OECD dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu

0
113

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 10/6 công bố báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, cho rằng dịch bệnh Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái tồi tệ nhất trong gần 100 năm qua. Mặc dù các nước đang dần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, nhưng con đường phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều nhân tố bất ổn.

OECD đưa ra 2 kịch bản: một là dịch bệnh được kiểm soát; hai là dịch Covid-19 bùng phát lần 2, đồng thời OECD cho rằng không có quốc gia nào có thể mong đợi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ theo một trong hai kịch bản này.

Theo đó, với kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6%; nền kinh tế Mỹ có thể (-7,3%); Nhật Bản (-6%); khu vực đồng Euro (-9%); nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ bị ảnh hưởng tương đối ít.

Trong trường hợp thứ 2, dịch Covid-19 bùng phát lần 2 vào cuối năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ giảm 7,6% trong năm nay. Trong năm 2020, nền kinh tế Mỹ có thể (-8,5%), Nhật Bản (-7,3), khu vực đồng Euro (-11,5%).

Về triển vọng kinh tế thế giới sau năm 2020, OECD dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ bắt đầu hồi phục vào năm 2021. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế thế giới sẽ tăng 5,2%, nhưng nếu có đợt bùng phát lần 2, kinh tế thế giới chỉ có thể tăng 2,8%.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sỹ sụt giảm trong năm 2020

Mặc dù những biện pháp khống chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19 của chính phủ Thụy Sỹ ít hà khắc hơn so với các nước khác, GDP của Thụy Sỹ vẫn sẽ giảm -7,7% trong năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào mùa hè và kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng trở lại trong 2021, theo dự báo của OECD ngày 10/6/2020. Tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư sụt giảm mạnh bất chấp thời gian phong tỏa ngắn hơn so với các nước khác. Chi tiêu cá nhân giảm 6,8% năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trở lại gần như với tỷ lệ đó vào 2021. OECD cũng dự báo xuất khẩu sẽ chịu tác động của sự hồi phục kinh tế chậm và đồng Franc tăng giá, sẽ giảm -7.6% trong 2020 và tăng trở lại 4.2% năm 2021.

Làn sóng thứ 2 của corona virus sẽ có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế với nhiều doanh nghiệp phá sản hơn, thất nghiệp và đầu tư giảm. Một kịch bản như vậy sẽ dẫn đến giảm -10% GDP năm 2020 và tăng trưởng trở lại 2,3% trong 2021, theo OECD. Tuy nhiên, mức nợ công thấp tạo dư địa tài chính cho chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại từ tháng 5 sau khi chính phủ quyết định nới lỏng phong tỏa.

OECD dự báo suy thoái kinh tế nước Anh sâu hơn các quốc gia phát triển khác

Nền kinh tế Vương quốc Anh có thể phải đối mặt với sự suy thoái sâu nhất trong số các quốc gia phát triển do bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. OECD đã cho biết như vậy vào hôm thứ Tư trong dự báo kinh tế toàn cầu 6 tháng một lần của mình.

Tổ chức có trụ sở tại Paris này với mục đích cải thiện hiệu suất của các nền kinh tế tiên tiến này dự báo nền kinh tế Anh sẽ sụt giảm 11,5% vào năm 2020 nếu tránh được làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Mức suy thoái này lớn hơn so với các nước khác trong khu vực như Pháp và Ý.

Theo OECD, Vương quốc Anh bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 do lệnh phong tỏa toàn quốc được đưa ra vào ngày 23/3/2020, có phần muộn hơn so với các quốc gia láng giềng.

Tổ chức này cho rằng với bản chất là một nền kinh tế dịch vụ, kinh tế Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu làn sóng dịch thứ hai xảy ra trong năm nay, dự báo kinh tế Anh sẽ giảm 14% trong năm 2020.

OECD cũng đưa ra 2 kịch bản được cho là đều có khả năng xảy ra đối với nền kinh tế Anh vào năm 2021. Tỷ lệ hồi phục của nền kinh tế Anh sẽ là 9% nếu chỉ có một làn sóng dịch duy nhất xảy ra và  sẽ chỉ cải thiện 5% nếu có làn sóng thứ hai và vào cuối năm 2021 nền kinh tế Anh sẽ không trở lại được mức tổng sản phẩm quốc nội hồi đầu năm 2020.

(Tin từ CQĐD Việt Nam ở nước ngoài)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here