Tại các quốc gia Nam Á, đại dịch COVID-19 lan rộng có thể ảnh hưởng đến hơn 1,9 tỷ người (chiếm gần 1/4 dân số thế giới). Do có những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở những nước này gặp nhiều khó khăn. Thiệt hại kinh tế sẽ làm tăng mức độ nghèo đói và bất bình đẳng, cũng như có khả năng làm trầm trọng thêm thay vì giảm thiểu một số xung đột hiện có. Trong nước, người ta lo ngại rằng xu hướng độc đoán sẽ gia tăng trong quá trình xử lý khủng hoảng. Trong bối cảnh khu vực, Trung Quốc có thể mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của họ, gây tổn hại cho Ấn Độ.
Hậu quả kinh tế
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống mức dưới 5% vào cuối năm 2019. Không chỉ Ấn Độ và Pakistan (hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực) mà cả Bangladesh và Sri Lanka cũng đã ở trong thời kỳ suy thoái kinh tế trước khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 khiến cho khủng hoảng càng trở nên trầm trọng hơn. Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh đáng kể mức dự báo tăng trưởng của họ đối với các quốc gia trong khu vực Nam Á. Việc các ngành công nghiệp chính như ngành dệt may ở Bangladesh hay ngành du lịch ở Sri Lanka và Maldives đột ngột ngừng hoạt động sẽ đẩy nhanh tốc độc suy thoái kinh tế. WB dự đoán năm 2020 có thể là thời điểm kinh doanh tồi tệ nhất đối với Nam Á trong hơn 40 năm qua.
Đại dịch COVID-19 đang tấn công các nhóm dân số nghèo. Ở Ấn Độ, vào năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, khoảng 90% lao động trong nước (tương đương 450 triệu người) làm việc trong khu vực phi chính thức không được tham gia mạng lưới an sinh xã hội. Sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào ngày 25/3, nhiều lao động đã quay về quê của họ. Cũng có những cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát xảy ra. Khi các quốc gia đóng cửa biên giới, nhiều lao động nhập cư đã bị mắc kẹt và việc thiếu nguồn cung cấp đã trở thành một vấn đề lớn hơn đối với họ.
Cuộc khủng hoảng có thể tác động đáng kể đến nông nghiệp vì đây vẫn là lĩnh vực chủ yếu cung cấp việc làm cho lao động ở nhiều thành phố, và thường phụ thuộc vào lao động thời vụ hoặc lao động nhập cư. Nếu những biện pháp hạn chế ban đầu vẫn tiếp tục được mở rộng, thì người lao động nhập cư sẽ không chỉ mất đi thu nhập mà trong nhiều trường hợp, họ còn có thể chịu ảnh hưởng của tình trạng mất mùa và nạn đói ở địa phương. Việc nền kinh tế dừng lại đột ngột sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan như thất nghiệp gia tăng, nghèo đói và thiếu hụt nguồn cung. Tất cả các chính phủ sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải tương tự: Họ phải quyết định liệu nhiều người sẽ chết vì dịch COVID-19 hay vì các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh.
Tất cả các quốc gia đã ứng phó với tình huống khẩn cấp bằng các gói viện trợ quốc gia. Chính phủ Ấn Độ ban đầu đã cung cấp 22 tỷ USD để giảm bớt thiệt hại về kinh tế và người trong thời gian ngắn, trong khi các quốc gia khác cũng khởi xướng các chương trình viện trợ của chính phủ. Một trong số ít những dấu hiệu mang lại hy vọng ở Ấn Độ là nhiều gia đình nghèo hiện cũng đã có tài khoản ngân hàng để chính phủ có thể chuyển trực tiếp phúc lợi xã hội của nhà nước. Năm 2018, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra một chương trình bảo hiểm y tế mới cho các nhóm dân số nghèo. Mặc dù khoảng 2/3 các gia đình Ấn Độ được hưởng viện trợ lương thực từ Hệ thống phân phối công cộng, nhưng khoảng vài triệu người không được hưởng chương trình bảo hiểm.
Tại Pakistan, chính phủ của Thủ tướng Imran Khan ban đầu đã cung cấp 8 tỷ USD để đối phó với đại dịch. Vì Pakistan hiện đang trong tình trạng lạm phát hai con số và IMF mãi đến tháng 11/2019 mới cấp gói cứu trợ để ổn định nền kinh tế nên nước này khó có thể nhận thêm viện trợ quốc tế.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trước thực tế các quốc gia đang mất dần các nguồn tài trợ quan trọng từ bên ngoài. Ấn Độ là quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất từ lao động nước ngoài. Chỉ riêng ở vùng Vịnh, ước tính có khoảng 6-7 triệu lao động từ Ấn Độ. Đối với Bangladesh, Nepal và Sri Lanka, lượng kiều hối từ lao động nước ngoài là nguồn hỗ trợ kinh tế quan trọng. Bởi tình hình kinh tế của các nước khác nhau, nên họ sẽ theo đuổi các chiến lược khác nhau để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Bangladesh, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka có khả năng sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Họ không chỉ lo lắng cho các ngành công nghiệp quan trọng nhất như dệt may và du lịch mà còn muốn tái xuất khẩu lao động ra nước ngoài trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong khi đó, ở Ấn Độ, cuộc khủng hoảng có thể củng cố xu hướng bảo hộ đang thịnh hành. Chính phủ ở New Delhi đã tăng thuế hải quan trong những năm gần đây. Tháng 11/2019, nước này không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này sẽ tạo thuận lợi cho họ thúc đẩy thương mại với Trung Quốc và các nước khác. Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ mở rộng sáng kiến “Made in India” mà ông đã đưa ra vào năm 2014 để củng cố ngành công nghiệp quốc gia.
Sau khủng hoảng dịch COVID-19
Các vấn đề chính trị, kinh tế và nhân đạo ở Nam Á sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế ngay cả sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngoại trừ Ấn Độ và Pakistan, khu vực này nhận được ít sự quan tâm của Đức và châu Âu. Điều này sẽ càng trở nên rõ ràng hơn sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Viện trợ của Đức và châu Âu có thể sẽ tập trung vào các điểm nóng chính sách đối ngoại trong khu vực lân cận. Các công cụ thương mại hiện có, như Hệ thống ưu đãi tổng quát, ít nhất cũng có thể giúp các nước Nam Á trở lại thị trường quốc tế dễ dàng hơn.
Cho dù phải đối mặt với những chỉ trích trong việc quản lý khủng hoảng, nhưng các chính phủ trong khu vực rất có thể sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn trước. Sự phối hợp trong việc đối phó với đại dịch sẽ giúp nhà nước phát huy ảnh hưởng đối với nền kinh tế: Điều này một mặt có thể làm giảm nhu cầu lớn nhất của người dân và ngăn chặn thảm họa nhân đạo sắp xảy ra, mặt khác có thể đưa cuộc sống kinh tế trở lại như trước.
Tăng trưởng kinh tế ở tất cả các quốc gia Nam Á sẽ vấp phải khó khăn. Xét từ quan điểm chính trị, điều đáng lo ngại là đại dịch sẽ tăng cường hơn nữa khuynh hướng độc đoán và tập trung hóa vốn đã hiện hữu. Những biện pháp hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí mới được đưa ra, cũng như khả năng tập trung hóa ở mức độ cao, có thể tồn tại lâu hơn đại dịch. Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Nam Á, Ấn Độ có khả năng mất thêm chỗ đứng trước Trung Quốc.
Trần Quyên