Tin Kinh tế Colombia

0
217
(Internet)
(Internet)

1. ExxonMobil và Ecopetrol hợp tác áp dụng công nghệ fracking trong khai thác dầu thô tại Colombia.

Công ty dầu khí Nhà nước Colombia (Ecopetrol) cho biết mới đây họ đã đạt được thỏa thuận liên doanh với ExxonMobil Explective Colombia (công ty con của ExxonMobil) nhằm áp dụng công nghệ fracking trong việc khai thác dầu thô tại Colombia, trước mắt sẽ được triển khai thí điểm tại các lưu vực trầm tích Magdalena và Cesar Ranchería. Thỏa thuận này sẽ cho phép Ecopetrol điều hành các hoạt động khai thác trong khi đó ExxonMobil sẽ tiến hành việc chuyển giao kỹ thuật công nghệ tiên tiến cùng với những kinh nghiệm toàn cầu sâu rộng.

Ecopetrol khẳng định rằng thỏa thuận giữa hai bên sẽ phải đáp ứng một loạt các điều kiện cần thiết và tuân theo quy định của Dự án thí điểm nghiên cứu toàn diện (PPII) của Bộ Mỏ và Năng lượng. Đồng thời cam kết tôn trọng các giao thức, khuyến nghị nhằm bảo vệ môi trường do Hội đồng Nhà nước và Chính phủ thiết lập.

Đây là liên doanh thứ hai mà Ecopetrol đã thực hiện với các công ty Mỹ để phát triển công nghệ fracking. Năm 2019, Ecopetrol đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD với Occidental Petroleum tại lưu vực Permian ở các bang Texas và New Mexico.

2. Kim ngạch xuất khẩu Colombia giảm 40,3% trong tháng 5/2020.

Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (Dane) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 của Colombia đạt 2 tỷ 237 triệu USD, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm xuất khẩu chủ lực là dầu thô và các sản phẩm phái sinh giảm tới 56,7% chỉ đạt 970 triệu USD. Tiếp theo là than giảm 48,8% đạt 378 triệu USD, nhóm sản xuất giảm 38,4% đạt 429,8 triệu USD và hoa tươi giảm 19,5% đạt 145,4 triệu USD.

Nhìn chung xuất khẩu Colombia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá nguyên liệu thấp và nhu cầu hàng hóa & dịch vụ của thị trường quốc tế sụt giảm mạnh.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Colombia đạt 12 tỷ 902,5 triệu USD, giảm 25%, so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó nhóm xuất khẩu chủ lực là dầu thô và các sản phẩm phái sinh đạt 6 tỷ 260,5 triệu USD, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2019.

05 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Colombia trong tháng 5 là Mỹ (29,7%), tiếp theo là Trung Quốc (12,2%), Panama (4,6%), Brazil (3,9%) và Chile (3,4%).

3. Sản xuất cà phê Colombia tăng 12% trong tháng 6/2020.

Trong tháng 6/2020, sản lượng sản xuất cà phê của Colombia đã phục hồi và trên đà tăng trở lại, đạt mức 1,36 triệu bao (loại 60 kg), tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 (1,21 triệu bao).

 Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng sản xuất cà phê tích lũy chỉ đạt 6,14 triệu bao, giảm 8 % so với cùng kỳ năm 2019), nguyên nhân chủ yếu là việc thu hoạch bị sụt giảm trong các tháng 3 và 4/2020 do lệnh cách ly xã hội chặt chẽ Trong 12 tháng qua (từ tháng 07/2019 đến tháng 6/2020), tổng sản lượng đạt hơn 14,2 triệu bao, tăng 4% so với gần 13,7 triệu bao so với cùng kỳ trước đó.

Giám đốc Hiệp hội trồng cà phê quốc gia (FNC) Roberto Vélez Vallejo cho biết mặc dù giữa bối cảnh đại dịch, nhờ nỗ lực chung của các nhà sản xuất và chính quyền, cà phê tiếp tục là động lực và điểm sáng của nền kinh tế Colombia, gần như là nguồn thu nhập duy nhất cho đa số các hộ gia đình nông dân Colombia.

Về xuất khẩu, trong tháng 6 Colombia đã xuất khẩu được 1,12 triệu bao, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 (1,11 triệu bao). Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu đạt 5,8 triệu bao, giảm 12 % so với cùng kỳ năm 2019 (6,6 triệu bao). Trong 12 tháng qua (từ tháng 07/2019 đến tháng 6/2020), xuất khẩu đạt 12,9 triệu bao, giảm nhẹ 4% so với 13,3 triệu bao so với cùng kỳ trước đó.

Colombia được biết đến là nhà cung cấp cà phê Arabica chế biến ướt hàng đầu thế giới với chất lượng cao, hiện có 855.000 ha cà phê được trồng và khoảng 500.000 hộ nông dân phụ thuộc vào hoạt động này. Từ các năm 2010 đến 2019, Colombia là nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba trên thế giới sau Brazil và Việt Nam. Trong năm 2020, sản lượng cà phê Colombia dự kiến ​​thu hoạch là khoảng 14 triệu bao.

4. 51,4% doanh nghiệp cho biết kinh tế Colombia sẽ khởi sắc trong năm 2020.

Cục Thống kê Hành chính quốc gia Colombia (Dane) mới đây đã phối hợp với WB và IDB để tiến hành cuộc khảo sát đối với 8.400 doanh nghiệp Colombia hoạt động lĩnh vực thương mại, sản xuất và dịch vụ, với mục đích lấy ý kiến của các doanh nghiệp nhằm đánh giá các tác động ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Các nội dung tham vấn bao gồm: tình trạng hoạt động, nhu cầu về sản phầm và dịch vụ, nhân sự, các cơ chế điều chỉnh, kỳ vọng về hành vi của nền kinh tế, đánh giá về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Kết quả cho thấy về tình trạng hoạt động hiện tại: 40,5% hoạt động một phần, 31,4% hoạt động bình thường và 28,1% tạm thời đóng cửa.

Về nhu cầu của khách hàng sản phẩm và dịch vụ: 12,6% tăng, 7,6% không có thay đổi và 75,6% sụt giảm, 4,2% không có ý kiến.

Về các chính sách hỗ trợ: 91,6% được phổ biến về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, 64,4% được hưởng lợi từ các chính sách nói trên, 50,1% cho biết có sự chậm trễ trong việc thanh toán các nghĩa vụ thuế và trả lương trong tháng 6/2020 do khó khăn về tài chính.

Về kỳ vọng đối với nền kinh tế Colombia trong năm 2021: 6,8% đánh giá trên mức tích cực, 51,4% tích cực, 21,5% cho rằng sẽ không thay đổi, 17,1% tiêu cực và 3,2% dưới mức tiêu cực.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here