Xuất khẩu nông sản: Duy trì thương mại nông sản và chờ đà phục hồi vào quý III/2020

0
410
Thời gian này là cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nắm bắt thời cơ để thúc đẩy xuất khẩu. (Nguồn: Dân trí)

Trong tháng 3/2020, xuất khẩu nông sản nhận được tín hiệu lạc quan từ Trung Quốc, song vẫn còn nhiều thách thức bởi dịch Covid-19, các biến động kinh tế thế giới hay biến đổi khí hậu.

Thời gian này là cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nắm bắt thời cơ để thúc đẩy xuất khẩu. (Nguồn: Dân trí)

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5,34 tỷ USD (giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, rau quả đạt 831 triệu USD, giảm 11,5%; cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4% (lượng giảm 3,9%); cao su đạt 331 triệu USD, giảm 26,1% (lượng giảm 33%); hạt tiêu đạt 156 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 0,9%). Chỉ có gạo và hạt điều tăng cả lượng và giá trị, gạo đạt 653 triệu USD, tăng 7,9%; hạt điều đạt 644 triệu USD, tăng 0,8%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại, Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, vì vậy, xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng thực phẩm sẽ phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Trung Quốc hiện đang có chính sách giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm trong tổng số trên 800 mặt hàng để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước. “Thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực nhằm tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ này cũng cho rằng, tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng của nông sản Việt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, tình hình không mấy khả quan. Theo dự đoán, với tình hình dịch Covid-19 căng thẳng như hiện tại, Mỹ và châu Âu có thể phải mất khoảng 3 tháng để khống chế dịch bệnh. Như vậy, đến tháng 6, tháng 7/2020, thị trường nông sản mới có thể phục hồi lại bình thường. Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong nửa cuối tháng 3 đến tháng 5/2020 và hoạt động nhập khẩu nông sản sẽ quay trở lại vào tháng 6, tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không nhiều.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy, năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không chỉ bởi tác động từ dịch Covid-19 mà còn ảnh hưởng từ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn hay tác động của biến đổi khí hậu với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Những điều này khiến việc sản xuất, xuất khẩu nông sản chủ lực gặp phải nhiều rủi ro.

Xét về mặt tích cực hơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thời gian này là cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nắm bắt thời cơ để thúc đẩy xuất khẩu. Ví dụ điển hình như, các sản phẩm rau quả tươi, các địa phương có thể chủ động điều chỉnh sản xuất, vụ mùa thu hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường để đón cơ hội sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chế biến, bảo quản để tiêu thụ trong nước và hướng tới các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu hay các quốc gia trong khu vực ASEAN. Việc chậm các đơn hàng thủy sản cũng sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất chế biến, đóng hộp, đông lạnh.

Để giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản đang bấp bênh, tình hình dịch Covid-19 khó lường và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, thời gian tới cần huy động mọi nguồn lực để khai thác lợi thế này. Như vậy, cần sự hỗ trợ của Chính phủ để giải quyết các khó khăn, duy trì thương mại nông sản trong quý II/2020 và chờ đà phục hồi vào quý III/2020.

Cụ thể, Bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Các nhà máy chế biến cần tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon… Đồng thời, chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.

Về chính sách thuế, tín dụng, cần sự hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng̣ cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ tại các quốc gia, địa phương triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tập trung phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương trong thời điểm trước mắt và trung hạn.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here