Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là chủ đề đang được nhiều tờ báo khu vực và quốc tế quan tâm.
Tờ South China Morning Post ngày 23/2 đăng bài cho rằng Việt Nam có thể chỉ có 16 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, nhưng virus corona vẫn đang có tác động đáng kể đến nền kinh tế khi các nhà máy phải đối mặt với thực trạng khó khăn bảo đảm nguyên liệu thô từ nước láng giềng Trung Quốc. Tờ báo này dẫn lời Nhà Kinh tế trưởng tại Mekong Economics ở Hà Nội Adam McCarty nhận định: “Việt Nam đang hứng chịu thiệt hại về kinh tế, nhưng ít hơn Trung Quốc. Các trường học vẫn đóng cửa, khách du lịch quá ít và có thể 20% công nhân thiếu việc làm do sự sụt giảm về nhu cầu và đầu vào của Trung Quốc vì dịch bệnh COVID-19”.
Doanh thu ngành đường sắt Việt Nam trong 19 ngày đầu tháng 2/2020 giảm khoảng 2,8 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do phải trả tiền hoàn lại cho gần 40.000 vé tàu chưa sử dụng.
Joe Buckley, một chuyên gia về lao động và phát triển Đông Nam Á tại Đại học SOAS London (Anh) cho biết nhiều công ty may mặc và giày dép đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19: “Một tác động đến sản xuất là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu. Một số hãng, chẳng hạn như Samsung, đang dùng hàng không đưa phụ kiện vào để khắc phục những hạn chế vận chuyển đường bộ, nhưng những hãng khác đơn giản là đang cạn nguồn nguyên liệu”.
Dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến các lĩnh vực như du lịch, hàng không, dệt may, điện tử, nông thuỷ sản…, trong đó, du lịch là ngành chịu tác động mạnh do lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng như du lịch nội địa bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Ngành du lịch của Việt Nam dự kiến trong 3 tháng tới sẽ chịu thiệt hại trong “khoảng từ 6-7 tỉ USD” vì riêng khách du lịch Trung Quốc (chiếm khoảng 30% lượng khách) sẽ giảm 90 – 100%.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung được báo chí dẫn lời mô tả thiệt hại dựa trên cơ sở “nhiều tác động” bao gồm vắng khách nước ngoài, Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch.
Tuy nhiên, con số thiệt hại ước tính của Tổng cục Du lịch chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách, nhân với mức chi tiêu bình quân, chưa tính đến thiệt hại từ việc các nguồn lực bị mất mát của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Bài báo dẫn chiếu tới thực trạng “thiệt hại” của các doanh nghiệp như các hãng lữ hành, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí…
Trong khi đó, FXStreet đưa tin Standard Chartered Bank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 xuống còn 6,6%, tuy trước đó là 7%. Theo các chuyên gia, tăng trưởng trong quý I/2020 của Việt Nam có thể chậm lại ở mức 4,52% và sẽ phục hồi trong nửa cuối của năm. NHK WORLD giải thích lý do của sự chậm lại này là do tình trạng đình trệ của nhiều nhà máy ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn do Việt Nam nhập khẩu tới 30% nguyên liệu từ Trung Quốc, thực tế này đã ảnh hưởng đến cả sản xuất lẫn xuất khẩu. Nông nghiệp bị tổn hại do đóng biên giới với Trung Quốc và không có khả năng vận chuyển các nông sản, cuộc hoành hành của dịch bệnh virus cũng ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch.
Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review thông báo tập đoàn Samsung Electronics đã trình làng mẫu điện thoại thông minh Galaxy S20 mới nhất dành cho thị trường Việt Nam và cho biết các nhà máy của tập đoàn lớn này vẫn đang hoạt động nhịp nhàng ở Việt Nam bất chấp sự bùng phát của virus corona.
Theo tạp chí này, độ phụ thuộc của Samsung vào các nhà cung cấp Trung Quốc là tương đối thấp. Tập đoàn này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh số bán điện thoại thông minh và máy tính xách tay so với cùng kỳ năm ngoái, do các bậc phụ huynh đổ xô mua thiết bị di động và máy tính xách tay để con cái họ có thể học trực tuyến và vui chơi ở nhà.
Theo tờ The Star Online của Malaysia, Việt Nam đã mở biên giới với Trung Quốc ở cửa khẩu Lạng Sơn, cho thấy thương mại xuyên biên giới đã được phép nối lại. Các xe tải được khử trùng, còn tài xế được yêu cầu thường xuyên đeo khẩu trang và bộ đồ bảo vệ, không rời khỏi buồng lái.
The Yahoo Finance cho biết, năm 2020, Việt Nam trông đợi xuất khẩu gạo nhiều hơn 6% so với năm 2019. Nhu cầu đang tăng lên do giá giảm và thị trường được mở rộng. Bây giờ khách hàng lớn nhất mua gạo Việt Nam là Philippines. Còn các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam hy vọng tăng trưởng doanh số bán tại Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực.
Thu Hằng