Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nhận định không thể bỏ ngỏ khả năng xảy ra Đại Khủng hoảng lần thứ hai trong trường hợp đại dịch tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhận định này được đưa ra khi các chính phủ phải đối mặt với sự “đánh đổi” khó khăn giữa yêu cầu đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và phí tổn kinh tế bắt nguồn từ các lệnh phong toả ở nhiều cấp độ khác nhau. Tình hình này buộc nhiều nhà kinh tế phải lên tiếng cảnh báo về những cú sốc kinh tế bắt nguồn từ đại dịch này có thể đẩy nền kinh tế của một số quốc gia, thậm chí kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới với quy mô tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thậm chí cuộc Đại Khủng hoảng.
Cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường Phố Wall năm 1929 với các thị trường tín dụng bị tê liệt, dẫn đến tình trạng phá sản diễn ra trên diện rộng. Vào thời điểm đó, GDP Hoa Kỳ mất 10% và tỷ lệ thất nghiệp đỉnh ở mức 25%. Nếu so những chỉ số kinh tế hiện nay với những chỉ số năm 1929, người ta đã manh nha nhận thấy một vài dấu hiệu cho thấy đại dịch nguy cơ đẩy kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái, thậm chí khủng hoảng với số lượng tuyên bố thất nghiệp lên đến 6,65 triệu, từ mức 3,3 triệu từ tuần trước đó. Cùng lúc đó, GDP của Hoa Kỳ được các tổ chức tài chính uy tín như Goldman Sachs, JP Morgan, Morgan Stanley dự báo giảm 6% trong quý I và có thể tiếp tục giảm mất 24-30% trong quý II. Như vậy, trong kịch bản xấu nhất, Hoa Kỳ có thể tiếp tục là cội nguồn của cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Về khía cạnh tài chính, PBOC cho rằng các biện pháp tình thế của các ngân hàng trung ương chỉ có tác dụng tạm thời, nhưng không giải quyết được vấn đề cốt lõi, đặc biệt khi giá trị của thị trường chứng khoán ở các nước phát triển đang đứng trước sức ép lớn do đã liên tục bị đẩy giá lên cao qua nhiều năm. Song song với đó, tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại nhiều khả năng sẽ đến hiệu ứng “bán tống”, làm giảm khả năng thanh khoản và giá trị của một số loại tài sản. Tỷ lệ nợ khá cao trong khu vực doanh nghiệp hiện nay cũng làm tăng tình trạng mất khả năng trả nợ với các tài sản nợ xấu của ngân hàng và các trái phiếu của công ty. Nhìn cách tổng thể hơn, các chính sách tài khóa hay tiền tệ của các quốc gia sẽ trở nên vô tác dụng khi các quốc gia không đủ khả năng kiềm chế, thậm chí chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)