Kinh tế Nhật Bản trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật hoặc xấu hơn

0
138
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật và thậm chí tình hình có thể tồi tệ hơn nếu Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hủy bỏ. (Nguồn: AP)
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật và thậm chí tình hình có thể tồi tệ hơn nếu Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hủy bỏ. (Nguồn: AP)

Theo Kyodo News và tờ Thời báo Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây được coi là thách thức lớn nhất trong hơn một thập kỷ của “xứ hoa anh đào”.

Giới phân tích cảnh báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật và thậm chí tình hình có thể tồi tệ hơn nếu Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hủy bỏ.

Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, dịch COVID-19 cũng đang tác động tiêu cực tới uy tín của chương trình Abenomics – tập hợp các chính sách kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện kể từ khi nhậm chức hồi năm 2012. Theo Chính phủ Nhật Bản, Abenomics đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và từ đó, góp phần đẩy giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, khi mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) còn rất ít công cụ chính sách hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng, Thủ tướng Abe đã buộc phải dùng đến ngân sách Nhà nước để tài trợ cho gói kích thích kinh tế có quy mô tương đương với gói kính thích kinh tế mà Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09, cho dù điều này có thể sẽ khiến tình trạng thâm hụt ngân sách trở nên tồi tệ hơn.

Ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi, nhận định: “Nhật Bản có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09”. Vị chuyên gia này chính là một trong những người đã kêu gọi Chính phủ giảm thuế suất thuế tiêu dùng từ mức 10% hiện nay trở lại mức 8% đối với tất cả các mặt hàng, chứ không phải chỉ đối với các mặt hàng lương thực và nhu yếu phẩm khác.

Trước khi tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019, Thủ tướng Abe và các nghị sỹ khác trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã nhiều lần khẳng định Chính phủ sẽ không tăng thuế nếu nền kinh tế phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng tương tự như khủng hoảng tài chính.

Nhật Bản đã tăng trưởng âm 7,1% trong quý IV/2019 do việc tăng thuế làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Nền kinh tế này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý I/2020. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này sẽ chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục giảm trong hai quý liên tiếp.

Kết quả thăm dò 34 chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy trong quý I/2020, GDP của nước này có thể sẽ giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vì dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đồng thời phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

Ông Yoshimasa Maruyama, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities Inc., cho rằng chính sách hạn chế các sự kiện đông người của Chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh “đang gây thiệt hại lớn” cho nền kinh tế.

Không chỉ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản, sự lây lan của dịch Covid-19 cũng đang đe dọa Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24/7. Thủ tướng Abe vẫn hy vọng sự kiện thể thao này sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Nhật Bản và từ đó, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng sự kiện này có thể bị lùi lại một hoặc hai năm, hoặc thậm chí bị hủy. Trong bối cảnh đó, giới phân tích bắt đầu ước tính những thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản nếu kịch bản này xảy ra. Ông Nagahama nhận định: “Nếu Olympic bị hủy, thiệt hại sẽ không thể đo đếm được. Điều này có thể cũng khiến tâm lý của người dân trở nên xấu đi đáng kể”.

Giờ đây, mọi sự chú ý đang tập trung vào quy mô của gói kích thích kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09, Chính quyền của Thủ tướng khi đó của ông Taro Aso, người hiện đang giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, đã tung ra gói chính sách khẩn cấp có tổng trị giá lên tới 57.000 tỷ yen (513 tỷ USD) vào tháng 4/2009 nhằm bảo vệ nền kinh tế trước các tác động tiêu cực. Một số chuyên gia phân tích dự báo gói kích thích kinh tế sắp tới mà Thủ tướng Abe dự kiến sẽ tung ra vào đầu tháng Tư có thể sẽ có quy mô tương đương với gói chính sách khẩn cấp đó.

Để kích thích chi tiêu của các hộ gia đình, các biện pháp khẩn cấp có thể bao gồm trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt, gia hạn chương trình chiết khấu cho hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt, hay giảm thuế suất thuế tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề là ngân sách đang khó khăn.

Trước đó, Thủ tướng Abe đã công bố các gói chính sách có tổng trị giá hơn 1.000 tỷ yen cho việc phòng chống dịch COVID-19 cùng với gói kích thích kinh tế đã tung ra hồi tháng 12/2019 nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc tăng thuế tiêu dùng đối với nền kinh tế. Gói kích thích kinh tế có thể sẽ được tài trợ bởi ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 và Chính phủ Nhật Bản sẽ phải phát hành các công cụ nợ mới để tài trợ cho gói ngân sách bổ sung này. Điều đó sẽ làm gia tăng áp lực lên cán cân ngân sách khi mà tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản vẫn đang cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển chủ chốt.

Tuy nhiên, chuyên gia Maruyama cho rằng “giờ là thời điểm để tạm thời gạt sang bên vấn đề kỷ luật tài chính, và ưu tiên việc đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng”.

Đào Tùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here