Xuất, nhập khẩu 3 tháng đầu năm tăng ấn tượng

0
103

Tính đến 15/3 năm nay, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 14,7%. Đây là tốc độ tăng khá cao xét về các mặt: Cao nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ cũng như tốc độ tăng của cả năm; Cao hơn so với tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm; Cao hơn tốc độ tăng chung và nhiều nước trên thế giới, trong điều kiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại.

Trong nhiều kỳ trước, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước thường tăng rất thấp, thậm chí còn bị giảm, thì kỳ này đã tăng khá cao (14,6%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài duy trì được tốc độ tăng cao (14,7%). Mặc dù khu vực kinh tế trong nước đã có cố gắng giữ được tỷ trọng như cùng kỳ, nhưng vẫn rất thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam chuyển vị thế từ xuất siêu trong cùng kỳ năm trước sang nhập siêu trong kỳ này

Trong 45 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có 39 mặt hàng có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số mặt hàng tăng rất cao (trên 20%) như rau quả, cà phê, than đá, dầu thô, xăng dầu, cao su, sản phẩm từ cao su, giấy và các sản phẩm từ giấy, sắt thép các loại…

Mới qua 2 tháng rưỡi, đã có 22 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, đóng góp lớn và tổng quy mô kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đó là: điện thoại các loại và linh kiện: 5,99 tỷ USD; dệt may: 4,53 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 4,37 tỷ USD, giày dép các loại: 2,52 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: 2,28 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ: 1,39 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng: 1,38 tỷ USD: thủy sản 1,18 tỷ USD. Chỉ với 8 mặt hàng này đạt 23,64 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đến giữa tháng Ba năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 4.510 triệu USD, trong đó mức tăng của 11 mặt hàng đóng góp lớn (trên 100 triệu USD) vào tổng mức tăng chung là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; giày dép; cao su; sắt thép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; dầu thô.

Theo địa bàn, số liệu cho thấy, 56/62 tỉnh, thành phố tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao (trên 100 triệu USD) có TP.HCM 625 triệu USD, Thái Nguyên 510 triệu USD, Hà Nội 242 triệu USD, Đồng Nai 216 triệu USD, Bắc Giang 194 triệu USD, Bà Rịa – Vũng 128 triệu USD.

Theo thị trường, số liệu 2 tháng cho thấy, có 52 nơi tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những thị trường có mức tăng khá (trên 100 triệu USD) là Trung Quốc: 1342 triệu USD, Hàn Quốc: 463 triệu USD, Nhật Bản: 322 triệu USD, Hoa Kỳ: 311 triệu USD… Đã có 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Bên cạnh những kết quả tích cực và tín hiệu khả quan, cũng có những vấn đề cần cảnh báo. Một số mặt hàng xuất khẩu giảm về lượng, giảm về kim ngạch. Đáng lưu ý, xuất khẩu dầu thô giá tăng, nhưng lượng lại giảm; xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tăng thấp hoặc bị giảm; điện thoại xuất khẩu giảm, nhưng nhập khẩu tăng; sắt thép các loại xuất khẩu 786.000 tấn với 493,5 triệu USD, trong khi nhập khẩu 3.517.000 tấn với 1.946 triệu USD…

Nhìn trên các số liệu đã công bố, có thể thấy, trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam chuyển vị thế từ xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (1.048 triệu USD) sang nhập siêu trong kỳ này (1.808 triệu USD). Khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu./.

Minh Nhung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here