Giáo sư Tống Quốc Hữu, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Trường Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), ngày 28/7/2020 có bài viết đăng trên tờ “Thời báo Hoàn cầu” với một số nội dung chính như sau:
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn và chưa rõ khi nào phục hồi. Mỹ có kế hoạch đưa gói kích thích kinh tế mới với quy mô trên 1.000 tỷ USD thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, xét tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ còn rất xa vì do 5 mâu thuẫn lớn sau:
(i) Mẫu thuẫn giữa kiểm soát dịch bệnh và khởi động khôi phục kinh tế. Các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn diễn ra tại nhiều nơi; các biện pháp bảo hộ không được thực hiện nghiêm ngặt khiến số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump và chính quyền một số tiểu bang mong muốn sớm khởi động khôi phục kinh tế. Tuy nhiên một số bang khác cho rằng trước hết phải kiểm soát được dịch bệnh cho dù phải hy sinh lợi ích kinh tế. Rõ ràng quản trị không đúng cách, đã khiến dịch bệnh tái bùng phát, gây tổn thất kinh tế nặng nề và cản trở nghiêm trọng khôi phục kinh tế.
(ii) Mẫu thuẫn giữa ổn định trợ cấp và tạo việc làm. Mục tiêu chính của gói kích thích mới là làm thế nào để cân bằng giữa trợ cấp thất nghiệp cần thiết và khuyến khích người dân tìm việc làm. Nếu trợ cấp thất nghiệp thấp, sẽ không giúp người dân Mỹ vượt qua khó khăn, khó có thể duy trì sức sống cần thiết của nền kinh tế. Nhưng nếu trợ cấp thất nghiệp quá cao, thậm chí cao hơn thu nhập công việc bình thường, sẽ khiến một số người có tâm lý ỷ lại, không muốn tìm việc. Trên thực tế, với khoản trợ cấp 600 USD mỗi tuần, trợ cấp của Chính phủ Mỹ đã cao hơn mức thu nhập hàng ngày của một số người. Kết quả là càng nhiều người ở nhà và số thất nghiệp tăng lên.
(iii) Mẫu thuẫn giữa thị trường vốn mạnh và nền kinh tế thực yếu: các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ đã không thực sự giúp ổn định nền kinh tế. Nhiều khả năng GDP tăng trưởng âm trong năm 2020, số người thất nghiệp vẫn trong khoảng 30 triệu. Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế dường như đã trở thành gói kích thích thị trường chứng khoán. Điều này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ hoạt động mạnh mẽ, đẩy chỉ số Nasdaq và chỉ số S&P 500 đạt mức cao mới. Sự hưng thịnh bất thường của thị trường vốn đã trở thành “quả bom” tiềm ẩn cho sự phát triển của kinh tế Mỹ, mang lại sự không chắc chắn cho nền kinh tế.
(iv) Mâu thuẫn giữa giảm thuế và tăng nợ: Chính quyền Mỹ hy vọng cắt giảm thuế để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các đợt kích thích kinh tế trước đây đã làm tăng gánh nặng nợ của Chính phủ. Nếu gói kích thích kinh tế nghìn tỷ USD được thực hiện, quy mô nợ liên bang có thể vượt 130% GDP. Cắt giảm thuế có thể có lợi cho nền kinh tế ngắn hạn, nhưng về lâu dài, các khoản nợ lớn này sẽ gây áp lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
(v) Mâu thuẫn giữa hỗ trợ kinh tế và tập trung bầu cử: Năm 2020 trùng với năm diễn ra bầu cử nước Mỹ. Cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đánh giá hiệu quả chính trị từ những gói kích thích kinh tế này. Đằng sau kế hoạch kích thích kinh tế là mục đích chính trị, lợi ích đảng phái. Gói kích thích kinh tế trở thành món quà chính trị để hai bên giành lá phiếu của cử tri, hiệu quả thực sự cho nền kinh tế sẽ giảm đi rất nhiều.
Do những hạn chế của 5 khó khăn trên, mặc dù gói kích thích kinh tế mới của Mỹ rất lớn, nhưng hiệu quả rốt cuộc sẽ không mấy lạc quan và sự phục hồi nền kinh tế một cách thực sự còn xa vời.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)