Giá dầu giảm và những hệ lụy

0
77

Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến gần đây trên tờ Le Monde (Pháp), nhà báo, chuyên gia kinh tế Nabil Wakim đã đề cập về tác động của giá dầu giảm mạnh đến các loại nhiên liệu khác, đồng thời đánh giá thiệt hại của ngành ngân hàng Pháp trong hoạt động đồng tư vào ngành dầu đá phiến Mỹ. Dưới đây là những nội dung đáng chú ý:

Mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trung bình mỗi ngày và trong giai đoạn bình thường là bao nhiêu thùng? Và cuộc khủng hoảng y tế đã làm giảm tỷ lệ tiêu thụ dầu mỏ là bao nhiêu?

Kể từ năm 2019, thế giới đã tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng/ngày. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính mức giảm tiêu thụ trong tháng 4 là 30% và trong tháng 5 là 25%. Liệu mức tiêu thụ này có nhanh chóng tăng trở lại khi kết thúc các biện pháp giãn cách xã hội? Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số chuyên gia tin rằng những trở ngại đối với giao thông và sự co lại của hoạt động kinh tế sẽ không đưa giá dầu trở lại bình thường. Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng giá dầu thấp sẽ khuyến khích tiêu thụ đáng kể.

Liệu giá dầu có khả năng tăng mạnh trong những tháng tới hay không? Liệu nhu cầu dầu mỏ có chắc chắn tăng vào một thời điểm nào sắp tới?

Đó là một khả năng. Cần phải phân tích một số dữ liệu quan trọng: Các mỏ dầu không phải là vĩnh cửu và sản lượng dầu giảm theo thời gian. Các công ty dầu mỏ phải liên tục tăng sản lượng để duy trì sản lượng ở mức đủ cho tiêu thụ. Hậu quả của những mức giá thấp này là các khoản đầu tư vào việc thăm dò các nguồn dầu khí mới sẽ ở mức thấp nhất. Đó là điều dễ hiểu, bởi việc không thể kiếm được lợi nhuận sẽ không khuyến khích đầu tư.
Điều này sẽ để lại một hậu quả nghiêm trọng: Có thể làm giảm nguồn cung trên thị trường thế giới trong một vài năm và chúng ta có thể chứng kiến một cú sốc dầu mỏ theo hướng khác, chẳng hạn nhu cầu dầu mỏ tăng cao, nhưng nguồn cung lại sụt giảm, trừ khi lượng dầu tiêu thụ giảm mạnh nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Chúng ta có thể hy vọng giá nhiên liệu ở Pháp giảm đáng kể hay không?

Giá dầu giảm chủ yếu liên quan tới thị trường Mỹ và có thể chỉ là tạm thời. Sự sụt giảm giá dầu sẽ không có tác động trực tiếp đến dầu khai thác. Điều quan trọng cần lưu ý là giá dầu bán ra không chỉ phụ thuộc vào giá dầu khai thác. Cần phải thêm vào chi phí lọc dầu và phân phối.

Tuy nhiên, việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua đã tác động liên tục đến giá của tất cả các loại nhiên liệu. Cuối cùng, chúng ta có thể nhấn mạnh một thực tế là tác động của sự sụt giảm giá dầu này có lẽ không thể nhìn thấy được đối với những người sử dụng ô tô do họ phải ở nhà để thực hiện các biện pháp cách ly cộng đồng nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch.

Liệu có nguy cơ phá sản đối với tất cả các công ty chuyên khai thác dầu khí, bao gồm các công ty thăm dò hoặc các công ty làm việc gián tiếp trong lĩnh vực này hay không?

Hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ bị đe dọa, đầu tiên là ở Mỹ, và có thể phải phá sản nhanh chóng. Hàng chục ngàn việc làm cũng đang bị đe dọa. Ngoài ra, các công ty dầu khí lớn trên thế giới, như Exxon, BP hay Total, đã tuyên bố giảm đáng kể các khoản đầu tư của họ. Tất cả các công ty phụ thuộc vào các dự án của họ đều gặp khó khăn và có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này liên quan đến các tập đoàn đang hoạt động ở Pháp như Tập đoàn dầu khí TechnipFMC của Anh, Tập đoàn ống thép Vallourec, Tập đoàn vận tải hàng hải Bourbon hay Tập đoàn công nghệ năng lượng CGG của Pháp.

Liệu giá dầu giảm có phải là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hay không?
Có hai cách nhìn nhận để đánh giá. Một mặt, chúng ta có thể nghĩ rằng sự biến động đáng kinh ngạc của thị trường dầu mỏ, biến động địa chính trị và sự phụ thuộc của nhiều quốc gia (đặc biệt là Pháp) có thể gây ra “cú sốc điện” đối với nhiều lĩnh vực. Ở nhiều quốc gia, năng lượng tái tạo đã thể hiện được tính ổn định. Vả lại giá dầu giảm sẽ khuyến khích nhiều quốc gia phát triển năng lượng hóa thạch, ngay khi các biện pháp cách ly xã hội kết thúc. Và do đó, lượng khí thải CO2 có thể bắt đầu tăng trở lại.

Tại sao Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói rằng sự sụt giảm giá dầu là một rủi ro cho quá trình chuyển đổi năng lượng? Phải chăng điều này hoàn toàn ngược lại?

Dù giá dầu ở mức thấp, dầu mỏ vẫn có sức cạnh tranh hơn nhiều so với các năng lượng khác, đặc biệt là những năng lượng không thải ra khí CO2. Với giá dầu giảm, tại sao lại phải tài trợ cho sự phát triển của xe điện chẳng hạn? Đặc biệt, các quốc gia có nguy cơ phục hồi yếu sau thời gian thực hiện các biện pháp cách ly xã hội và có thể phải đánh cược vào một sự phục hồi các ngành công nghiệp phát thải nhiều khí CO2, như ngành chế tạo ô tô hoặc ngành hàng không.

Liệu có nên tạm thời đóng cửa một giếng dầu?
Về mặt kỹ thuật là có thể, nhưng thường rất phức tạp và tốn kém khi khởi động lại, tùy thuộc vào đặc tính địa chất của loại đá mà dầu được khai thác. Điều này giải thích tại sao nhiều nhà sản xuất lựa chọn việc tiếp tục sản xuất dầu và chấp nhận bán giá rẻ hơn là làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Vả lại, việc thăm dò và khoan một giếng dầu rất tốn kém, nhưng việc khai thác dầu hàng ngày thường không quá tốn kém.

Bất chấp thỏa thuận giữa Nga và Saudi Arabia tiến tới cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 20 triệu thùng/ngày, tức giảm hơn 20%, giá dầu vẫn giảm mạnh?
Thỏa thuận đạt được vào giữa tháng 4 là một cam kết của Nga, Saudi Arabia và nhiều quốc gia dầu mỏ khác (trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng – OPEC+) nhằm cắt giảm 10% sản lượng toàn cầu bắt đầu từ tháng 5. Thỏa thuận đi kèm với cam kết của nhiều nước G20, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm tăng dự trữ dầu mỏ để hỗ trợ cho nhu cầu gia tăng.

Thỏa thuận này có ít tác động, thứ nhất là vì nó chưa có hiệu lực. Trên hết, nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt giảm này trong thời gian đầu không có tác động lớn, chừng nào nhu cầu trên toàn thế giới giảm mạnh. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng vào tháng 6, nếu giá dầu không được khôi phục, OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục giảm sản lượng.

Liệu chiến lược của OPEC nhằm chống lại dầu đá phiến của Mỹ có hiệu quả hay không?
Các nước OPEC (thực tế do Saudi Arabia dẫn đầu) và Nga khi bắt đầu cuộc chiến giá dầu từ đầu tháng 3 đã hy vọng có thể hạ gục các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Xét từ quan điểm này, có thể nói OPEC và Nga đã tạm thời thành công. Nhưng dường như họ, kể cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã hiểu sai về hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế và các biện pháp cách ly xã hội đối với nền kinh tế thế giới. Cho đến nay, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ là kẻ thua, nhưng ai là người chiến thắng?

Phải chăng một số ngân hàng lớn nhất của Pháp đã bị mắc kẹt trước sự phát triển “bong bóng” của ngành dầu khí đá phiến? 
Theo dữ liệu của một báo cáo được công bố ngày 13/5, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, 4 ngân hàng chủ chốt của Pháp đã cấp 24 tỷ USD (22,1 tỷ euro) cho ngành công nghiệp đá phiến Bắc Mỹ. Cho đến nay, Société Générale là ngân hàng hoạt động mạnh nhất trong lĩnh vực này, với khoảng 11 tỷ USD. Tiếp đến là các ngân hàng Crédit Agricole (6 tỷ USD), BNP (3,6 tỷ USD) và tập đoàn Banque Populaire Caisse d’Épargne (3,3 tỷ USD). Trong khi đó, một số cơ sở tài chính khác như Axa và Rothschild & Co cũng đã cam kết cấp 12 tỷ USD trong 3 năm qua để tài trợ cho các công ty hoạt động chủ yếu trong ngành công nghiệp dầu đá phiến.

Sự hiện diện tích cực của các ngân hàng lớn của Pháp trong lĩnh vực này kể từ năm 2016 có thể được giải thích bằng việc đổi mới hoạt động khoan dầu đá phiến ở Bắc Mỹ. Nắm vững công nghệ này đã giúp Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên hàng đầu thế giới. Nhưng ngay từ đầu, cuộc cách mạng này đã có một điểm yếu: Công nghệ dùng thủy lực làm dập vỡ để khai thác năng lượng ban đầu đã cho sản lượng lớn dầu khí, nhưng sau đó sản lượng khai thác lại nhanh chóng sụt giảm.

Để duy trì mức sản lượng tốt, các công ty dầu khí cần phải khoan liên tục và điều này đòi hỏi các khoản đầu tư khổng lồ. Dầu đá phiến chỉ có lãi với giá ở mức 50USD/thùng trở lên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng “vàng đen” do các biện pháp cách ly xã hội toàn cầu gây ra đã khiến mô hình này giảm mạnh trong ngắn và trung hạn.

Tuy nhiên, sự mong manh này đã không ngăn cản được các ngân hàng Pháp tài trợ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoan dầu hay đầu tư cho cơ sở hạ tầng dầu khí. Điển hình là trường hợp của ngân hàng Société Générale. Từ 2016-2019, ngân hàng này đã cấp vốn trực tiếp cho các dự án đường ống dẫn dầu và kho dự trữ dầu khí với tổng giá trị trên 3,9 tỷ USD. Theo giải thích của Société Générale, các kịch bản đều tính đến vai trò của khí đốt, bao gồm cả khí đá phiến Bắc Mỹ, nhằm tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp ở một số khu vực địa lý nhất định. Thực tế cho thấy sản xuất điện từ khí đốt ít gây ra hậu quả về môi trường hơn so với than. Thế nhưng, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký vào tháng 12/2015 lại phác thảo lộ trình, trong đó các hoạt động, khoan và khai thác dầu khí bị cấm.

Kể từ đó, nhiều ngân hàng Pháp đã áp dụng các quy tắc cấm đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như trường hợp của BNP. Năm 2017, ngân hàng này đã chính thức cam kết chấm dứt hợp tác với tất cả các công ty dầu khí và áp dụng thực hiện cam kết này từ giữa năm 2018 ở Mỹ. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ “Les Amis de la Terre” vẫn lưu ý rằng công ty con quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management vẫn hiện diện ở Mỹ và không có ý định rời khỏi nước này cho đến cuối năm 2020, hay tập đoàn ngân hàng BPCE của Pháp chắc chắn có rất ít hoạt động trong lĩnh vực này trên toàn cầu, nhưng lại thường xuyên tham gia các hoạt động tài trợ của các công ty phụ thuộc nhiều nhất vào ngành dầu đá phiến.

Trả lời cơ quan truyền thông Pháp, đại diện của BNP Paribas đã nhấn mạnh sự cần thiết phải so sánh các ngân hàng có quy mô khác nhau trên thị trường Mỹ. Khác với ngân hàng Société Générale, ở chừng mực nào đó BNP Paribas là một trong những nhà tài trợ lớn cho ngành dầu đá phiến ở Mỹ. Theo BNP Paribas, trong bối cảnh khủng hoảng giá dầu hiện nay, các công ty dầu đá phiến không đa dạng và không hoạt động tốt. Vì vậy, ưu tiên hiện nay tập trung vào vấn đề kinh tế và môi trường. Về phần mình, năm 2015, ngân hàng Crédit Agricole đã đưa ra lộ trình dần rút khỏi các công ty chuyên về đá phiến vào năm 2022, nhưng không hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu khí.

Năm 2011, Pháp cấm các hoạt động khoan dầu đá phiến trên toàn lãnh thổ quốc gia. Đến năm 2019, Pháp đã đưa vào luật sẽ không bảo hiểm cho hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực này.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here