Ý kiến chuyên gia về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Mỹ và gói cứu trợ 1.000 tỷ USD

0
99
Tác động kinh tế của COVID-19 “nghiêm trọng hơn rất nhiều” so với khủng hoảng năm 2008.
Tác động kinh tế của COVID-19 “nghiêm trọng hơn rất nhiều” so với khủng hoảng năm 2008.

Đại dịch COVID-19 có thể gây ra tác động “nghiêm trọng hơn rất nhiều” đối với kinh tế Mỹ so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Do đó, Washington cần đưa ra một gói cứu trợ kịp thời, quyết liệt để tránh nguy cơ lâm vào suy thoái, một chuyên gia tài chính nhận định.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt trên 12.000 người với ít nhất 200 người thiệt mạng. Giới chức trách đã khuyến nghị người dân ở nhà và tránh tụ tập đông người. Trong khi đó trên khắp nước Mỹ, các trường học, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trong ít nhất 15 ngày để hạn chế sự lây lan của virus.

Trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế, số người nộp đơn khai thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức cao nhất của 2 năm rưỡi qua là 281.000 đơn vào tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết ngày 19/3, trong khi các nhà hàng, quán bar và khách sạn ồ ạt sa thải nhân viên vì hoạt động kinh doanh đình trệ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy một gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD để giúp đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế vì COVID-19. Số tiền này có thể bao gồm ngân khoản hỗ trợ trực tiếp 1.000 USD cho mỗi một người dân Mỹ, cùng với khoản vay 50 tỷ USD giành cho các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề và có nguy cơ phá sản.

Giáo sư Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia tài chính-kinh tế ở bang Texas, cho biết những diễn biến hiện thời liên quan tới dịch COVID-19 cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của nó đối với nền kinh tế có thể vượt qua cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông nói, “nó nghiêm trọng hơn nhiều”, đồng thời chỉ ra rằng kinh tế của Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã lâm vào tình trạng “điêu đứng” vì dịch bệnh hoành hành.

“Số tiền giải cứu các ngân hàng lớn trong năm 2008 không đến 1.000 tỷ USD. Trong khi đó lần này, với mức ảnh hưởng lan rộng hơn, phần lớn số tiền cứu trợ sẽ được đưa nhiều nhất vào các hãng hàng không, nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ”.

Tiến sĩ Lộc giải thích, tiêu thụ chiếm 3/4 tỷ trọng nền kinh tế của Mỹ và trong số này 75% tập trung trong lĩnh vực dịch vụ. Các ngành hàng không, du lịch và khách sạn-nhà hàng là những ngành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất vì sự suy giảm đi lại cũng như lệnh cấm tụ tập đông người của nhà chức trách để kìm hãm sự lây lan của virus.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng là phần lớn khoản tiền cứu trợ phải được đưa trực tiếp tới người dân bình thường để thúc đẩy tiêu thụ, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.

Ông lý giải, sức tiêu thụ của người dân sẽ có hiệu ứng số nhân (multiplier effect), có nghĩa là ảnh hưởng dây chuyền. Cứ mỗi một đồng tiêu thụ của người dân Mỹ sẽ tạo ra ảnh hưởng gấp 5 lần cho nền kinh tế quốc gia.

Tiến sĩ Lộc đưa ra một ví dụ minh họa: “Tôi có 1.000 USD. Tôi mua gạo cơm, nước, thịt bò. Lượng tiêu thụ thịt bò sẽ thúc đẩy sản xuất từ các nhà chăn nuôi bò. Hoạt động sản xuất gia tăng thì các nhà chăn nuôi sẽ thuê thêm nhiều nhân viên. Nhân viên có tiền họ cũng tiêu xài, từ đó càng kích thích nền kinh tế hơn nữa”.

Theo chuyên gia kinh tế này, biện pháp cấp bách nhất Chính phủ Mỹ cần thực hiện bây giờ là cung cấp gói cứu trợ 1.000 tỷ USD, ông lưu ý Chính phủ cần xác định kỹ lưỡng những công ty nào thực sự cần được hỗ trợ để tránh “phí phạm” nguồn ngân quỹ.

Ông nói: “Nền kinh tế hiện giờ đang trong một vòng xoắn đi xuống. Do đó, cần phải giảm bớt tốc độ của vòng xoắn đó lại. Khi đó, gói kích thích này phải đi vào đúng chỗ. Nên đưa vào những chỗ người dân cần nhiều để họ tiêu thụ và để không xảy ra một cuộc khủng hoảng lòng tin”.

Tại Mỹ, Chủ tịch Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ngày 19/3 đã giới thiệu một dự luật khẩn cấp nhằm kìm chế những hệ quả kinh tế tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng đã hội họp trong ngày 20/3 để tìm kiếm sự đồng thuận.

Chủ tịch Mitch McConnell nói gói cứu trợ hơn 1.000 tỷ USD sẽ bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người Mỹ, các khoản vay ứng cứu doanh nghiệp nhỏ, các bước nhằm bình ổn nền kinh tế cũng như hỗ trợ mới cho những nhân viên chăm sóc y tế và bệnh nhân COVID-19.

Phương Nga

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here