi ích từ đổi mới số;

(ii) gia tăng tốc độ phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm (thúc đẩy nền công nghiệp và doanh nghiệp số; phát triển thị trường lao động việc làm trong kỷ nguyên số; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng). Kinh tế số được xác định là công cụ, nguồn lực để cung cấp dịch vụ số; và

(iii) nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền trung ương và địa phương (tăng khả năng tiếp cận chính quyền trung ương, địa phương; thúc đẩy chính phủ đổi mới sáng tạo và hiệu quả; cải thiện dịch vụ công). Chính phủ là cơ quan hỗ trợ, đưa ra chủ trương, chiến lược, cơ chế và khuyến khích sự thành lập và triển khai chính sách số của Israel.

Việc triển khai chính sách được thực hiện thông qua 2 nhóm lĩnh vực: cốt lõi và chiều ngang. Các lĩnh vực cốt lõi gồm: chính quyền địa phương; kinh tế và tài chính; nhà ở; luật pháp; y tế; việc làm và dịch vụ công; giáo dục; chính phủ số. Các lĩnh vực theo chiều ngang gồm: cơ sở hạ tầng số; tăng cường nhận thức về quyền người dân được hưởng; mua sắm chính phủ; quy định; nguồn nhân lực.

Bộ máy hoạt động và Cơ chế vận hành:

Chính phủ Israel thành lập Cục Israel số nằm trong Văn phòng Thủ tướng và sau được chuyển về Bộ Bình đẳng Xã hội để điều phối các hoạt động chính phủ thúc đẩy sáng kiến DII, xây dựng Chương trình NDP, phối hợp phát triển chương trình số hoá bộ ngành, liên bộ, các chương trình thúc đẩy số hoá liên chính phủ. Chính sách tạo ra khuôn khổ cơ sở cho các bộ ngành và các cơ quan trực thuộc phối hợp triển khai. Các đối tác (Cơ quan công nghệ thông tin của Chính phủ, các bộ ngành và các đơn vị liên quan) là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện DII trong lĩnh vực phụ trách. Bên cạnh những lợi ích mang lại từ việc số hoá, chính phủ Israel cũng quan tâm về vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư của công dân. Các quy trình số hoá của DII đòi hỏi xử lý, phân phối dữ liệu cá nhân phải đảm bảo cân bằng về tính bảo mật, phù hợp với quy định của Nghị quyết 1933 ngày 30/8/2016 của Chính phủ Israel và các quy định pháp luật Israel.

1. Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng:

Vấn đề bất bình đẳng kinh tế-xã hội là một trong những vấn đề trọng tâm hiện nay trên thế giới và tại Israel. Ở Israel, mức độ bất bình đẳng, khoảng cách xã hội hiện ở mức khá cao, đặc biệt trong những nhóm nước phát triển, xếp thứ 5 trong OECD. Sự phân hoá này thể hiện rõ trong kỷ nguyên số khi các nhóm rìa ít hoặc không được tham gia và hưởng thành quả của công nghệ và số hoá, không tiếp cận được thông tin và các công cụ số, có ít cơ hội việc làm có chất lượng, tiếp cận và dịch vụ công, chính sách an sinh xã hội. Nhóm rìa bao gồm những nhóm có địa vị kinh tế-xã hội thấp, như người già, người nhập cư, thành phần thiểu số, nhánh Jewish Ultra-Orthodox (nhánh bảo thủ Do thái giáo), người khuyết tật. Chính sách DII giúp đưa nhóm rìa kinh tế-xã hội tiếp cận gần hơn với những nhóm trung tâm, hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ công, an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin và giảm bớt tình trạng quan liêu trong việc thực hiện những quyền lợi về dịch vụ công người dân được hưởng.

Nhằm thu hẹp khoảng cách, DII đặt ra 3 mục tiêu chiến lược trong NDP:

i) Thu hẹp khoảng cách địa lý và xã hội của nhóm rìa: vận dụng lợi thế số để vượt rào cản khoảng cách địa lý, văn hoá, ngôn ngữ, kết nối với những nhóm rìa xã hội, tạo cơ hội và bình đẳng hơn, đồng thời cung cấp các dịch vụ công chất lượng ở mọi nơi trên đất nước, thông qua 3 nhóm hoạt động:

– Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho các nhóm rìa để có thể sử dụng công cụ số trong cuộc sống, làm việc, từ sử dụng máy tính và internet tới mục tiêu nâng cao như nghiên cứu, xử lý thông tin, mua bán online, ngân hàng điện tử…. NetGev – tỉnh thành số đầu tiên (Bộ Bình đẳng Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ) thành lập một khung hợp tác đầu tiên giữa chính quyền trung ương, 12 chính quyền địa phương Do Thái và Ả rập, và khu vực tư nhân, với mục tiên biến Đông Negev trở thành địa phương dẫn đầu trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khởi nghiệp, thông qua công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng dịch vụ công ở những địa phương xa xôi, thu hẹp khoảng cách kinh tế-xã hội; tạo việc làm mới. “Digital Communities” mở các lớp đào tạo trực tuyến về kiến thức, kỹ năng số cho người dân ở địa phương sinh sống xa trung tâm.

– Cung cấp người dân khả năng tiếp cận dịch vụ công như giáo dục, sức khoẻ, an sinh xã hội bằng phương tiện số. Điều trị từ xa (Telemedicine) do Bộ Y tế chủ trì xây dựng cơ sở hạ tầng y tế từ xa, cung cấp dịch vụ khám, tư vấn sức khoẻ thông qua hội nghị truyền hình, giúp giảm thời gian chờ khám, cung cấp dịch vụ y tế đến những địa phương xa xôi.

– Tạo công ăn việc làm và phát triển doanh nghiệp ở những địa phương xa xôi: xây dựng các trung tâm công nghệ, cung cấp ưu đãi cho các công ty công nghệ cao dịch chuyển đến những địa phương xa xôi, cập nhật kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên ở vùng ven để đáp ứng điều kiện thị trường lao động và công nghệ thông tin. Thành lập các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Số ở các vùng ven (phối hợp cùng Bộ Khoa và học công nghệ Vụ trụ) phát triển đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, thu hẹp cách biệt công nghệ, phát triển cộng đồng, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp địa phương.

ii) Giảm bớt chi phí sinh hoạt, giá nhà: áp dụng công cụ số để truy cập thông tin dịch vụ, đơn giản hoá thủ tục, quy trình, tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí sinh hoạt và hạ giá thành dịch vụ, thu hẹp khoảng cách kinh tế-xã hội.

– Thúc đẩy quá trình số hoá trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản: cung cấp thông tin về đất đai, dự án kế hoạch phát triển đô thị, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Văn phòng Địa chính điện tử (Bộ Tư pháp triển khai thí điểm tại Beer Sheba) cung cấp các thủ tục đăng ký giấy phép xây dựng, sửa chữa đất đai, nhà ở trực tuyến.

– Phát triển khu vực tài chính trong kỷ nguyên số góp phần tạo thuận lợi cho kinh doanh, tăng sự thuận tiện cho công dân được hưởng những dịch vụ tài chính chất lượng với chi phí thấp hơn. Cơ quan Dịch vụ công nghệ thông tin (Bộ Tài chính, Ngân hàng Israel) khuyến khích thiết lập ngân hàng điện tử hoạt động qua mạng cung cấp các dịch vụ tài chính từ xa. Tăng cường sử dụng ICT trong các hoạt động tài chính, ngân hàng, đơn giản hoá và giảm chi phí dịch vụ tài chính.

– Thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản phẩm kỹ thuật số để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng tính dễ tiếp cận, dễ sử dụng. “Digital Books” của Bộ Giáo dục triển khai số hoá sách giáo khoa, học tập giúp cắt giảm chi phí mua sách học hàng năm. Khoá học Tiếng Anh trực tuyến (Đại học Mở) cung cấp các khoá đào tạo trực tuyến tương đương với đào tạo tại chỗ cho cao học.

– Thúc đẩy tiêu dùng có hiểu biết thông qua phương tiện số: tăng tính minh bạch về giá cả sản phẩm và dịch vụ, cung cấp thông tin qua mạng, thúc đẩy cạnh tranh, cho phép người dân kiểm soát chi phí tối ưu. Bộ kinh tế và Cơ quan Đổi mới tổ chức cuộc thi viết phần mềm so sánh giá cả thực phẩm, cung cấp thông tin về tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

iii) Thực hiện quyền: vận dụng thông tin số để tăng cường khả năng thực hiện quyền, giúp các nhóm xã hội yếu được hưởng các quyền lợi, phụ cấp.

– Tiếp cận các thông tin về quyền thông qua mạng: cung cấp các thông tin về quyền để người dân tiếp cận dễ dàng, đảm bảo việc thực hiện quyền công bằng. Trang web “All Your Health” – Quyền Y tế cung cấp thông tin về quyền lợi người bệnh, chi phí dịch vụ y tế, so sánh quyền lợi y tế giữa các quỹ bảo hiểm y tế.

– Đơn giản hoá quy trình để người dân hưởng đầy đủ quyền lợi: xây dựng giải pháp số toàn diện, liên bộ ngành nhằm đơn giản hoá các quy trình thực hiện quyền, giảm trùng lặp, lãng phí, rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu, tăng cường năng lực thực hiện quyền. “First Class” của Cơ quan Bảo hiểm Quốc gia NCI đưa ra dịch vụ cho phép bệnh nhân kiểm tra quyền hưởng trợ cấp tàn tật và chuyển yêu cầu trực tuyến đến NCI, giảm bớt quy trình thủ tục hành chính cho người bệnh.

2. Tăng tốc độ phát triển kinh tế

i) Thúc đẩy các ngành công nghiệp và doanh nghiệp số: Lĩnh vực công nghệ thông tin đóng góp 18,5% GDP Israel, mức thu nhập trong lĩnh vực cao gấp đôi mức lương trung bình, trọng tâm đổi mới sáng tạo của Israel. Do đó, chính phủ quan tâm đến thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến mới như an ninh mạng, thông tin, Fintech, e-Health, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo thêm cơ hội việc làm, tăng nhu cầu lao động công nghệ.

– Phát triển các ngành công nghiệp số: thúc đẩy môi trường thuận lợi phát triển công nghệ số, đầu tư vào giáo dục, thiết lập các trung tâm, viện nghiên cứu. Phát triển ngành công nghiệp y tế số (e-Health) (do Bộ Y tế, Lao động, Tài chính, Cơ quan Phát triển) xây dựng ngành công nghiệp như động lực tăng trưởng quóc gia, biến Israel thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực Y tế số.

– Số hoá doanh nghiệp: thúc đẩy các dự án nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi thế của công nghệ thông tin, cung cấp đào tạo, khuyến khích các khoản tài trợ để doanh nghiệp áp dụng đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin vào doanh nghiệp (phần mềm kế toán, kết nối khách hàng, đối tác thông qua mạng Internet bằng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM, hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP, hoá đơn điện tử…)

– Tăng cường, khuyến khích sử dụng công nghệ số, nền tảng thương mại điện tử: khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, vận hành trang web, mạng xã hội, để tiếp thị, duy trì liên hệ với khách hàng, thúc đẩy bán sản phẩm trực tuyến.

ii) Phát triển thị trường việc làm trong Kỷ nguyên số: cải thiện kỹ năng của người lao động trong thời đại số từ đơn giản đến đào tạo chuyên biệt cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Thúc đẩy, khuyến khích sử dụng công cụ số để làm việc từ xa.

– Áp dụng kỹ năng số trong giáo dục, đào tạo nguồn lao động cho thị trường lao động hiện đại, từ các kỹ năng máy tính, mạng đơn giản và đào tạo nguồn lao động công nghệ thông tin chất lượng cao. Bộ Giáo dục điều chỉnh chương trình giảng dạy các kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động việc làm, các công cụ công nghệ thông tin được tích hợp vào các môn học, giáo án để đào tạo cho học sinh các kỹ năng số, như sử dụng internet thông minh, sử dụng các ứng dụng máy tính cơ bản và nâng cao.

– Tăng cường sử dụng đào tạo nghề trực tuyến bằng chuyển đổi chương trình, khoá đào tạo sang môi trường số và trực tuyến, cải thiện chất lượng, cắt giảm chi phí, mở rộng khả năng tiếp cận đến mọi người. Dự án Đào tạo số quốc gia: cung cấp các khoá đào tạo đến nhiều nhóm công dân: sinh viên cao học, học tập suốt đời, nâng cao kỹ năng việc làm cho các nhóm dân cư yếu, học sinh cấp 3, đào tạo nghề…

– Mở rộng thị trường việc làm trong thời đại số, loại bỏ rào cản khoảng cách, thúc đẩy, cung cấp các công cụ khuyến khích mô hình làm việc từ xa. Trung tâm Việc làm từ xa do chính quyền Negev thành lập cung cấp các khoá đào tạo việc làm, trung tâm lao động để nhân viên từ Negev làm việc với các nhà tuyển dụng trên khắp Israel.

– Tiêu chuẩn hoá lao động công nghệ thông tin, đào tạo lao động có kỹ năng chuyên biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực kỹ thuật số, tăng cường tỷ trọng nhóm này trong lực lượng lao động. Tăng cường lượng học sinh học các môn STEM làm cơ sở gia tăng số sinh viên ngành công nghệ thông tin, từ đó gia tăng lượng lao động công nghệ thông tin lành nghề cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Chương trình tăng cường học thuật trong các lĩnh vực công nghệ cao gia tăng lượng sinh viên theo học các ngành cần thiết cho nền kinh tế số như điện, điện tử, khoa học máy tính, cung cấp học bổng, trợ cấp tài chính, thuê các giảng viên hàng đầu, tăng đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng đào tạo công nghệ số.

iii) Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng số: phát triển cơ sở hạ tầng mềm để tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho hoạt động số trong nền kinh tế và chính phủ. Thiết lập quy định, loại bỏ các rào cản sự phát triển của hoạt động số, đồng thời đảm bảo an toàn an ninh mạng, thông tin cá nhân người dùng.

– Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý: tạo khuôn khổ quy định hỗ trợ, khuyến khích các công ty viễn thông tăng đầu tư hạ tầng mạng di động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng, tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, xã hội, như cung cấp khoản hỗ trợ triển khai mạng tốc độ cao.

– Thúc đẩy hệ sinh thái số: đảm bảo hài hoà hai yếu tố độ mở tiếp cận nguồn thông tin dữ liệu giữa người dân và chính phủ, đồng thời bảo đảm bảo mật thông tin dữ liệu cá nhân.

3. Chính phủ điện tử dễ tiếp cận và thông minh

Sáng kiến thiết lập “Chính phủ mở” tập trung thực hiện các mục tiêu cải thiện, đơn giản hoá dịch vụ công, thủ tục hành chính, dễ tiếp cận và thuận tiện giữa người dân và chính phủ, giảm bớt quan liêu, tiết kiệm ngân sách, trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội.

i) Tăng khả năng tiếp cận của chính phủ địa phương: chính phủ số tạo ra phương thức hiệu quả, dễ tiếp cận và thân thiện giữa người dân và chính phủ, giảm quan liêu, thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của chính phủ.

– Cải thiện các dịch vụ công cho người dân và giảm bớt bộ máy hành chính: Cơ quan công nghệ thông tin của Chính phủ phối hợp cùng các Bộ ngành triển khai các biện pháp xây dựng chính phủ điện tử thông minh, dễ tiếp cận với công dân, đồng thời xây dựng các cơ chế bảo mật thông tin và quyền riêng tư, nền tảng nhận dạng công dân chung thống nhất tích hợp trong các dịch vụ công. Trang web chính phủ GOV.il xây dựng dựa trên cơ sở GOV.uk tổng hợp các dịch vụ của chính phủ để người dân dễ dàng truy cập và sử dụng các dịch vụ công.

– Thúc đẩy “Thành phố thông minh” và Số hóa chính quyền địa phương: giảm thiểu cách biệt và thống nhất cơ chế chính sách và triển khai thực hiện chính sách “Thành phố thông minh” của các chính quyền địa phương ở Israel, nâng chất lượng sống của cộng đồng dân cư. Thành lập cơ sở hạ tầng nhân sự về công nghệ số ở chính quyền địa phương bằng việc triển khai chương trình đào tạo công nghệ thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng số: “Digital Leaders” dành cho đối tượng cán bộ quản lý nhằm tạo thay đổi trong lĩnh vực phụ trách, “Digital Accelerators” cho đối tượng cán bộ trung cấp để đào tạo áp dụng công nghệ thông tin vào công việc. Tăng cường khả năng tiếp cận chính quyền địa phương thông qua nền tảng số, cung cấp một nền tảng cơ bản, thống nhất cho phép chính quyền địa phương cải thiện chất lượng giao tiếp và sử dụng dịch vụ công của người dân bao gồm: trang web, phần mềm địa phương số, biểu mẫu trực tuyến, trang Facebook…

– “Chính phủ mở”: Israel xây dựng chính phủ số dựa trên các nguyên tắc của “Chính phủ mở” – một sáng kiến được chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự của 70 nước triển khai thực hiện. Việc sử dụng công cụ số được thúc đẩy nhằm đảm bảo tính minh bạch và báo cáo, sự tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình và tích hợp công nghệ đổi mới vào nền tảng kết nối chính phủ và người dân.

ii) Chính phủ đổi mới và hiệu quả: sử dụng công nghệ thông tin để đơn giản hoá, cải thiện hiệu quả quy trình xử lý công việc nội bộ của chính phủ, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

– Tăng cường số hóa trong công việc nội bộ chính phủ: đơn giản hoá quy trình công việc bằng cách áp dụng công cụ số, giúp giảm chi phí mua sắm, bảo trì, giảm trùng lặp trong công việc, tiêu chuẩn hoá quy trìng xử lý công việc hợp lý hơn, tiết kiệm ngân sách. Các hoạt động triển khai tập trung vào 2 lĩnh vực: mua sắm chính phủ đơn giản và số hoá; phát triển các ứng dụng, nền tảng, cơ sở hạ tầng số chung thống nhất trong các cơ quan chính phủ.

– Thúc đẩy chính sách dựa trên thông tin và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ: Cơ quan công nghệ thông tin Chính phủ phối hợp với Cục Quốc gia Số phát triển “Shared Technology Platform” gồm các công cụ thu thập, quản lý, xử lý và chia sẻ thông tin chính phủ, tích hợp cơ sở dữ liệu thông tin vào các cơ quan chính phủ, hướng đến việc các cơ quan chính phủ vận hành hoạt động, đưa quyết định dựa trên nguồn thông tin được cập nhật, chia sẻ giữa các cơ quan, bộ ngành.

– Phát triển năng lực số cho nguồn nhân lực trong chính phủ: Cơ quan công nghệ thông tin Chính phủ phối hợp với Đại học Quốc gia triển khai khoá đào tạo cho cán bộ quản lý công nghệ thông tin trong các Bộ ngành, cán bộ cấp quản lý theo chương trình “Digital Leaders” nâng cao năng lực sử dụng công nghệ số trong từng cơ quan bộ ngành.

– Mở rộng đổi mới và khởi nghiệp trong chính phủ: các cơ quan chính phủ khuyến khích tinh thần đổi mới và khởi nghiệp trong chính cơ quan của mình, phối hợp với các trung tâm đổi mới sáng tạo thông qua Innovation Development Services để giải quyết các vấn đề công bằng công nghệ đổi mới sáng tạo của khối tư nhân, khuyến khích các nhân viên công vụ tự bản thân đổi mới tư duy, phương pháp xử lý công việc dựa trên kiến thức công nghệ số, đổi mới sáng tạo.

iii) Cải thiện dịch vụ công: các cơ quan chính phủ kết hợp số hoá và sự hỗ trợ của ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo để cải thiện chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, cải thiện chất lượng sống của người dân.

– Cải thiện giáo dục bằng các phương tiện số: Bộ Giáo dục xây dựng chiến lược giáo dục số gồm 3 nhóm biện pháp: cải thiện chất lượng đào tạo, giáo dục trang bị kỹ năng số cho học viên; quản lý hệ thống giáo dục bằng việc tích hợp công nghệ số; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục.

– Cải thiện y tế: Bộ Y tế triển khai các bước số hoá nhằm thay đổi cơ bản hệ thống y tế: áp dụng công nghệ y tế hiện đại vào điều trị, chuyển đổi y tế điều trị sang y tế phòng ngừa, tăng cường hiệu quả điều hành quản lý hệ thống y tế, đơn giản hoá và thống nhất thông tin giữa Bộ Y tế và các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế. Bộ Y tế xây dựng nền tảng quốc gia “Eitan Project” để chia sẻ dữ liệu bệnh nhân giữa các đơn vị điều trị, tạo quá trình điều trị liên tục cho bệnh nhân trong toàn bộ quá trình chuyển đổi giữa các cơ sở điều trị. Phần mềm “Available Emergency Room” của Bộ Y tế giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, tắc nghẽn tại các phòng cấp cứu, cung cấp thời gian thực thời gian chờ đợi và các dịch vụ được cung cấp ở mỗi phòng cấp cứu.

– Cải thiện phúc lợi xã hội: các cơ quan phúc lợi xã hội xây dựng chương trình số nhằm cung cấp các dịch vụ xã hội, cung cấp thông tin cho công dân, cung cấp “Distance Social Services” cắt giảm thời gian di chuyển, chờ đợi sử dụng dịch vụ công cho nhóm công dân cao tuổi…

(Đại sứ quán Việt Nam tại Israel)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here