EU chùn bước trong việc đánh thuế các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ

0
146
(Internet)
(Internet)

Bất chấp sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel, triển vọng của việc đánh thuế kỹ thuật số trên toàn Châu Âu đang nhanh chóng biến mất do sức ép từ việc đe đọa áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Điều này cho thấy những giới hạn của Châu Âu trong việc thực hiện các chủ quyền về công nghệ thông qua việc đánh thuế.

Vấn đề này đã trở nên nóng hơn khi Pháp đơn phương đưa ra mức thuế 3% nhắm vào doanh thu của các đại gia công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, dưới áp lực của Tổng thống Trump, Pháp đã phải đẩy lùi việc đánh thuế từ tháng 4 sang tháng 12/2020. Ngoài ra, một trong các lý do hoãn đánh thuế của Pháp là để OECD có thời gian đưa ra một thỏa thuận toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là sẽ khó đạt được vào cuối năm nay khi virus corona đã ảnh hưởng đến lộ trình đạt được thỏa thuận. Trong một lá thư hồi tháng 6 từ Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Mỹ cũng đã yêu cầu tạm dừng các cuộc trao đổi về thỏa thuận này cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020.

Đề xuất về thỏa thuận đang được trao đổi tại OECD bao gồm hai nội dung chính. Thứ nhất, nhằm đảm bảo các công ty kỹ thuật số bị đánh thuế ở những nơi họ thu được lợi nhuận – điều mà bị Washington phản đối dữ dội khi cho rằng sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử với các công ty công nghệ của Mỹ. Nội dung thứ hai là thiết lập một mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Trong một nỗ lực để giữ Mỹ trong quá trình đàm phán, OECD đã đề nghị hướng đến việc đạt được thỏa thuận đối với nội dung thứ hai còn nội dung thứ nhất sẽ trao đổi vào năm sau.

Các nước EU đang chia rẽ về việc có nên chấp nhận đề xuất này hay không. Một số quốc gia, bao gồm Pháp và Ireland, muốn giữ cả hai nội dung này cùng nhau. Các nước khác như Đức thì sẵn sàng trao đổi về nội dung thứ hai. Đức lập luận rằng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đảm bảo các công ty đa quốc gia, bao gồm các doanh nghiệp kỹ thuật số phải trả một phần thuế hợp lý. Hiện tại, Ủy ban Châu Âu cho biết họ muốn giữ thỏa thuận thuế toàn cầu mà bao gồm cả hai nội dung này vì coi đây là cách duy nhất để đảm bảo tất cả các nước EU ủng hộ thỏa thuận này. Benjamin Angel, giám đốc cơ quan thuế của Ủy ban Châu Âu cho rằng các nước EU sẽ phải chấp nhận rằng OECD sẽ không có được một thỏa thuận trong năm nay.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here