VEPR: Ở vị thế tốt hơn, Việt Nam nên bắt đầu các chính sách “chống sốc” hậu Covid-19

0
69

Theo các chuyên gia của VEPR, kịch bản tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 5,3% và thời gian tới, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc giống như Covid-19 trong tương lai.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tại buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020. (Ảnh: Đ.T)

Tại buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, do đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn chứng kiến những dấu hiệu tích cực trong năm 2019.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra; tăng trưởng kinh tế quý I/2020 vẫn ở mức 3,82% và tăng trưởng cả năm 2020 vẫn được kỳ vọng sẽ giữ giá trị dương mặc dù ảnh hưởng của Covid-19 đang ngày càng lan rộng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VEPR, các thành tựu nói trên đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điển hình như tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực, thậm chí là một số doanh nghiệp FDI; khối doanh nghiệp tư nhân còn dưới mức tiềm năng và phải chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.

Măt khác, không gian chính sách cho chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá. Chính sách tài khóa lại không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách không nhiều chuyển biến và khối tài sản nhà nước ngày càng thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thiếu đệm tài khóa để đối phó với các cú sốc bên ngoài.

Về kịch bản tăng trưởng, VEPR nhận thấy, kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, giúp các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của Covid-19 sẽ rơi vào quý II/2020.

Với phân tích trên, VEPR đưa ra kịch bản tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam năm 2020 đạt 5,3%; bên cạnh đó còn có các kịch bản tăng trưởng trung bình là 3,9% và nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, dịch bệnh bùng phát trở lại, tăng trưởng sẽ chỉ đạt được 1,7%.

VEPR nhận định, dù Việt Nam có lợi thế rất lớn là đã kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn, tuy nhiên việc phục hồi kinh tế là không dễ dàng khi các đối tác của Việt Nam vẫn đang chịu tác động nặng nề của dịch. Điều này cũng tác động làm giảm tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.

Nói về các chính sách khuyến nghị trong ngắn hạn, VEPR cho rằng, thúc đẩy đầu tư công trong nửa sau năm 2020 có thể bù đắp được những khó khăn tạm thời của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam không thể thúc đẩy chi tiêu công mãi trong dài hạn do nguồn lực hạn hẹp, hậu quả của nhiều năm thâm hụt tài khóa.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cũng bị ràng buộc bởi các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá. Nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn như nhiều nền kinh tế hiện nay thì có thể dẫn đến mất giá tiền tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn và ít nhất là làm trì hoãn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Với các nguồn lực hạn hẹp như vậy, các chính sách cần phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với diễn biến bệnh dịch trong và trên thế giới nên được tính đến. Trong mọi hoàn cảnh, Việt Nam phải xây dựng được các phương án phòng chống bệnh dịch đi kèm sản xuất, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động”, VEPR nhấn mạnh.

Theo đó, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động của giãn cách xã hội nên được ưu tiên hàng đầu và cần phải được triển khai nhanh chóng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn khi chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất, và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn. Việc khoanh/ngưng hoặc miễn giảm các chi phí tài chính như lãi vay và tiền thuê đất nên được áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động; các chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động, nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ để tránh cào bằng, dàn trải.

Còn đối với nhóm các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, Việt Nam nên khuyến khích tín dụng, hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành bởi họ là nhóm gánh đỡ cho nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn này.

Ngay cả khi dịch Covid-19 ở trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới. Do vậy, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm  2020 là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc mở rộng đầu tư công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và có sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.

Cuối cùng, để giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, các chuyên gia của VEPR nhận thấy, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc giống như Covid-19 trong tương lai.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here