Covid-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thay đổi

0
74
(Bloomberg)
(Bloomberg)

Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, khủng hoảng khí hậu toàn cầu làm dấy lên quan ngại về sự bấp bênh của đời sống xã hội toàn cầu hóa và các tranh luận về phân tách toàn cầu. Nhưng chỉ đến khi lệnh phong tỏa được nhiều nước trên toàn thế giới ban hành để đối phó với dịch bệnh, hiện thực về một thế giới bị phân tách mới được tạo hình.

Khi các hãng hàng không cắt giảm mạnh các dịch vụ, các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ đóng cửa, đời sống các cá nhân buộc phải thắt chặt chi tiêu, thu hẹp trong cách ly; khi các nhà máy sản xuất linh kiện đóng cửa, chuỗi cung vận tải ngưng trệ do các lệnh cấm đường, cấm đi lại, nhu cầu về các hàng tiêu dùng đột ngột bị cắt giảm và hàng triệu việc làm trên thế giới dọc theo chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, chưa thể kết luận thế giới bị phân tách. Thế giới không thể chối bỏ những lợi ích to lớn mà toàn cầu hóa đem lại trong hơn 4 thập kỷ qua, nhất là đối với Mỹ, nước vốn đã thiết lập và quản lý một mạng lưới các chuỗi cung toàn cầu giúp bảo đảm các hàng tiêu dùng có giá rẻ hơn nhiều nếu phải sản xuất ở Mỹ.

Toàn cầu hóa giúp đưa các nước vốn trước đây bị “gạt ra ngoài lề” như Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung toàn cầu, xóa đói giảm nghèo và tạo lập những thị trường tiêu dùng ngày càng quan trọng. Cấu trúc kinh tế thế giới hai cực với một bên là Mỹ, Châu Âu tiêu thụ và phần còn lại cung cấp đầu vào đảm bảo cho tiêu dùng được giữ ở giá thấp nhất có thể đã không còn là cấu trúc thành công.

Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ tiếp bước Mỹ, Châu Âu trở thành thị trường tiêu dùng chủ chốt của thế giới mà còn đóng vai trò không thể thay thế trong việc cung ứng hàng hóa đầu vào trung gian cho các nhà chế tạo trên toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết 20% tất cả hàng hóa đầu vào trung gian trên thế giới là do Trung Quốc cung cấp và Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước lệ thuộc nhiều nhất; nhận định ngành chế tạo của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhất là liên quan đến máy công cụ chính xác, như: ô tô và thiết bị viễn thông. Do đó, có thể nói kinh tế toàn cầu đúng hơn là đang được “cấu hình lại” thay vì bị “phân tách”. Thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ do năng lực tiêu dùng được tăng cường và mức lương cao hơn, do đó tỷ phần ngày càng tăng của chuỗi cung đang được “nội địa hóa” và trong tương lai sẽ phục vụ chính cho thị trường nội địa Trung Quốc. Chuỗi cung ngày càng được đơn giản hóa và làm ngắn lại để giúp hạn chế bị làm tổn thương và có thể sẽ mang tính khu vực nhiều hơn mặc dù chưa thể xác định rõ quy mô chuỗi cung khu vực do Trung Quốc dẫn dắt, chi phối sẽ có phạm vi rộng như thế nào?

Sự “cấu hình lại” này có những tác động rất lớn đối với lĩnh vực hàng không, cảng, vận tải biển vốn cung cấp các dịch vụ vận tải xương sống giúp kết nối chuỗi cung toàn cầu lại với nhau. Cách một hãng hàng không như Cathay Pacific thiết kế lại và tạo lập một mạng lưới mới trong 12 điểm đến mà hãng này cung cấp dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh là một ví dụ minh chứng.

Chuỗi cung toàn cầu sẽ không biến mất, mà chỉ là việc các tập đoàn đa quốc gia sẽ đa dạng hóa các nguồn cung ứng dọc theo chuỗi cung để tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chọi dẻo dai của mình. Các cộng đồng thế giới sẽ không thu mình lại trong thế giới nhỏ hẹp và tĩnh lặng của riêng mình. Hạ tầng internet và thiết bị viễn thông thông minh được xây dựng và phát triển trong hai thập kỷ qua đã phá vỡ những kiểu tồn tại cộng đồng đó; và quan trọng hơn giúp đặt nền tảng cho toàn cầu hóa của tương lai. Thương mại điện tử, hội nghị trực tuyến sẽ là cách quản lý mới đối với đời sống toàn cầu hóa của chúng ta và ngăn không để xảy ra vấn đề phân tách.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here