Từ năm 2017 đến nay, xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục lan rộng và sự thay đổi của cục diện kinh tế thế giới được tạo ra từ đó đã biến Việt Nam thành điểm đến mới lý tưởng cho hoạt động đầu tư phát triển của các công ty đa quốc gia.
Theo Báo cáo đầu tư thế giới năm 2019 do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây nhất, năm 2018 Việt Nam thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức cao kỷ lục 15,5 tỷ USD, đứng thứ 18 trong số các điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, tăng ba bậc so với năm 2017, vượt qua Malaysia và Thái Lan trở thành điểm đến đầu tư nước ngoài lớn thứ ba ở khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Indonesia).
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã thu hút được 6,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ… đều bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Dự đoán trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì triển vọng tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ở mức độ rất lớn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong gần 2 năm qua là do va chạm thương mại Trung-Mỹ ngày càng gay gắt hơn, các nhà đầu tư quốc tế đã lần lượt chuyển các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam để tránh hàng rào thuế quan mà Mỹ áp đặt nhằm vào Trung Quốc. Từ góc độ vĩ mô, làn sóng đầu tư của các nước trên thế giới vào Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với sự thay đổi theo kiểu tiệm tiến của hệ thống phân công lao động quốc tế (hoặc mạng lưới sản xuất toàn cầu).
Trung Quốc cũng là một trong những nước có đóng góp quan trọng cho sự trỗi dậy của nền kinh tế dựa vào đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Trung lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD, đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Cùng với việc mở rộng quy mô thương mại song phương, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh mức độ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Năm 2010, Trung Quốc đứng thứ 10 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, với 115 triệu USD, năm 2017 tổng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 850 triệu USD, trở thành nước đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Trong đó, số lượng dự án đầu tư mới của Trung Quốc ở Việt Nam đã vượt Singapore, số lượng đăng ký hoặc mua cổ phần đã vượt Nhật Bản. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD, trong đó tổng vốn đăng ký mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Từ đó có thể thấy việc Trung Quốc mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam cũng đã trở thành xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề liệu Trung Quốc có nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam hay không. Một số học giả đã khẳng định giá trị kinh tế và ý nghĩa chính trị của việc tăng cường hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế có nguy cơ sụp đổ hiện nay, việc Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam là chìa khóa để nước này tiếp tục duy trì cục diện mở cửa kinh tế với thế giới, đồng thời làm rõ các cơ hội của FDI Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên các góc độ khác nhau như môi trường kinh doanh của Việt Nam, tính tương hỗ về kết cấu kinh tế giữa hai nước…
Tuy nhiên, cũng có một số nhà nghiên cứu giữ thái độ bảo thủ đối với vấn đề này, cho rằng ưu thế thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay sẽ dần mất đi khi mức độ phát triển kinh tế và xã hội được nâng cao, và cũng không nên xem nhẹ các rủi ro về môi trường chính trị và xã hội. Vì vậy, hiện nay việc các doanh nghiệp Trung Quốc (đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nghề cấp thấp) thông qua việc tăng đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận không phải là một kế sách dài hạn. Lý do xuất hiện hai quan điểm đối lập nêu trên xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề khác nhau.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều học giả Trung Quốc khi quan tâm đến các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, về cơ bản đều xuất phát từ các góc nhìn như môi trường kinh tế chính trị và văn hóa xã hội của Việt Nam, quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước…
Một mặt, có tương đối ít nghiên cứu đánh giá một cách có hệ thống về hiện trạng và đặc điểm, cơ hội và rủi ro mà Trung Quốc có thể đối diện khi đầu tư vào Việt Nam từ góc nhìn vĩ mô ở cấp độ quốc tế. Mặt khác, các tài liệu gần đây cũng chưa kết hợp chặt chẽ các vấn đề thực tế như ảnh hưởng từ sự thay đổi của nền kinh tế thế giới đối với một quốc gia cụ thể để đánh giá vấn đề đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Do đó, đối với Chính phủ Trung Quốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp, việc hiểu rõ triển vọng đầu tư vào Việt Nam thông qua những góc nhìn này là cách hiệu quả để tránh đưa ra các quyết sách và hành vi đầu tư thiển cận.
Nhìn chung, một trong những biểu hiện cơ bản của sự thay đổi kinh tế toàn cầu hiện nay là sự tái cấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu hoặc sự thay đổi của hệ thống phân công lao động quốc tế.
Trang Essra.org.cn viết rằng, vấn đề đáng bàn là về chiều dọc mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhưng so với sự đầu tư của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á khác và đầu tư của các nước khác trên thế giới vào Việt Nam, thì vẫn ở mức tương đối thấp. So sánh theo chiều ngang có thể thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2018 chỉ bằng 29% lượng đầu tư vào Singapore và 50% vào Indonesia, đồng thời có thời điểm còn ít hơn đầu tư vào Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Lào. Ngoài ra, mặc dù đã nhanh chóng vươn lên trở thành nước đầu tư lớn thứ 5 vào Việt Nam trong năm 2018 (sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong), nhưng đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, có khoảng cách chênh lệch tương đối rõ rệt với 4 nước đứng đầu, vị thế của Trung Quốc trong các nhà tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn không gian cải thiện tương đối lớn.
Một mặt, việc Trung Quốc đầu tư nhiều vào các nước Đông Nam Á như Singapore và Indonesia đã phản ánh nước này có khả năng và nhu cầu đầu tư ra bên ngoài. Mặt khác, việc các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore liên tục chú ý đến Việt Nam cho thấy Việt Nam có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Dù nhìn từ góc độ của nước đầu tư hay nước nhận đầu tư, Trung Quốc đều chưa khai phá hết tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, chưa thể kết nối một cách có hiệu quả với các điều kiện có lợi và tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Trần Quyên