Báo nước ngoài: Việt Nam sẽ tránh được suy thoái kinh tế?

0
123
(Market Watch)
98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.

Khó ‘miễn dịch’ với sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu

Trang CNBC của Mỹ ngày 5/5 dẫn ý kiến nhà kinh tế cho rằng, Việt Nam có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế trong năm nay nhờ các biện pháp phòng dịch sớm.

Sian Fenner, chuyên gia về kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nói: “Việt Nam không thể ‘miễn dịch’ với sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu… Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào suy thoái hoặc bị thu hẹp”.

Đó là do việc hạn chế nhập cảnh và thực hiện giãn cách xã hội đã giúp Việt Nam tránh được sự lây lan trên diện rộng của COVID-19.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Theo ông Fenner, yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam.

Nhận định của ông Fenner được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội cho phép các doanh nghiệp trở lại hoạt động từ cuối tháng 4 và hàng triệu học sinh trở lại trường học sau 3 tháng. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng hạn chế đi lại.

Thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống COVID-19 được cho là nhờ các biện pháp phòng dịch kiên quyết và kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS năm 2003. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đầu tiên được đưa khỏi danh sách các quốc gia có ca lây nhiễm trong nước.

Tiến sĩ Lê Thu Hương thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm soát đi lại chặt chẽ và theo dõi sát sao các trường hợp nghi nhiễm bệnh từ rất sớm, trong khi “các quốc gia Đông Nam Á khác còn đang chần chừ”.

Mặc dù có những nghi ngờ về độ tin cậy của các số liệu do Việt Nam cung cấp, song đáng lưu ý là Hà Nội khó có thể chấm dứt lệnh giãn cách nếu không tự tin rằng dịch bệnh đã được kiểm soát.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital Economics, nói: “Đây rõ ràng là tin tốt cho nền kinh tế Việt Nam”. Tuy nhiên, Leather cho rằng việc dỡ bỏ hạn chế sẽ không thể giúp nền kinh tế tránh được sụt giảm mạnh trong năm nay vì mọi thứ khó có thể lập tức phục hồi như trước khủng hoảng.

Ông cho rằng lý do chính khiến tăng trưởng của Việt Nam vẫn yếu là triển vọng toàn cầu đang xấu đi: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với xuất khẩu chiếm hơn 70% GDP và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các nước khác”.

Xuất khẩu trong tháng 3 giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2019 và điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Theo ông Leather, du lịch – lĩnh vực đóng góp 4% GDP – sẽ vẫn ổn định. Ông dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 0,5% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 7,0% trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 2,7%.

Cẩn trọng trước thử thách

Trang The Guardian của Anh ngày 6/5 đăng bài nhận định những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và xét nghiệm trên diện rộng đã giúp Việt Nam tránh được thảm họa mang tên COVID-19, song sự đình trệ của ngành du lịch đang khiến tương lai nền kinh tế trở nên bất ổn.

Theo bài viết, Việt Nam không chỉ san phẳng “đường cong” dịch COVID-19 mà thực sự đã “nghiền nát” nó. Hôm 23/4, Việt Nam đã nới lỏng giãn cách xã hội và nhịp sống đang dần trở lại bình thường. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, nơi số người chết vì COVID-19 đã vượt số lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Việt Nam.

Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã ca ngợi cách Việt Nam ứng phó với đại dịch.

Để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát tại Việt Nam, chính phủ vẫn duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cấm tụ họp trên 30 người, hoãn các lễ hội, nghi lễ tôn giáo và các sự kiện thể thao.

Ông Kidong Park nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về virus ở cấp độ cộng đồng, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại các cơ sở y tế, văn phòng, trường học và những nơi có mật độ người qua lại cao. Ông cũng cảnh báo về hậu quả kinh tế do COVID-19 và điều này có lẽ phần nào dẫn đến việc chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 23/4 vừa qua.

Nhiều dịch vụ không thiết yếu, như quán bar và quán karaoke, vẫn đóng cửa. Quy định ràng buộc đối với các cửa hiệu, khách sạn và nhà hàng cũng đã được dỡ bỏ, song ở một quốc gia nơi du lịch chiếm 6% GDP, tương lai sẽ ngày càng bất ổn – đặc biệt khi chưa rõ lúc nào biên giới mở cửa trở lại.

Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố tháng 4 vừa qua cho biết ít nhất 10 triệu người Việt Nam có thể mất việc hoặc bị giảm thu nhập trong quý II/ 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Việt Nam tăng trưởng khoảng 2,7% trong năm 2020, giảm mạnh từ mức 7% của năm 2019.

Đầu tháng 4/2020, chính phủ công bố gói hỗ trợ 2,5 tỷ USD cho người nghèo, trong đó những người “dễ bị tổn thương nhất” nhận được 76 USD/tuần. Các máy ATM gạo và các “cửa hàng 0 đồng” được thiết lập tại các thành phố lớn để hỗ trợ những đối tượng khó khăn nhất.

Nhà kinh tế Nguyễn Vân Trang ở Hà Nội cho rằng con đường phía trước có vẻ không mấy khả quan: “Những quyết định cực kỳ khó khăn đang ở phía trước. Đó là quyết định đất nước sẽ mở cửa trở lại vào thời điểm nào và như thế nào…”. Bà cho biết bất chấp rủi ro bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục ngành sản xuất, dịch vụ và bán lẻ: “Khả năng phục hồi trong nước là rất lớn. Đa số người dân Việt Nam từng trải qua những khó khăn trong chiến tranh, do đó, họ có khả năng hồi phục rất nhanh”.

Đối với những đối tượng “dễ bị tổn thương” nhất trong xã hội, tình hình không mấy sáng sủa. Khi cả xã hội chuyển hướng tập trung vào xử lý đại dịch, các tổ chức phi chính phủ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trẻ em đường phố ở Việt Nam và giải cứu nạn nhân buôn người từ Trung Quốc) nhận thấy tỷ lệ quyên góp giảm mạnh. Skye Maconachie, giám đốc điều hành chung của tổ chức này, cho biết cuộc khủng hoảng do COVID-19 khiến tình trạng vô gia cư và nạn đói gia tăng.

Dù tương lai ra sao, Việt Nam có lẽ đã thực sự chế ngự được COVID-19. Thế giới sẽ dõi theo quá trình Việt Nam phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, ông Kidong Park cảnh báo: “Cuộc chiến chống COVID-19 chưa kết thúc và nguy cơ dịch bệnh quay trở lại vẫn chực chờ trong bối cảnh thế giới tiếp tục ghi nhận báo cáo về sự bùng phát dịch. Do đó, Việt Nam không nên mất cảnh giác”

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here