Thương mại là lĩnh vực hợp tác ổn định trong căng thẳng Mỹ-Trung Quốc

0
71
(Internet)

Trong hơn 3 năm qua, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giờ đây, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dường như lại là phần bền vững nhất trong bối cảnh quan hệ hai nước leo thang vì sự bùng phát virus corona cũng như các cáo buộc khác của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc về vấn đề gián điệp, sở hữu trí tuệ, tham vọng 5G toàn cầu…

Không giống như những giai đoạn căng thẳng trước đây, ông Trump đã không đe dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với Trung Quốc hoặc thực hiện các biện pháp trừng phạt mới với các công ty xuất khẩu sản phẩm của Trung Quốc sang Mỹ. Không bên nào đe dọa sẽ xóa bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều năm đàm phán. Thương mại, từ lâu là vấn đề gây tranh cãi nhất trong quan hệ Mỹ – Trung, đột nhiên trở thành một lĩnh vực ổn định. Các lý do thì liên quan nhiều đến chính trị hơn là ngoại giao khi cả hai bên đã đầu tư thời gian và vốn chính trị để đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, điều này đã loại bỏ các rào cản đối với các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận này cũng yêu cầu Trung Quốc mua thêm 200 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ vào cuối năm tới, bao gồm các mặt hàng nông sản như đậu nành, thịt lợn và ngô.

Khi căng thẳng tăng trở lại, hai bên dường như nghĩ rằng sẽ mất nhiều hơn là được đối với việc phá vỡ thỏa thuận. Michael Pillsbury, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson cho rằng, thương mại đã trở thành một lĩnh vực hợp tác hoặc ổn định. Nói cách khác, việc ký kết thỏa thuận thương mại đã mở đường cho chính quyền Trump gây sức ép với Trung Quốc trên các mặt trận khác. Để theo đuổi một thỏa thuận thương mại, chính quyền Trump đã từ bỏ nhiều hành động khác nhau để giải quyết các mối quan tâm khác về Trung Quốc, bao gồm vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đàn áp ở Hồng Kông và các mối đe dọa an ninh và trừng phạt của các công ty công nghệ và viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE. Thỏa thuận mang lại một sự ổn định kỳ lạ cho mối quan hệ Mỹ -Trung bằng cách tập trung xung đột giữa 2 nước vào các vấn đề kinh tế thuần túy.

Thương mại không còn là nguyên nhân chính, căng thẳng đang lan sang ngoại giao, an ninh và công nghệ, là các vấn đề gây tranh cãi và phức tạp hơn để giải quyết. Sự chia rẽ về công nghệ giữa hai nước về kiểm duyệt internet đang ngày càng lớn hơn. Trung Quốc đang xem xét mở rộng các kiểm soát internet mới với Hồng Kông trong khi chính quyền Trump đang cân nhắc các biện pháp chống lại các ứng dụng xã hội của Trung Quốc như TikTok, Tencent, WeChat. Mỹ đã gây sức ép buộc các quốc gia khác cấm thiết bị của Huawei, bao gồm Anh. Căng thẳng địa chính trị cũng đang tăng lên.

Mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 đang được duy trì nhưng nó có thể đổ vỡ nếu ông Trump cho rằng Trung Quốc không đáp ứng các cam kết của thỏa thuận. Các nhà phân tích từ lâu đã xem những mục tiêu trong thỏa thuận là không thực tế. Tuy nhiên, ông Trump coi những cam kết trong thỏa thuận là rất quan trọng để thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ và nhất là thúc đẩy việc Trung Quốc mua nông sản, qua đó giúp gia tăng triển vọng tái đắc cử của ông. Hiện tại, ông Trump và các cố vấn thương mại đang bảo vệ các nỗ lực của Trung Quốc trong thực hiện các thỏa thuận thương mại và nói rằng Trung Quốc đang thực hiện các bước quan trọng để mở cửa thị trường nông nghiệp và hệ thống tài chính. Jamieson Greer, cựu Chánh Văn phòng của USTR cho rằng thỏa thuận sẽ không biến mất ngay lập tức, người Trung Quốc thực sự cần và chính quyền Mỹ có động lực để giữ thỏa thuận này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here