Báo Hindu Business Line: Ấn Độ lo ngại là bên bị ‘tổn thất’ nhiều nhất vì EVFTA

0
116
Không chỉ quan trọng đối với Việt Nam, EVFTA cũng có ý nghĩa chiến lược đối với EU.
Không chỉ quan trọng đối với Việt Nam, EVFTA cũng có ý nghĩa chiến lược đối với EU.

Tờ The Hindu Business Line của Ấn Độ vừa đăng bài cảnh báo xuất khẩu giày dép, hàng may mặc, hải sản và đồ nội thất của Ấn Độ sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi khối 27 thành viên này bắt đầu dỡ bỏ thuế quan đối với Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Các quan chức và chuyên gia Ấn Độ cho biết, New Delhi rất muốn xúc tiến đàm phán thương mại tự do song phương với EU, theo đó sẽ “san bằng” sân chơi cho các nhà xuất khẩu của nước này, song sẽ không vội vàng ký kết FTA. Lý do là hai bên hiện vẫn còn nhiều khoảng cách trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, mua sắm công, bảo vệ đầu tư, lao động, môi trường và tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nhạy cảm cần được bắc cầu.

Các nhà xuất khẩu của Ấn Độ đang lo ngại mất thị trường tại EU vào tay Việt Nam, đặc biệt trong các sản phẩm chủ chốt mà đối thủ cạnh tranh của họ sẽ sớm có lợi thế truy cập miễn thuế nhờ EVFTA. Ấn Độ có thể “vô hiệu hóa” lợi thế này của Việt Nam bằng cách tìm kiếm FTA với EU, song New Delhi phải tính toán cẩn thận vì việc vội vàng ký kết thỏa thuận có thể khiến ngành công nghiệp Ấn Độ mất nhiều hơn được. Một quan chức Ấn Độ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với EU bất cứ khi nào họ bày tỏ quan tâm”.

Ông Ajay Sahai thuộc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho biết hiện Ấn Độ và Việt Nam chiếm thị phần  hàng may mặc và hải sản ở EU gần như ngang nhau, lần lượt là 7 tỷ USD và 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhờ EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0%, trong khi Ấn Độ tiếp tục phải trả 9% thuế đối với hàng may mặc và 6% với đồ hải sản.

Ông Sahai nói: “Với mặt hàng giày dép, Việt Nam xuất khẩu trị giá 7,5 tỷ USD, trong khi Ấn Độ xuất khẩu 1,6 tỷ USD. Sự chênh lệch sẽ càng tăng lên khi EU giảm thuế cho Việt Nam từ 8% xuống 0%. Tương tự, trong ngành nội thất, lĩnh vực Ấn Độ đã bắt đầu xâm nhập vào EU với lượng hàng trị giá hơn 900 triệu USD, thị phần của Việt Nam trị giá 1,5 tỷ USD có khả năng tăng gấp nhiều lần khi thuế nhập khẩu 6% được loại bỏ”.

FIEO đã yêu cầu Bộ Thương mại Ấn Độ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Thỏa thuận đầu tư và thương mại diện rộng (BTIA), khởi xướng từ năm 2007 nhưng bị đình trệ từ năm 2013 do những bất đồng về các lĩnh vực quan trọng.

Mặc dù Ấn Độ tỏ ý sẵn sàng trở lại bàn đàm phán vào cuối năm 2019, song EU lại yêu cầu kèm theo các điều kiện về mua sắm công, tiêu chuẩn lao động và tính bền vững, khiến Ấn Độ khó chấp nhận.

Giáo sư Biswajit Dhar của Đại học Jawaharlal Nehru nhấn mạnh: “Tìm cách hạ gục EVFTA bằng việc tìm kiếm một FTA của riêng mình cũng sẽ làm nảy sinh vấn đề. Chúng ta không thể bỏ qua sự thật rằng có những vấn đề về tiếp cận thị trường ở phía EU cũng như việc khối này khăng khăng mở cửa các lĩnh vực nhạy cảm như ô tô, rượu vang và rượu mạnh”.
Theo Giáo sư Dhar, EVFTA cũng sẽ biến Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn dòng đầu tư chuyển khỏi Trung Quốc do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ông Ajay Sahai nhận định, Việt Nam, nước đã tụt hậu so với Ấn Độ tại thị trường EU vài năm trước, gần như đã đuổi kịp quốc gia Nam Á này. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Ấn Độ vào thị trường này là 58 tỷ USD.

Nguyễn Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here