Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực Đông Nam Á và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, tờ Bangkok Post của Thái Lan cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để biến đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty và đầu tư.
Bên cạnh đó, bài phân tích cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chắc chắn góp phần vào kết quả này. Lợi nhuận khu vực sản xuất tại Trung Quốc giảm kể từ khi Mỹ ngừng hợp tác với nước này trong một số ngành công nghiệp. Trong bối cảnh mức sống chung tăng lên, số lượng lao động ở nhiều khu vực cũng dồi dào. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất tìm kiếm các điểm đến rẻ hơn, chẳng hạn như Việt Nam.
Một số công ty đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đó là các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus, cũng như các nhà sản xuất giày như Nike và Adidas.
Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Australia trong thời gian gần đây. Chuyến thăm của Thủ tướng Australia Scott Morrison tới Việt Nam vào tháng 8/2019 phản ánh mối quan hệ song phương ngày càng phát triển. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Australia thăm chính thức Việt Nam kể từ năm 1994.
So sánh
Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 69 về chỉ số môi trường kinh doanh, trong khi Ấn Độ tụt xuống thứ 77 do các vấn đề giấy tờ và đất đai. Kể từ năm 2000, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hơn 6%/năm, trong khi các nước láng giềng Đông Nam Á giảm tốc vì chiến tranh thương mại.
Guy Debelle, Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia cho rằng Việt Nam sắp bị quá tải. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh ảnh hưởng của thuế quan. Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho khoảng 1.720 dự án trong 6 tháng đầu năm 2019. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ hơn 7% trong năm 2018, mức cao nhất trong 10 năm.
Một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư là thuế ưu đãi cho doanh nghiệp lớn đang muốn di dời sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam được ưu đãi thuế 0% trong 5 năm đầu tiên, 5% cho 10 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm sau đó. Trong khi đó, thuế mà Ấn Độ áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài có thể lên tới 43%.
Mục tiêu chiến lược
Sự quan tâm của Thủ tướng Australia đối với Việt Nam không hoàn toàn giới hạn trong lĩnh vực thương mại. Việt Nam có vị trí chiến lược ở Biển Đông. Hợp tác quốc phòng và quân sự cũng là một trong các mục tiêu của ông Morrison trong chuyến thăm Việt Nam.
Tháng 3/2018, Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ của họ lên quan hệ đối tác chiến lược. Nhiều khả năng các công ty Australia sẽ hợp tác với Việt Nam để thăm dò-khai thác năng lượng ở vùng biển Việt Nam.
Đối với Ấn Độ, cả Australia và Việt Nam đều là những quốc gia quan trọng. Ấn Độ có hoạt động kinh doanh và thương mại phát triển nhanh chóng với cả 2 nước. Ngoài ra, New Delhi đang nỗ lực tạo ra sự cân bằng chiến lược khi 3 nước có chung nô lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Nhờ địa lý, quan hệ giữa Australia và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Ấn Độ sẽ rất cần có quan hệ nồng ấm với hai nước này.
Nguyễn Anh