Đại dịch châu chấu sa mạc hoành hành tại châu Phi

0
455
(al-ain.com)
(al-ain.com)

Từ đầu tháng 12/2019, những đàn châu chấu sa mạc lớn với số lượng lên đến 400 tỷ con bắt đầu hình thành phía Đông Ethiopia và Bắc Somalia, khu vực Đông Bắc Phi còn gọi là Vùng Sừng châu Phi. Sau đó đàn châu chấu tiếp tục sinh sôi và tách thành nhiều đàn, có những đàn rộng đến 2.500 km2, bay qua khu vực biên giới nhiều quốc gia[1], nhanh chóng lan rộng sang một loạt nước châu Phi khác cũng như một số nước Trung Đông và châu Á, gồm: Kenya, Djibouti, Eritrea, Tanzania, Uganda, Sudan, Nam Sudan, Yemen, Ả-rập Xê-út, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc.

Cụ thể, tại Kenya[2]: theo FAO, gần 200 tỷ con châu chấu bao phủ diện tích khoảng 2.400 km2 (dài 60km x rộng 40km), phá hủy ít nhất 700 ha hoa màu, đe dọa nặng nề an ninh lương thực tại Ethiopia, Somalia và Kenya và đang di chuyển qua sườn núi Kilimanjaro, tiến vào biên giới Tanzania…. Nhiều khu vực của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch châu chấu và sâu keo mùa thu[3], như tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Khu vực biên giới Ấn Độ-Pakistan-Nepal gần lãnh thổ Trung Quốc được FAO xem là điểm nóng toàn cầu về côn trùng gây hại cho mùa màng. Tại Ấn Độ, những đàn châu chấu đã gây thiệt hại trên quy mô lớn khi tàn phá tổng cộng 350.000 ha đất nông nghiệp, dự báo sản lượng ngũ cốc của Ấn Độ trong năm nay sẽ giảm 30%-50%.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến châu chấu dễ sinh sôi nảy nở và phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn như vậy. Các yếu tố thời tiết thuận lợi như lượng mưa nhiều, ẩm ướt và gió mùa kéo dài trong nhiều tháng qua ở khu vực Sừng châu Phi và Đông Phi khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều so với FAO dự đoán.

Đại dịch lần này được đánh giá gây hại nghiêm trọng cho các quốc gia có liên quan. Châu chấu được xem là loài phá hoại sản xuất nông nghiệp trong nhiều thế kỷ, tàn phá hoa màu tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như đe dọa nghiêm trọng tới giao thông, an ninh hàng không. Châu chấu bao phủ mặt đất và ăn mọi thứ chúng có thể tìm thấy, trước hết là thảm thực vật, cây cỏ, hoa lá. Một đàn 40 triệu con có khả năng tiêu thụ lương thực ngang với 35.000 người/ngày[4]. Mỗi ngày, những đàn châu chấu phá hoại ăn tới 1,8 tấn thực vật và so sánh một đàn châu chấu có quy mô trung bình cũng có thể phá hủy lượng cây trồng đủ để nuôi sống 2.500 người trong cả năm.

Tổ chức FAO nhấn mạnh đây là dịch châu chấu sa mạc tồi tệ nhất trong 25 năm qua, đe dọa an ninh lương thực[5] của các nước châu Phi, đặc biệt tại vùng Sừng châu Phi. Dữ liệu gần đây của Nhóm công tác dinh dưỡng và an ninh lương thực của FAO cho thấy hơn 19 triệu người đã bị đói cấp tính ở Đông Phi. FAO lo ngại một số nước ở Đông Bắc Phi gặp khó khăn trong việc triển khai triệt để kiểm soát dịch, đặc biệt là ở Somalia, do một số khu vực của nước này đang nằm trong tay nhóm vũ trang cực đoan Al-Shaidab, có liên hệ với Al-Qaeda.

Các chuyên gia cảnh báo dịch có thể đạt đỉnh từ tháng 3 đến tháng 5, thời điểm trứng nở tạo ra lứa châu chấu thứ hai, đe dọa nhiều khu vực nông nghiệp quan trọng và dự kiến tăng gấp 500 lần về số lượng châu chấu sản sinh vào tháng 6/2020 riêng ở khu vực Đông Bắc Phi. Sự sinh sôi nhanh chóng của châu chấu sẽ dẫn đến tình trạng “xung đột” nguồn thức ăn với các loài gia súc trên đồng cỏ. Thêm nữa, sự bùng phát mạnh mẽ sẽ kéo theo việc gián đoạn các hoạt động trồng trọt trong nhiều tuần tới. Các quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo các nước phải hành động nhanh chóng trước khi mưa lớn xảy ra vài tuần tới bởi có thể tạo thêm điều kiện cho châu chấu sinh sôi nảy nở nhiều hơn.

Trước tình hình trên, các nước châu Phi đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc để đối phó dịch châu chấu (Kenya, Somalia, Ethiopia), nâng cảnh báo lên mức nguy hiểm đối với hoa màu nông nghiệp (Uganda, Tanzania, Eritrea). Cụ thể, Uganda lên phương án khẩn cấp để đối phó dịch, quyết định triển khai lực lượng quân sự để giúp phun thuốc trừ sâu trên mặt đất, trong khi hai máy bay để phun thuốc từ trên không sẽ sớm được triển khai thực hiện giải pháp này; Chính phủ Uganda tuyên bố phun thuốc từ trên không được coi là phương pháp kiểm soát hiệu quả duy nhất tại thời điểm này. Somalia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (tháng 2/2020). FAO hướng dẫn người dân địa phương tại Somalia sử dụng máy phun và hóa chất để ứng phó dịch. Chính phủ Ethiopia cũng huy động bốn máy bay cho cuộc chiến chống cào cào, châu chấu.

Tại châu Á, Thủ tướng Pakistan Imran Khan mô tả đây là “dịch châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ[6], ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai phun hóa chất diệt côn trùng tại hơn 10 quận được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiện tại. Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa và diệt trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, đưa hơn 100.000 con vịt tới khu vực Tân Cương, giáp ranh với Pakistan và Ấn Độ; duyệt chi gần 1,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 triệu USD), trong đó, khoảng 4,2 triệu USD được phân bổ về 15 tỉnh để ngăn ngừa, chống châu chấu.

Các tổ chức quốc tế và quốc gia ngoài vùng ảnh hưởng, tháng 2/2020, Liên Hợp Quốc chính thức kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai các hành động khẩn cấp. Trong phiên khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 33 ngày 8/2/2020 tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tăng cường những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đối phó với sự bùng phát nạn dịch châu chấu đang tác động phần lớn lục địa châu Phi. FAO đề xuất một chương trình, từ nay đến tháng 3/2020 cần 76 triệu USD và tổng cộng cần 138 triệu USD để kiểm soát sự lây lan của dịch châu chấu, cụ thể đẩy mạnh phun thuốc trừ sâu từ trên không, cách hiệu quả duy nhất để chống lại dịch cào cào, châu chấu. Tuy nhiên, đến nay ước tính mới huy động được khoảng 20 triệu USD, trong đó 15,4 triệu USD được Liên Hợp Quốc trích từ quỹ cứu trợ khẩn cấp và 3,8 triệu USD từ FAO. Ngày 10/2/2020, Mỹ cho biết sẽ viện trợ 800.000 USD và Liên minh châu Âu (EU) quyên góp 1 triệu Euro.

Dịch châu chấu xuất hiện lần này có tính chu kỳ do điều kiện môi trường thích hợp. Bên cạnh nguyên nhân do sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng tạo điều kiện thuận lợi cho loài côn trung cánh cứng này có thể sinh sôi trong một thời gian ngắn, còn là do sự lơ là và thiếu quyết liệt của chính phủ một số nước Đông Bắc Phi trong việc chuẩn bị phương án diệt côn trùng. Một số nước thiếu tăng cường công tác điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh phát triển của châu chấu và chủ động đề ra phương án phòng, chống kịp thời, ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng. Phần lớn những nước bị tác động bởi đại dịch châu chấu là những nước nghèo tại châu Phi, kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp. Nền kinh tế của các nước này vốn đã gặp nhiều khó khăn, trì trệ[7] bởi xung đột sắc tộc tôn giáo lại phải đối phó với nạn dịch châu chấu, khiến khoảng khoảng cách giàu nghèo và tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng./.

Chú thích:

[1] Loài côn trùng này sinh sôi phát triển từ 2-5 lứa/năm, trứng nở trong vòng 2 tuần, chu kỳ sống trung bình từ 2-4 tháng đối với châu chấu trưởng thành, nhiều nhất là 5 tháng tùy thuộc vào thời tiết và điều kiện địa phương. Tùy vào điều kiện gió, chúng di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với vận tốc từ 16-19 km/h, đi được từ 5 đến 130 km/ngày. Một đàn châu chấu với quy mô hoạt động gần 1 km2 sẽ có 40-80 triệu con.

[2] Theo National Geographic, tại mỗi điểm đáp xuống, một đàn châu chấu cỡ trung bình có thể tàn phá 192 triệu kg – tương đương lượng hoa màu toàn bộ dân số Kenya tiêu thụ; bầy châu chấu có kích thước bằng Paris có thể ngốn lượng thực phẩm bằng một nửa dân số Pháp. Với số lượng châu chấu hiện có ở Kenya, một ngày có thể ăn cùng một lượng thức ăn mà người dân ba bang của nước Mỹ như New Jersey, Pennsylvania và New York cộng lại, tức đủ để nuôi 2.500 người trong vòng 1 năm.

[3] Trong năm 2019, hơn 1 triệu ha đất nông nghiệp tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi sâu keo mùa thu.

[4] Chúng còn ăn cả những chiếc mền vải trải ra để che phủ vườn rau, vỏ xe ngựa, ăn dây nịt da trên ngựa, tay cầm bằng gỗ, cột hàng rào và bất cứ thứ gì làm bằng giấy…

[5] Giám đốc nhân đạo của LHQ Mark Lowcock cho biết: “Khoảng 30 triệu người tại các quốc gia như Ethiopia, Kenya và Somalia đang bị ảnh hưởng do tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó khoảng 10 triệu người đang sinh sống tại các khu vực bị nạn châu chấu đe dọa”. Theo Giám đốc Cơ quan khẩn cấp và phục hồi của FAO Dominique Burgeon, không những gần 20 triệu người đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, mà “dịch” châu chấu có thể kéo theo bệnh dịch hạch.

[6] Trong lịch sử, có những năm được gọi là “năm châu chấu” khi các động vật cánh cứng này hoành hành, gây ra đại dịch. Ở Mỹ, vào năm 1874-1875, dịch châu chấu với khoảng 120 tỷ con, được ghi nhận lớn nhất trong lịch sử, đã gây ảnh hưởng nặng nề tại nhiều vùng đất. Sang thế kỷ 20, dịch châu chấu phát triển không liên tục, chỉ xảy ra vào năm 1926-34, 1940-48, 1949-63, 1967-69 và 1986-89. Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21, ghi nhận một số dịch châu chấu. Tháng 6/2001, tại Cộng hoà Dagestan (Nga), chỉ trong vòng 1 tuần, hàng trăm triệu con châu chấu tàn phá hơn 28.300 ha đồng cỏ và hơn 80.000 ha đất trồng; gần 2 triệu USD đã được chi ra để đối phó với đại dịch. Cùng thời điểm đó, các nước lân cận như Georgia, Azerbaijan và Kazakhstan và Trung Quốc cũng chịu chung thảm họa châu chấu. Năm 2004, dịch châu chấu sa mạc đã tràn vào Tây-Bắc Phi, gây nên khủng hoảng lương thực với tổng thiệt hại ước trên 2,5 tỷ USD (theo FAO); Senegal và Mali là hai nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tháng 4/2010, châu chấu đã hoành hành tại Đông Australia, phá hoại gần 500.000 km2 diện tích canh tác, buộc chính phủ Australia lập Ủy ban Thảm họa châu chấu. Từ cuối năm 2012, vùng Tây Phi xuất hiện nạn dịch châu chấu sa mạc, khởi nguồn Tchad, Mali, Niger và lan tới Bắc Phi. Tháng 3/2013, hàng tỷ con châu chấu hoành hành trên phân nửa diện tích lãnh thổ Madagascar, tiêu hủy 2/3 mùa màng, gây nạn đói cho 60% dân chúng; tiếp đó lan sang nhiều nước khác như Ai Cập, Israel. Năm 2017, dịch châu chấu tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, làm sụt giảm 20-30% sản xuất nông nghiệp.

[7] Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, 35 quốc gia châu Phi trong danh sách 48 nước nghèo nhất thế giới, hơn 40% số dân ở vùng nam Sa mạc Sahara phải sống dưới mức nghèo, khoảng 200 triệu trong tổng số hơn 800 triệu người châu Phi thiếu ăn do sản lượng lương thực ở 31 quốc gia giảm. 35% trong số 115 triệu trẻ em thế giới không được đến trường là ở các nước châu Phi Nam Sahara.

(Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here