Liệu đã đến lúc Bắc Kinh tư duy lại về việc tham gia CPTPP ?

0
162
(http://www.moit.gov.vn)
(http://www.moit.gov.vn)

Tại họp báo kết thúc Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định quan tâm của Bắc Kinh về việc tham gia CPTPP. Theo nghiên cứu của Viện kinh tế học quốc tế Peterson, sự tham gia của Trung Quốc sẽ đem lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Trung Quốc và các quốc gia thành viên, làm thương mại mở rộng 50% và thu nhập toàn cầu tăng 76,7% đạt 632 tỷ USD. Với các chính phủ tiền nhiệm của ông Trump, TPP đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển hướng về Châu Á – Thái Bình Dương thông qua tăng cường ảnh hưởng lên tiến trình hợp tác kinh tế khu vực và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thái độ của Trung Quốc đối với TPP thay đổi qua thời gian từ nghi ngờ về động cơ chính trị cho đến tư duy mở với những cân nhắc thận trọng về lợi và hại của thỏa thuận. Khẳng định vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường là nhắc lại cách tiếp cận tư duy mở, nhưng chưa đi quá lập trường nguyên tắc hiện nay. Giới hoạch định chính sách của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn liệu lợi ích của việc tham gia CPTPP có bù đắp được chi phí bỏ ra và vẫn còn bất đồng về việc liệu có thúc đẩy việc tham gia thỏa thuận. Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, có một xung lực mạnh cả trong và ngoài Trung Quốc thúc đẩy nước này tham gia thỏa thuận với đồng thuận về những lợi ích kinh tế đạt được từ mở rộng thương mại. Tham gia CPTPP cũng phù hợp với mục tiêu phát triển và chính sách kinh tế của Trung Quốc, thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường, tạo cơ hội để Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến việc định hình lại các nguyên tắc và chuẩn mực thương mại toàn cầu cho thế hệ kế tiếp. Trung Quốc không còn phải lo ngại thỏa thuận này là công cụ ngăn chặn có động cơ chính trị do Mỹ đã không còn là thành viên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cao của CPTPP và những khó khăn của cải cách trong nước bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn là điều làm Trung Quốc lo lắng. Ngoài việc đẩy cao mức độ tự do hóa thương mại, thỏa thuận cũng động chạm đến nhiều lĩnh vực quan trọng như doanh nghiệp nhà nước (SOEs), cạnh tranh, bảo vệ sở hữu trí tuệ, lao động, thương mại số và tiêu chuẩn môi trường. Những tiêu chuẩn mới sẽ tạo ra những thách thức làm cho Trung Quốc chưa thể có bước đi quyết đoán tham gia câu lạc bộ này cho đến khi có đánh giá đầy đủ hàm ý chính sách cùng với ý chí chính trị để tạo ra những thay đổi cần thiết.

Trong 18 tháng qua, môi trường bên trong và bên ngoài của Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ, là thời điểm tốt để Trung Quốc cân nhắc cách tiếp cận tích cực hơn. Bất chấp những thách thức trong WTO và khó khăn từ đại dịch, Trung Quốc tiến hành những bước đi tiệm tiến trong cải cách kinh tế và mở cửa như mở rộng tiếp cận thị trường cho nước ngoài đối với khu vực chế tạo và tài chính, bảo đảm bảo vệ và đối xử công bằng với nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thiết lập cảng thương mại tự do Hải Nam để mở rộng và làm sâu sắc mức độ tự do hóa; về vĩ mô, khẳng định cam kết xây dựng kinh tế thị trường thông qua giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, áp dụng các quy định và thực tiễn quốc tế trong quá trình ra quyết định, làm sâu sắc cải cách các SOEs, bảo đảm môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp. Những bước đi này tạo nền tảng để Trung Quốc thực hiện những điều chỉnh tham vọng đáp ứng các yêu cầu làm thành viên CPTPP. Việc gia nhập CPTPP không chỉ củng cố lòng tin vào những cam kết đổi mới kinh tế của Trung Quốc mà còn tạo xung lực mạnh từ bên ngoài để tạo thuận lợi cho cải cách ở trong nước và thúc đẩy hội nhập hơn nữa vào kinh tế thế giới và khu vực.

Ở góc độ toàn cầu, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP có thể đem đến giải pháp cho căng thẳng thương mại Trung – Mỹ và khủng hoảng trong WTO. Mô hình phát triển và cấu trúc kinh tế dẫn dắt bởi nhà nước của Trung Quốc từ lâu là vấn đề nổi cộm trong hệ thống thương mại toàn cầu dẫn đến lo ngại về tính hiệu quả của các nguyên tắc trong WTO và sự điều chỉnh chính sách thương mại của Mỹ theo hướng tiến hành các hành động đơn phương với Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một có một số khiếm khuyết như thể chế hóa cách đối phó đơn phương khi giải quyết các xung đột thương mại, chưa xử lý các vấn đề có tính hệ thống hơn (như SOEs, trợ cấp…), tạo ra những xung khắc về quy định với WTO. Những bất cập này và các vấn đề nổi cộm có thể kích hoạt các căng thẳng song phương và xung đột thương mại khi các quốc gia khác bị tước bỏ những lợi ích kinh tế từ những cam kết chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc với Mỹ. Gia nhập CPTPP tạo cơ hội giải quyết các vấn đề này. Một mặt, thỏa thuận tạo cơ sở để các đối tác thương mại lớn dựa vào đó thương lượng những nghĩa vụ tương tự như Trung Quốc cam kết trong thỏa thuận với Mỹ. Kết quả thương lượng sẽ là sự thỏa hiệp chấp nhận được cho tất cả các nước thành viên CPTPP do đó giảm khả năng dẫn đến các hành động trả đũa hoặc khiếu nại trong WTO. Mặt khác, trở thành thành viên của CPTPP sẽ cho thấy Trung Quốc sẵn sàng và có năng lực đáp ứng các quy định và chuẩn mực khắt khe hơn về SOEs và cạnh tranh, từ đó xử lý một số vấn đề căn bản gây tranh cãi nhất với Mỹ vốn được hai bên để lại cho vòng đàm phán tiếp theo. Như vậy, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các xung đột thương mại và đưa đến các giải pháp cho những vấn đề liên quan đến Trung Quốc vốn là nguyên nhân chính dẫn đến việc Mỹ xa rời chủ nghĩa đa phương.

Phần lớn các quốc gia thành viên đều bày tỏ thiện chí kết nạp Trung Quốc vào CPTPP. Các nước như Nhật Bản và Australia đã dần bớt quan ngại về việc này. Ngoài lợi thế thị trường tiêu thụ rộng lớn, Trung Quốc cũng đang triển khai thỏa thuận thương mại tự do với Australia và thúc đẩy đàm phán thương mại ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đàm phán gia nhập CPTPP của Trung Quốc cũng giúp Australia hàn gắn quan hệ ngoại giao hiện đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP cũng có một số khó khăn.

Thứ nhất, Điều 32.10 của Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada mới (USMCA) yêu cầu một quốc gia thành viên phải thông báo trước ít nhất 3 tháng cho các quốc gia thành viên còn lại về ý định đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với một nước không có nền kinh tế thị trường cũng như toàn văn thỏa thuận trước khi ký. Điều này cho phép Mỹ gây ảnh hưởng đến quá trình Canada hoặc Mỹ đàm phán thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc trong đó có CPTPP.

Thứ hai, quan hệ của Canada với Trung Quốc thời gian qua bị ảnh hưởng bởi vụ việc bắt giữ Giám đốc tài chính Tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu. Do đó, Canada có thể chưa mặn mà đàm phán với Trung Quốc do có thể phải đối mặt với sự phản kháng ở trong nước.

Thứ ba, Trung Quốc cũng có những e ngại nhất định. Ngoài các vấn đề chính trị, về mặt kinh tế, CPTPP không có sự tham gia của Mỹ không có khả năng cung cấp một thị trường đủ lớn cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có những bất ổn định trong quan hệ thương mại Trung – Mỹ, Trung Quốc có thể đang đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế và thị trường các nước CPTPP có thể là một điểm khởi đầu hấp dẫn. Dù quá trình điều chỉnh trong nước còn nhiều phức tạp và tốn nhiều thời gian, nhưng điều đó không thể ngăn cản Trung Quốc tiến hành cách tiếp cận tham vọng hơn thông qua việc đề xuất tham gia CPTPP. Động thái này sẽ dưa ra một thông điệp mạnh mẽ về việc Trung Quốc cam kết với chủ trương chuyển đổi kinh tế theo hướng thị trường và đóng vai trò có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng toàn cầu trong những thời khắc khủng hoảng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here