Quan hệ kinh tế Ấn Độ với các nước 

0
103
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Với Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10/2019, Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ 476,2 triệu USD, chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và các loại linh kiện điện tử; nhập khẩu 455,2 triệu USD, chủ yếu là sắt thép các loại, đá quý, kim loại quý, máy móc, thiết bị. Tổng cộng, trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương đạt 9,4 tỷ USD, trong đó ta xuất 5,8 tỷ USD và nhập 3,61 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2019, Ấn Độ xuất sang Việt Nam 2,54 tỷ USD chủ yếu là thịt các loại, thủy sản và sắt thép; nhập khẩu 4,34 tỷ USD, chủ yếu là máy móc thiết bị, đồng và các vật dụng từ đồng.

Với các nước khác

Với Trung Quốc, bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên thống nhất Cơ quan cao cấp giải quyết các vấn đề thương mại do Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Sitharaman và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đứng đầu sẽ sớm nhóm họp để tìm cách giải quyết cho vấn đề thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết trong lần nhóm họp này, bên cạnh thảo luận về lo ngại của Ấn Độ đối với quy tắc xuất xứ hàng hóa khi hàng Trung Quốc có thể thông qua nước thứ ba vào Ấn Độ, hai nước trao đổi thêm về cơ chế “kích hoạt thuế quan tự động” nhằm hạn chế việc hàng hóa Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp BRICS, ông Modi kêu gọi các doanh nghiệp Thế giới quan tâm và thúc đẩy đầu tư đến thị trường Ấn Độ vì đây là nền kinh tế “thân thiện” nhất trên Thế giới do sự ổn định chính trị, chính sách và cải cách kinh doanh hợp lý. Ông Modi cũng nhấn mạnh việc tăng thương mại nội khối đạt mục tiêu 500 tỷ USD vào năm tới, yêu cầu xác định ít nhất 5 lĩnh vực ưu tiên, liệt kê rõ các quy trình thuế và hải quan. Ông cũng kêu gọi sớm mở văn phòng của Ngân hàng Phát triển mới tại Ấn Độ.

Với Mỹ, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu Ấn Độ tới Mỹ đã tăng 755 triệu USD, chủ yếu là hóa chất, kim loại.

Ngày 13/11, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal đã có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington để thảo luận về các vấn đề song phương. Các quan chức hàng đầu của Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết hầu hết các vấn đề thương mại giữa hai nước đã được khắc phục, Ấn Độ sẽ mở cửa cho hàng nhập khẩu từ Mỹ bao gồm thiết bị y tế, nông sản, giảm thuế đối với hàng công nghệ thông tin. Ngược lại, Mỹ sẽ khôi phục quy chế ưu đãi thuế quan GSP cho hàng xuất khẩu Ấn Độ. Dự kiến cuối tháng 11/2019, một phái đoàn thương mại Mỹ sẽ đến New Delhi để hoàn tất giải quyết các vấn đề thương mại giữa hai nước.

Về RCEP, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và cho biết nước này sẽ không thỏa hiệp trong các vấn đề cốt lõi. Thủ tướng Narenda Modi, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + tại Thái Lan, nói rằng quyết định không tham gia RCEP bởi Hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân Ấn Độ. Trước đó, việc Ấn Độ gia nhập RCEP nhận nhiều phản ứng từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp trong nước lẫn các đảng phái chính trị. Vấn đề chính của Ấn Độ với RCEP là theo Hiệp định, Ấn Độ sẽ phải loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 80-90% các mặt hàng và đề xuất về các quy tắc xuất xứ và biện pháp thuế quan nghiêm ngặt để chống gia tăng nhập khẩu không được các thành viên khác của RCEP ủng hộ.

Các thành viên khác của RCEP như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand cho biết vẫn mở cửa nếu New Delhi quyết định tham gia Hiệp định này khi đã giải quyết được các vấn đề quan ngại.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here