Nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba thế giới trong 10 năm tới?

0
233
Ngày 30/11/2015, IMF tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế hiện bao gồm USD, Euro, Yen và bảng Anh, và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10. (Nguồn: SMCP)
Ngày 30/11/2015, IMF tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2016. (Nguồn: SMCP)

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley dự đoán đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc gia tăng có thể thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT), qua đó đưa đồng nội tệ Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau USD và euro, trong 10 năm tới.

Dự báo này được đưa ra sau nhiều năm Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên thế giới. Hiện tại, đồng NDT chiếm khoảng 2% dự trữ ngoại hối toàn cầu, theo báo cáo của Morgan Stanley. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ này có thể tăng lên mức 5% đến 10% vào năm 2030, vượt qua đồng yen của Nhật Bản và đồng bảng Anh. Ngân hàng này đã đưa ra dự đoán tương tự hồi tháng 2/2019.

Trong 18 tháng kể từ thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường việc cho phép nhiều tổ chức tài chính nước ngoài thâm nhập vào thị trường trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ngày càng quan tâm đến thị trường Trung Quốc vì tiềm năng thu được lợi nhuận tương đối cao hơn so với các khu vực khác.

Morgan Stanley dự đoán đầu tư theo danh mục (hay đầu tư gián tiếp nước ngoài – FPI) sẽ giữ vai trò lớn hơn so với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm tới, trong tổng số 3.000 tỷ USD giá trị dòng vốn chảy vào Trung Quốc. FPI là các hoạt động mua tài sản tài chính nước ngoài nhằm kiếm lời, hình thức đầu tư này không kèm theo việc tham gia vào các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của doanh nghiệp giống như trong hình thức FDI.

Báo cáo của Morgan Stanley cho hay, các nhà quản lý dự trữ ngoại hối và nhà đầu tư tư nhân dự kiến sẽ tạo ra hơn 150 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2020. Báo cáo cho biết, dòng vốn hàng năm sẽ đạt 200-300 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030.

Với những khoản đầu tư này, thêm nhiều tài sản toàn cầu sẽ được nắm giữ bằng đồng NDT. Chính phủ Trung Quốc có truyền thống kiểm soát dòng tiền, bao gồm cả việc ngăn chặn một lượng lớn dòng vốn rời khỏi đất nước.

Tuy nhiên, vào năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thực hiện một động thái quan trọng về mặt chính trị khi đưa đồng NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). NDT đã được thêm vào nhóm SDR này của IMF vào tháng 10/2016.

Morgan Stanley dự đoán đồng NDT có thể sẽ mạnh lên, ở mức 6,6 NDT đổi 1 USD vào cuối năm 2021. Trong phiên sáng 7/9 tại thị trường Bắc Kinh, đồng NDT của Trung Quốc giao dịch ở mức 6,84 NDT đổi 1 USD.

Chuyên gia về chiến lược quốc tế James Lord của Morgan Stanley nhận định rằng tỷ lệ mục tiêu 5% đến 10% không phải là viển vông trong bối cảnh thị trường tài chính mở cửa ở Trung Quốc, hội nhập thị trường vốn xuyên biên giới ngày càng mở rộng, cũng như tỷ lệ ngày càng tăng của các giao dịch bằng đồng NDT xuyên biên giới của Trung Quốc. Tất cả những điều này cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ cần nắm giữ nhiều NDT hơn như một phần tài sản dự trữ của họ.

Ông Lord cho biết, tính đến cuối năm 2019, có khoảng 70 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nắm giữ NDT trong dự trữ của họ, tăng từ 60 ngân hàng vào cuối năm 2018, theo Báo cáo quốc tế hóa đồng NDT hàng năm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương).

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng chỉ ra những thay đổi về động lực kinh tế của Trung Quốc, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng, sẽ đòi hỏi nước này trở thành quốc gia “nhập khẩu vốn”. Báo cáo của Morgan Stanley dự đoán tài khoản vãng lai của quốc gia, ghi chép các hoạt động thương mại và thanh toán cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể chuyển sang âm từ năm 2025 và đạt mức âm 1,2% GDP vào năm 2030. Điều này có nghĩa là Trung Quốc cần ít nhất 180 tỷ USD dòng vốn nước ngoài ròng mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030 để tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến khả năng các ngân hàng trung ương và các tổ chức đầu tư xử lý áp lực chính trị liên quan đến việc phân bổ tài sản dự trữ của họ như thế nào. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khởi động trên mặt trận thương mại nay đã lan sang lĩnh vực công nghệ, cũng như tài chính, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia tái tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020.

Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, bày tỏ nghi ngờ về triển vọng đồng NDT có thể trở thành đồng tiền dự trữ chính. Mặc dù ông Pettis cho rằng không có lý do gì để không đồng ý với các dự báo của Morgan Stanley, nhưng ông nhận thấy rằng rất khó để đưa ra dự đoán dài hạn về sự phát triển của cán cân tài khoản vãng lai của Trung Quốc. Mức độ điều chỉnh mà Trung Quốc phải thực hiện để cân bằng nguồn cầu trong nền kinh tế là rất lớn, và các biện pháp trước đây đều cho thấy những chính sách điều chỉnh sẽ liên quan đến sự chuyển đổi các thể chế kinh tế (và có thể là chính trị).

Morgan Stanley lưu ý rằng có một số rủi ro đối với dự đoán của họ về khả năng tăng tỷ lệ sử dụng và dự trữ đồng NDT trên thị trường quốc tế. Các nguy cơ này bao gồm khả năng Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính cho đầu tư nước ngoài chậm hơn dự kiến, sự biến động của thị trường toàn cầu, rủi ro kinh tế của Trung Quốc và sự leo thang đáng kể trong căng thẳng Mỹ-Trung.

Báo cáo lưu ý rằng dự báo trên có thể chưa chính xác nếu có sự thay đổi về xu hướng quốc tế hóa đồng NDT và sự sẵn sàng của các nhà quản lý dự trữ ngoại hối trong việc thêm các tài sản bằng đồng NDT vào danh mục đầu tư của họ. Nhìn chung, hiện nay phần lớn sự gia tăng tỷ trọng tài sản dự trữ bằng đồng NDT đến từ Nga./.

Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here