OECD: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất một thập kỷ

0
66
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Munich, miền Nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Munich, miền Nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. OECD đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 từ 3,2% xuống còn 2,9%, trong khi tăng trưởng năm 2020 bị giảm từ 3,4% xuống còn 3%.

OECD cho rằng đây là những mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và các nguy cơ vẫn còn tăng. Theo OECD, căng thẳng thương mại leo thang đang làm suy yếu lòng tin và đầu tư, dẫn đến rủi ro chính sách, ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường tài chính, gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng tương lai.

OECD cảnh báo kinh tế toàn cầu đang bước sang giai đoạn mới với tăng trưởng thấp kéo dài nếu các chính phủ vẫn còn chần chừ trong việc phản ứng. Tổ chức này đã hối thúc nỗ lực chung trong việc chấm dứt cuộc chiến thuế quan và trợ giá, khôi phục hệ thống minh bạch và dựa trên luật định, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của OECD Laurence Boone cho biết có những bằng chứng rõ ràng cho thấy căng thẳng thương mại đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay và năm 2020 lần lượt từ 2,8% và 2,3% xuống còn 2,4% và 2%.

OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và năm tới từ 6,2% và 6% xuống còn 6,1% và 5,7%. OECD cũng cho rằng việc nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm tới 2 điểm phần trăm/năm có sẽ gây hiệu ứng dây chuyền đến kinh tế toàn cầu.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng không tránh khỏi xu hướng ảm đạm này, khi tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2020-2021 bị giảm 0,5% điểm. Nguyên nhân khiến OECD hạ dự báo tăng trưởng khu vực là do Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, bị cho là đang trong tình trạng suy thoái kỹ thuật. Cụ thể, tăng trưởng khu vực Eurozone trong năm 2019 và 2020 đã bị giảm từ 1,2% và 1,4% xuống còn 1%.

Tăng trưởng của Đức đã bị thu hẹp trong quý hai và quý ba do ngành sản xuất ôtô, đóng góp tới 4,7% GDP, đi xuống. Điều này khiến tăng trưởng kinh tế Đức bị giảm 0,75% điểm. Trong khi đó, triển vọng về Brexit cũng khiến dự báo tăng trưởng kinh tế Anh giảm xuống còn 1% trong năm nay và 0,9% trong năm 2020, thấp hơn với mức 1,4% trong năm ngoái.

OECD cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ khiến Anh chịu thiệt hại trong ngắn hạn, khiến kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái vào năm 2020, qua đó khiến tăng trưởng của EU cũng bị giảm mạnh./.

Nguồn: TTXVN.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here