Wall Street Journal: Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

0
154
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay, tỷ lệ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay, tỷ lệ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Các nền kinh tế Mỹ và thế giới dường như ngày càng có nhiều khả năng rơi vào suy thoái khi các hoạt động thương mại bị đình trệ và chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones hứng chịu ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987 do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thị trường tài chính toàn cầu đã trở nên hỗn loạn bất chấp các biện pháp của các ngân hàng trung ương nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy các nền kinh tế, kể cả việc Chính quyền Tổng thống Trump cùng Quốc hội đang tiến gần tới sự thống nhất về một dự luật nhằm cung cấp viện trợ tài chính liên bang cho công nhân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Phiên 12/3 trên Phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên mất 10%, giảm khoảng 2.350 điểm, xuống 21.200,62 điểm trong một phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Chỉ số S&P giảm 9,5%, xuống 2.480,64 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,4%, xuống 7.201,8 điểm.

Thị trường chứng khoán London cũng ghi nhận phiên mất điểm mạnh nhất kể từ năm 1987 và thị trường Frankfurt có một ngày đen tối nhất kể từ năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ. Thị trường chứng khoán Paris cũng mất điểm chưa từng có. Chỉ số FTSE 100 của London giảm 10,9%, xuống 5.237,48 điểm. Chỉ số DAX 30 của Frankfurt để mất 12,2%, xuống 9.161,3 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris sụt 12,3%, xuống 4.044,26 điểm. Chỉ số FTSE-Mib của Milan giảm 16,9%, xuống 14.894,44 điểm.

Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng hàng không và công ty lữ hành nằm trong nhóm lao dốc mạnh nhất. Cổ phiếu của United Airlines giảm 25%, Delta Airlines giảm 21%, Spirit Airlines giảm 33%, Royal Caribbean Cruises giảm 32%. Điều này xảy ra sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các ngân hàng và mua thêm các khoản nợ nhằm hạn chế những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19, nhưng sẽ không giảm thêm tỷ lệ lãi suất vốn đang ở mức dưới 0.

Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ đã khôi phục phần nào vào lúc đóng cửa phiên 12/3 sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố sẽ bơm 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính, trong nỗ lực lớn nhằm bơm tiền vào thị trường trái phiếu, song trên khắp nước Mỹ, giới chức trách đã phải hủy hoặc hoãn hàng loạt các chuyến bay thương mại, các hội nghị công nghiệp, lễ hội âm nhạc, các sự kiện thể thao và các hoạt động nơi đông người khác… Tất cả những tín hiệu này làm gia tăng tỷ lệ đánh cược về việc tăng trưởng kinh tế kéo dài kỷ lục vừa qua sẽ sớm chấm dứt trong vài tháng tới.

Ông Victor Constancio, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói rằng: “Chúng ta đang bước vào suy thoái toàn cầu. Các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến điều này không thể tránh khỏi”. Trong khi đó, nhà kinh tế Michael Feroli của Ngân hàng JPMorgan Chase cũng cho rằng riêng tại nước Mỹ, nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng.

Tuyên bố của Tổng thống Trump đêm 11/3 về việc cấm đi lại trong vòng 30 ngày từ châu Âu tới Mỹ sẽ khiến ngành hàng không bị thiệt hại khi nhu cầu đi lại sụt giảm. Trong khi đó, việc hủy bỏ các sự kiện công cộng như các giải bóng chày, hockey… có thể giúp hạn chế sự lây lan của virus, nhưng sẽ dẫn tới sự sụt giảm chi tiêu không thể tránh khỏi.

Khi giá dầu thô tại Mỹ đã giảm xuống còn gần 30 USD/thùng, các công ty khai thác dầu đá phiến đã phải thông báo cắt giảm chi tiêu và tạm dừng một loạt các hoạt động thăm dò. Công ty khoan dầu đá phiến lâu năm Apache Corp hôm 12/3 tuyên bố sẽ ngừng tất cả hoạt động tại các giàn khoan ở vịnh Permian ở Texas và New Mexico, chuyển toàn bộ nguồn lực ra nước ngoài và cắt giảm 90% cổ tức quý. Matador Resources Co cũng có kế hoạch cắt giảm một nửa số giàn khoan vào cuối tháng 6 tới, trong khi các thành viên lãnh đạo chủ chốt sẽ phải giảm lương. Trong khi đó, Marathon Oil Corp dự tính cắt giảm chi tiêu khoảng 500 triệu USD, đồng thời dừng tất cả các hoạt động khoan thăm dò ở Oklahoma…

Ngân hàng JPMorgan Chase ngày 12/3 cho rằng nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm nay, qua đó chấm dứt thời kỳ tăng trưởng kéo dài nhất trong lịch sử từ năm 2009. Dự kiến sản lượng sẽ giảm với tỷ lệ hàng năm khoảng 2% trong quý I và 3% trong quý II năm nay. JPMorgan cho rằng nền kinh tế có thể quay trở lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay, nhờ những phản ứng từ gói kích thích trị giá 500 tỷ USD được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay, tỷ lệ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều quốc gia trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Sẽ phải mất vài tháng thì sự suy thoái mới được thể hiện qua các dữ liệu kinh tế, từ các đơn mới xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho đến các dữ liệu về chi tiêu và đầu tư.

Cùng ngày, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với các ngân hàng trung ương cho rằng có những hạn chế trong chính sách tiền tệ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra hiện nay, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khác sử dụng chính sách tài khóa như các biện pháp về thuế và chi tiêu chính phủ để hỗ trợ.

Bà Lagarde tuyên bố: “Một chính sách tài khóa tham vọng và phối hợp đồng bộ là cần thiết khi xét tới viễn cảnh kinh tế suy yếu”. Hành động bơm tiền của Fed diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng của thị trường tài chính, buộc thể chế này phải can thiệp theo cách thức chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các nhà đầu tư đã rút vốn trung bình khoảng 2 tỷ USD mỗi ngày từ các thị trường đang nổi trong vòng 6 tuần qua, một diễn biến có thể khiến các quốc gia bị sụt giảm dự trữ ngoại tệ và cuối cùng đối mặt với các vấn đề về quản lý nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trụ sở ở Washington DC nói rằng tổ chức này cũng đã bắt đầu tìm hiểu các yêu cầu từ các quốc gia cần viện trợ tài chính để đối phó với dịch COVID-19.

Khắc Hiếu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here