Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc đến Bangladesh?

0
81
(lightcastlebd.com)
(lightcastlebd.com)

Trong giai đoạn đầu hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng hoạt động để ngăn chặn Covid-19, Bangladesh đang mong muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như một cách kích thích kinh tế cần thiết. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại có vẻ lạc quan khi tuyên bố về triển vọng một số công ty sản xuất của Nhật Bản sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Bangladesh. Ngày 20/5, Bộ trưởng Thương mại Tipu Munshi cho biết: “Điểm chính là chúng ta có thể thu hút bao nhiêu đầu tư khi các nhà máy được di dời”. Ngày 21/5, Bộ trưởng Ngoại giao Tiến sĩ Abdul Momen, cho biết Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Dhaka tuần trước đã gửi cho ông một danh sách các nhà máy muốn chuyển từ Trung Quốc sang Bangladesh.

Một điều rõ ràng là, hậu Covid, nhiều công ty lớn của Mỹ và Nhật Bản có thể muốn rút khỏi Trung Quốc và tìm kiếm các đối tác thay thế để củng cố chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại lớn mà Bangladesh cần phải vượt qua trước khi có thể mong đợi một dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn, đặc biệt là nguồn vốn được dịch chuyển từ Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao hiểu rõ điều này. Ông cảnh báo rằng các nhà đầu tư nước ngoài thường không hài lòng đối với những rắc rối của tệ quan liêu, giấy tờ cản trở hoạt động kinh doanh. Bộ trưởng Ngoại giao nói rõ: “Họ đặc biệt phàn nàn về các dịch vụ kém tại Ngân hàng Bangladesh, Bộ Thương mại và Ủy ban Thuế Quốc gia”.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ngày 01/5 năm ngoái đã công bố danh sách 3.805 loại sản phẩm có thể phải chịu mức thuế lên tới 25%. Dự đoán mức thuế cao hơn đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, các công ty Nhật Bản đã khởi xướng kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. Không còn gì nghi ngờ, sau khi Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc, và sau khi Covid-19 bùng phát, Mỹ, EU và Nhật Bản đang tìm kiếm địa điểm khác để tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn và an ninh.

Nhật Bản đã dành một gói kích thích kinh tế kỷ lục để giúp các nhà sản xuất của mình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ngày 21/5, Đại sứ quán Bangladesh tại Bắc Kinh đã báo cáo rằng một số nhà đầu tư Nhật Bản thăm dò Bangladesh như một điểm đến tiềm năng. Qua đại diện của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Bắc Kinh, Đại sứ quán cho biết 34 trong số 690 công ty Nhật Bản đăng ký tại Trung Quốc đã có kế hoạch di dời. Tuy nhiên, JETRO từ chối nêu tên các công ty Nhật Bản sẵn sàng di dời khỏi Trung Quốc. Do đó, có thể kết luận rằng không có gì đảm bảo rằng các công ty Nhật Bản đang ở Trung Quốc sẽ hướng đến Bangladesh. Như thường nói, có rất nhiều bước giữa lời nói và hành động. Bangladesh cần hành động một cách chủ động để nắm bắt cơ hội mà hoàn cảnh mới đã đưa đến.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) đã gửi thư cho đại diện quốc gia của JETRO tại Bangladesh vào ngày 12/5 kêu gọi tạo điều kiện. FBCCI cũng đã gửi thư cho Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp châu Á Thái Bình Dương để khuyến khích các quốc gia thành viên của mình chuyển các công ty sang Bangladesh. Cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ tận dụng nhiều cách khác nhau để thu hút các nhà đầu tư đến Bangladesh.

Tám quốc gia châu Á sẽ hưởng lợi nếu chiến tranh thương mại buộc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Về vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), The Economist cho rằng các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia muốn chia phần “miếng bánh đầu tư chuyển hướng” (redirected investment pie) phải nhìn xa hơn không chỉ là cạnh tranh về chi phí lao động, “phải tập trung vào nâng cấp cơ sở hạ tầng cáp quang cũng như cảng và đường xá. Giáo dục rất thiết yếu bởi vì các quốc gia đang thâm nhập thị trường toàn cầu cần một lực lượng lao động lành nghề. Đây là những đơn hàng cao đối với các nước đang phát triển. Nếu chỉ trông đợi vào giá nhân công thấp hơn Trung Quốc để thu hút, chắc chắn sẽ thất bại”.

Bangladesh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, có nghĩa là phải nỗ lực hết mình để vượt qua Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Việt Nam và Ấn Độ đã bắt đầu tiếp cận với nhiều công ty Nhật Bản và Mỹ muốn rời khỏi Trung Quốc. Vào tháng 4/2020, Chính phủ Ấn Độ đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đề xuất cho họ nhiều ưu đãi để chuyển đến Ấn Độ từ Trung Quốc.

Bangladesh đang lên kế hoạch thành lập một đội đặc nhiệm để lập kế hoạch chiến lược “làm thế nào để thu hút các công ty dịch chuyển khỏi Trung Quốc” để đầu tư vào Bangladesh. Đội đặc nhiệm của Chính phủ Bangladesh phải làm việc cật lực để đảm bảo rằng đầu tư hiện đang không gặp trở ngại và đầu tư mới sẽ tới. Đầu năm nay, hồi tháng 3, Đại sứ Nhật Bản tại Bangladesh Naoki rất lạc quan, cho biết “Sự bùng phát dịch Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Bangladesh và thương mại giữa hai nước sẽ vẫn không bị ảnh hưởng trong trung và dài hạn”. Mặc dù Đại sứ có thể được đánh giá cao vì đã khẳng định, nhưng điều đó cần được chứng minh trong hiện thực thời kỳ hậu đại dịch. Bangladesh không thể hài lòng với các dự báo trước đại dịch.

Một khảo sát gần đây của JETRO cho biết 70% các công ty Nhật Bản hiện tại ở Bangladesh mong muốn mở rộng hoạt động. Người đứng đầu Cơ quan Phát triển đầu tư Bangladesh (BIDA) được cho là đang làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và JETRO để thông tin về các cơ hội đầu tư tại Bangladesh. Tuy nhiên, ông Clausan Chowdhury, Chủ tịch điều hành của Cơ quan quản lý các khu kinh tế Bangladesh (BEZA), đã chỉ trích tư duy quan liêu, nhũng nhiễu của các quan chức Bangladesh đang gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông đề nghị một số giải pháp, bao gồm mở rộng miễn thuế, cho phép miễn thuế nhập khẩu máy móc mới và đã qua sử dụng, hay tăng tốc các dịch vụ.

Bangladesh đã bị chậm hơn hai tháng trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian Chính phủ triển khai biện pháp đóng cửa hoạt động trong hơn 2 tháng này, 2 cơ quan xúc tiến đầu tư, BEZA và BIDA, cho biết các hoạt động của họ chỉ giới hạn trong việc gửi thư cho Chính phủ đề cập đến tình hình hiện tại, bao gồm cả những thách thức đối với việc đầu tư nước ngoài sau Covid-19. Gần đây trên tờ The Business Standard, thông tin “hầu hết các quan chức Chính phủ ở nước này đang trong những ngày nghỉ dài – một tháng rưỡi – một phần trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nhiều công việc đang bị trì hoãn, bao gồm cả sửa đổi Luật công ty và phá sản, cũng như các hoạt động kinh tê tổng thể, vốn rất quan trọng trong thu hút đầu tư từ nước ngoài”.

Chỉ số Reshoring mới nhất của Hoa Kỳ (US Reshoring Index – USRI) của công ty tư vấn Kearney đưa ra cảnh báo rằng, khi xác suất rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc là cao, có ba yếu tố mà tất cả các khách hàng đang xem xét: chi phí, rủi ro và khả năng phục hồi (cost, risk, and resilience). Một trong những tác giả của USRI, Patrick Van den Bossche, nhận xét: “Ba thập kỷ trước, các nhà sản xuất Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc chỉ vì một lý do: chi phí. Cuộc chiến thương mại Trung Quốc của Hoa Kỳ đã đưa đến chiều thứ hai của một phương trình là: rủi ro, đó là thuế và mối đe dọa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn khiến các công ty đặt vấn đề cung ứng đầy đủ đi cùng với chi phí. Covid-19 mang đến một chiều thứ ba trong một phương trình hỗn hợp, và được cho là nổi bật: khả năng phục hồi (resilience), đó là khả năng dự đoán và thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước”.

Bài học cho Bangladesh nằm trong thông điệp của Van den Bossche. Khi chúng ta tiếp cận một nhà đầu tư tiềm năng từ Nhật Bản đang xem xét chuyển đến Bangladesh, thì yếu tố thu hút không phải chỉ là chi phí thấp hơn, mà Bangladesh còn có thể giảm thiểu rủi ro trong tương lai và khả năng phục hồi nhanh chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đầu tư.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here