Dịch Covid-19: VITAS, Vinatex chung tay “gỡ khó” cho doanh nghiệp dệt may

0
141
Doanh nghiệp ngành dệt may khó duy trì được sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang khẳng định, dịch Covid-19 đang tác động đến toàn ngành dệt may trong giai đoạn 2, tính từ ngày 11/3 đến nay. 

Doanh nghiệp ngành dệt may khó duy trì được sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Theo VITAS, hai thị trường lớn, chiếm lần lượt 50% và 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam là Mỹ, châu Âu đang rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, khiến nhu cầu mua sắm đột ngột giảm mạnh. Mặc dù Chính phủ Mỹ và châu Âu đều khẳng định chưa có chính sách dừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, tuy nhiên do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh buộc một số doanh nghiệp nhập khẩu từ 2 thị trường này phải tạm hoãn, hủy đơn hàng.

Ngay từ trung tuần tháng 3, có nhiều đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng công nhân ngành dệt may thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5. Các thương hiệu nước ngoài càng cao tỷ lệ cắt giảm hàng càng lớn và chưa rõ về thời gian phục hồi các đơn đặt hàng này.

VITAS ước tính, có khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành đã giảm việc làm cho công nhân trong tháng 3, trong tháng 4 và tháng 5, có tới 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng với quy mô, mức độ khác nhau và tùy đặc thù từng ngành hàng. Cụ thể, doanh nghiệp làm hàng sợi, dệt có mức độ ảnh hưởng thấp hơn (ở mức khoảng 90%) so với doanh nghiệp may mặc; bởi một số doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất được vải, nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành sản xuất khẩu trang và bộ đồ bảo hộ phòng dịch.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường thì cho biết, nếu trong tháng 4 và tháng 5, lao động ngành dệt may thiếu việc làm từ 30%- 50% thì thiệt hại của ngành ước tính lên tới trên 5.000 tỷ đồng, riêng Vinatex ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, mỗi tháng, ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.

“Đối với doanh nghiệp ngành dệt may, từng tuần từng ngày đều rất nóng với các vấn đề về lao động và tiền lương. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải thu các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay công đoàn phí, đây là khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dòng tiền hạn chế”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Do đó, nếu Chính phủ không có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, có thể dẫn tới phá sản hàng loạt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vinatex đề nghị doanh nghiệp thành viên triển khai ngay các giải pháp ứng phó. Doanh nghiệp tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, làm việc luân phiên để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời, giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp; xin miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…

Còn VITAS đã có 5 kiến nghị với Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nhà nước miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cho người sử dụng lao động và cả người lao động.

Thứ hai, Nhà nước cho doanh nghiệp hoãn nộp các thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2019 và hoãn nộp thuế VAT các loại đến hết năm 2020.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ, doanh nhiệp lo 50% còn lại để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động. Nếu trước mắt chưa có chính sách cụ thể về miễn giảm bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì Chính phủ có thể dừng ngay thu phí này từ tháng 3, để giúp doanh nghiệp có nguồn tiền chi trả cho lao động thiếu việc làm.

Thứ tư, kiến nghị Chính phủ có thể chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại ân hạn, chưa bắt các doanh nghiệp phải trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn phải trả trong năm 2020, kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng.

Thứ năm, kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải, bù đắp đơn hàng may thiếu hụt trong khi năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có dư thừa cho xuất khẩu.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here