Du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm để các doanh nghiệp lữ hành phát huy nội lực, tìm kiếm cơ hội phát triển.
Từ ngành mũi nhọn, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 2 con số trong năm 2019, du lịch trở thành ngành chịu ảnh hưởng toàn diện và nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả nặng nề hơn tất cả những khó khăn mà ngành du lịch đã từng phải trải qua trước đây.
Tại Hội nghị Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” diễn ra mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, hơn 30 ngày qua không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép.
Theo đó, đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa, nhất là kể từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Cụ thể, lượt tìm kiến liên quan đến du lịch tại Việt Nam trên kênh Google đã tăng từ giữa tháng 4, đặc biệt tăng vọt ở kỳ nghỉ lễ 30/4. Dấu hiệu này đang cho thấy, đã bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch nội địa.
Một cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy, hơn 53% người được hỏi cho biết sẵn sàng đi du lịch trong mùa Hè này.
Phó tổng giám đốc Hanoitourist Nguyễn Vân nhấn mạnh, hậu Covid-19, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thay vì nói đến khó khăn phải, cần tập trung vào hành động cụ thể để gắn kết, đoàn kết với nhau, cùng vực dậy ngành du lịch. Các doanh nghiệp hàng không có thể hợp tác với nhau để đưa ra các mức giá không bị chênh lệch quá nhiều, các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành cũng có cân nhắc các biện pháp tương tự.
Để kích cầu du lịch, các chuyên gia cho rằng, trước tiên phải tập trung vào thị trường du lịch nội địa. Theo Phó Chủ tịch điều hành, Công ty TNHH tập đoàn BIM Đoàn Thị Thanh Mai, xét về mặt tích cực, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam, cơ hội thay đổi cách nhìn nhận của người Việt Nam với thị trường du lịch nội địa.
Về giải pháp để phục hồi ngành du lịch, các chuyên gia nhấn mạnh, cần có vai trò dẫn dắt trong hệ sinh thái du lịch của Việt Nam, thông qua đó nhằm thiết lập các hành động cụ thể, tạo sự cam kết trong chuỗi cung ứng; gia tăng tính liên kết toàn ngành.
Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group Trần Thị Nguyện cho hay, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu, các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn.
Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng cho rằng, thay vì cứu ngành du lịch cũ, Việt Nam phải làm mới ngành du lịch bằng cách đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, không chỉ xoay quanh việc hạ giá mà phải định hướng thị trường. Cụ thể, các hãng hàng không cần mở ra các điểm đến mới, visa không chỉ miễn cho hơn 20 nước mà cần phải mở rộng hơn nữa.
Còn Đại diện Tập đoàn SunGroup bày tỏ mong muốn, các hiệp hội du lịch, dịch vụ lữ hành cùng đưa ra chính sách tốt trong một thời hạn để kích cầu điểm đến. Tập đoàn này cho rằng, phải tìm được những ý tưởng mới hoàn toàn để du khách nội địa quay trở lại chứ không chỉ đưa ra mức giá ưu đãi.
Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cũng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, đây là động thái kịp thời nhằm khôi phục thị trường nội địa trong trạng thái “bình thường mới”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay, chương trình này sẽ khơi dậy tinh thần Việt Nam, phát huy văn hóa Việt với tinh thần yêu nước của người dân. “Hậu Covid-19, du lịch Việt Nam sẽ vươn lên một tầm vóc mới. Bởi, chúng ta đã tăng ‘sức đề kháng’ với những bài học kinh nghiệm về tư duy sáng tạo, đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra sản phẩm kích cầu… từ sự phối kết hợp nhịp nhàng của cả cơ quan quản lý nhà nước, điểm đến và doanh nghiệp”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Đối với việc mở lại thị trường du lịch quốc tế, giới chuyên gia khẳng định, cần truyền thông mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam an toàn trên thế giới. Hậu Covid-19, Việt Nam chỉ đón những thị trường khách an toàn, tránh lây lan dịch bệnh và cần duy trì sự an toàn ở trong nước để làm cơ sở cho phục hồi hoạt động du lịch.
Như vậy, cần lựa chọn trước một số thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tìm kiếm các thỏa thuận song phương trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí về an toàn, phân định rõ ràng trách nhiệm của quốc gia xuất phát, quốc gia điểm đến.
Linh An