Đàm phán RCEP: Lý do không nên để Ấn Độ ra đi

0
85
Thương mại tự do là một vấn đề nhạy cảm trong RCEP. (Nguồn: Asean.org)
(Nguồn: Asean.org)

Trong bài viết mang tựa đề “Đàm phán RCEP không nên để Ấn Độ ra đi” đăng trên tờ Bangkok Post ngày 19/5, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn nhận định các nhà đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang lâm vào tình thế khó xử trong việc thuyết phục Ấn Độ tham gia thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã thiệt hại lớn cho các quốc gia trên thế giới trong ba tháng qua. Ấn Độ, quốc gia với 1,4 tỷ dân, là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thủ tướng Narendra Modi đã ra thông báo về lệnh phong tỏa bắt buộc vào ngày 24/3, một biện pháp vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay và đã gây ra khó khăn quy mô lớn. Biện pháp này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế chung của Ấn Độ với những tác động đến vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này.

Vào thời điểm này, các nhà đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN lãnh đạo đang lâm vào một tình thế khó xử. Khối ASEAN gồm 10 thành viên cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đang làm mọi việc có thể để đảm bảo RCEP sẽ được ký bởi tất cả 16 thành viên.

Gần đây, trong nỗ lực để thuyết phục Ấn Độ, Việt Nam – đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN – đã gửi một gói đề xuất nhằm xử lý và giải quyết các vấn đề còn tồn tại của New Delhi với RCEP, đặc biệt là liên quan đến thuế quan cơ sở đối với những đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) dành cho đầu tư và di chuyển của người dân. Gói đề xuất này cũng bao gồm một vài điểm kỹ thuật khác có thể không có lợi cho thị trường nội địa khổng lồ của Ấn Độ.

Tuy nhiên, với việc đại dịch COVID-19 đang hoành hành cũng như hậu quả dự kiến kéo dài trong những tháng tiếp theo, Ấn Độ sẽ phải dồn sự tập trung vào các vấn đề trong nước, đặc biệt là khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Các kế hoạch khu vực và hoạt động toàn cầu mà ông Modi đã “nuôi dưỡng” trong 5 năm qua có thể không còn là ưu tiên của Ấn Độ. Chính sách Hành động Hướng Đông được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì New Delhi có thể sẽ không tham gia hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Việc ký kết RCEP theo lịch trình sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Hà Nội.

Trong những năm qua, RCEP-15 đã nỗ lực làm việc để đưa Ấn Độ trở thành thành viên sáng lập nhưng họ đã không thành công. Thái Lan, với tư cách là Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm, gần như đã thành công trong việc thuyết phục Ấn Độ chấp nhận khuôn khổ RCEP sau khi ông Modi giành được nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 5/2019 với số phiếu áp đảo. Nhưng sự phản đối nội bộ mạnh mẽ về RCEP đã khiến ông Modi do dự.

Vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2020, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhận được một cuộc gọi từ ông Modi để thảo luận về việc hợp tác trong chiến đấu với đại dịch COVID-19. Một lần nữa, ông Prayut đã nhân cơ hội hối thúc ông Modi xem xét lại lập trường của Ấn Độ về RCEP.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP công bố vào tháng 11/2019 tại Bangkok, mà Ấn Độ yêu cầu đưa vào lập trường của họ về RCEP, nói rằng tất cả các đối tác RCEP sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề còn tồn tại một cách thỏa đáng. Tuyên bố nói: “Quyết định cuối cùng của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề này”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, khó có khả năng Ấn Độ sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP đang diễn ra. Trên thực tế, như một số thành viên ASEAN gợi ý trước đây, đàm phán RCEP có thể diễn ra mà không có Ấn Độ. Trước khi đại dịch bùng phát, Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn đàm phán hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ, đặc biệt là liên quan đến khu vực dịch vụ mà họ cho là không công bằng, trước khi xem xét các vấn đề liên quan đến RCEP.

Ngoài ra, cả hai bên hiện đang làm việc trong chu kỳ tiếp theo của Kế hoạch Hành động (2021-2025) vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung. May mắn thay, những ngày này, tất cả các cuộc họp của ASEAN với các đối tác đối thoại của khối đều được tổ chức trực tuyến. Trong trường hợp của Ấn Độ, không cần thiết phải trải qua một cuộc đàm phán marathon như trước đây.

Do tình huống đó, RCEP-15 sẽ có nhiều thời gian để thực hiện một số rà soát pháp lý về thỏa thuận, trong đó tất cả 20 chương đã được hoàn thành vào tháng 11/2019. Với gánh nặng trong nước và hậu quả của đại dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ sẽ không thể nhượng bộ đối với bất kỳ sáng kiến thương mại tự do nào. Gần đây, Ấn Độ đã thắt chặt luật đầu tư để ngăn chặn người nước ngoài tiếp quản các công ty kinh doanh và doanh nghiệp địa phương.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy RCEP-15 gắn bó hơn để đảm bảo rằng việc tiếp cận thị trường và đầu tư được mở khi các nước hướng tới sự phục hồi nhanh chóng. Tháng trước, khi các nhà lãnh đạo ASEAN+3 (cơ chế hợp tác giữa ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, các nước đã cam kết thúc đẩy các biện pháp tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, thương mại tự do và cởi mở cũng như sự kết nối giữa người dân, kể cả các cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, các cam mạnh mẽ mang tính tập thể này đã tạo một động lực mới để RCEP-15 để tiến lên.

Về phía Nhật Bản, ngay từ đầu, Tokyo rất muốn đưa Ấn Độ vào RCEP bằng mọi nỗ lực. Trong vài tháng qua, Tokyo đã cử các chuyên gia thương mại đến các nước trong khu vực để tìm kiếm sự ủng hộ cho việc gia nhập RCEP của Ấn Độ. Thủ tướng Shinzo Abe đã tham khảo ý kiến chặt chẽ với ông Modi về một gói kinh tế toàn diện để bù đắp cho các ngành kinh tế không cạnh tranh của Ấn Độ, nếu nước này quyết định tham gia RCEP.

Các thành viên RCEP khác lo lắng rằng Nhật Bản có thể không thúc đẩy thỏa thuận này nữa vì nước này phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19, cũng như việc hoãn Thế vận hội Tokyo đến tháng Bảy năm sau. Tháng 6/2019, có lo ngại rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ RCEP nếu Ấn Độ rút khỏi tiến trình này, nhưng Tokyo đã nhanh chóng phủ nhận một động thái như vậy. Giờ đây, Nhật Bản nhận ra rằng sự phục hồi kinh tế của nước này cũng sẽ phụ thuộc vào đầu tư và thương mại tự do khu vực và Tokyo hiện sẵn sàng ký kết RCEP. Trong đại dịch, các chuỗi cung ứng toàn cầu lẫn khu vực của hàng hóa Nhật Bản đã bị gián đoạn nghiêm trọng, RCEP sẽ là một công cụ quan trọng cho sự hồi sinh của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Ngọc Quang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here