Theo ông Lawrence J.Lau, giáo sư kinh tế Đại học Hồng Kong Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đe dọa “tách rời” chuỗi cung toàn cầu do việc áp thuế của cả hai bên và việc Mỹ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao cho Trung Quốc, cấm các công ty công nghệ Trung Quốc mua thiết bị, linh kiện, dịch vụ công nghệ cao từ Mỹ. Do Mỹ có thặng dư lớn với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại này, nên việc cấm không liên quan đến thâm hụt thương mại song phương, mà là nhằm làm giảm tốc độ phát triển của công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc.
Thỏa thuận kinh tế thương mại vừa qua giữa hai nước không đề cập đến việc rỡ bỏ các lệnh cấm này nên cuộc cạnh tranh vươn lên giành vị trí thống trị về kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp diễn và ngày càng có thêm nhiều cuộc tranh luận về “tách rời” và các tác động tiêu cực đến chuỗi cung công nghệ cao toàn cầu.
Tuy nhiên, “tách rời” cũng có lợi ích tiềm tàng khi thế giới có thêm một nguồn khác cho chuỗi cung công nghệ phòng trường hợp một chuỗi cung hoàn toàn có thể bị ngừng hoạt động do thương chiến, căng thẳng địa chính trị hoặc thậm chí thảm họa thiên nhiên. Có nguồn thứ hai cho chuỗi cung mặc dù tốn kém nhưng sẽ giúp bảo đảm sự vận hành không bị gián đoạn trong các tình huống khẩn cấp và ngăn chặn một quốc gia cung ứng công nghệ duy nhất lợi dụng khai thác quá mức vị trí độc quyền của mình. Chính việc “tách rời” giúp tạo điều kiện để phát triển thành công nguồn cung thứ hai. Dù chi phí cao như thế nào, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc buộc phải tìm nguồn thay thế không do Mỹ chi phối. Thiệt hại trước mắt có thể chuyển hóa thành thắng lợi lâu dài. Khi nguồn này được kiến tạo thành công sẽ giúp các công ty công nghệ Trung Quốc bảo đảm hoạt động bình thường và là nguồn cung cấp cho các doanh nghiệp khác trên thế giới sử dụng, ngăn sự độc quyền của nguồn còn lại và giảm chi phí cho người sử dụng. Việc này giống như thế giới được lợi rất nhiều khi có hai sự lựa chọn nhà sản xuất máy bay thương mại là Boeing và Airbus. Việc có hai hệ thống 5G độc lập, hoạt động song song và tương thích nhau không phải là ý tưởng tồi. Điều này giúp ngăn chặn một công ty trở thành nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ 5G độc quyền. Cạnh tranh làm tăng phúc lợi cho người tiêu dùng. Sự đa dạng hóa, nhiều lựa chọn là có lợi, giúp bảo đảm sự ổn định và bền vững của cả hệ thống nhìn từ góc độ tổng thể. Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, thông qua sự tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ về các khách hàng tiềm năng, sự độc quyền có thể dẫn đến phân biệt giá cả đối với người tiêu dùng khác nhau về cùng một chủng loại mặt hàng. Sự lạm dụng quyền lực này có thể được khắc phục bằng việc có thêm nguồn cung công nghệ thứ hai.
“Tách rời” của chuỗi cung công nghệ toàn cầu như là hệ quả của cạnh tranh công nghệ Trung – Mỹ sẽ tốn kém cho tất cả và dự đoán là không thể tránh được trong ngắn hạn cho các công ty công nghệ Trung Quốc, nhà cung cấp Mỹ và người tiêu dùng. Tuy nhiên, về dài hạn, thế giới có thể sẽ tốt đẹp hơn khi có hai nguồn cung dịch vụ và sản phẩm công nghệ giống nhau cạnh tranh với nhau./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh)