Nhật Bản lo ngại về tình trạng lãng phí trong các dự án ODA

0
1141
nhiều động thái tích cực được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến mới trong việc thực hiện các dự án ODA ở Việt Nam.

Nhật báo Yomiuri đăng tải, Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản vừa công bố báo cáo kiểm toán trong tài khóa 2018, theo đó có khoảng 13,3 tỷ yen (1 USD = 110 Yen) vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) sử dụng để tài trợ cho các dự án ở Việt Nam, Indonesia và quần đảo Solomon đã không đạt được các mục tiêu đề ra.

Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến mới trong việc thực hiện các dự án ODA.

Các dự án không hiệu quả này bao gồm các dự án tài trợ cho việc xây dựng một cơ sở xử lý nước và cung cấp tàu để giám sát các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Cả cơ sở xử lý nước và các tàu này đều không được sử dụng một cách thích đáng.

Trong trường hợp của Việt Nam, do phải đối mặt với các hoạt động đánh bắt cá trái phép liên tục của các tàu đánh cá Trung Quốc trong lãnh hải của nước này nên năm 2015, Nhật Bản đã cung cấp 6 tàu đã qua sử dụng cho quốc gia Đông Nam Á này làm tàu tuần tra theo một chương trình viện trợ không hoàn lại. Theo kết quả điều tra của Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản vào tháng 3 năm nay về khoản viện trợ này, 3 trong số 6 tàu trên, có tổng giá trị 210 triệu Yên, vẫn bị buộc tại một cầu cảng của một công ty đóng tàu mà chưa được sử dụng một lần nào.

Tháng 4/2017, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề nghị Chính phủ Việt Nam sử dụng các tàu này. Sau cuộc điều tra của Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản, 3 tàu không được sử dụng này đã được sửa chữa và tân trang lại, và cho đến nay, đã có 2 trong số ba tàu được đưa vào sử dụng.

Phản hồi trước các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã cam kết cải thiện tình hình để mang lại kết quả tốt trong chương trình sử dụng vốn ODA này. Trong khi đó, JICA cho biết cơ quan này sẽ “phản hồi đầy đủ trước các sự việc”.

Trong buổi họp báo thường niên của JICA ngày 17/10 tại Hà Nội, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Konaka Tetsuo cho biết, mặc dù nhiều dự án ODA mới về hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện đã được ký kết và đang triển khai thuận lợi ở Việt Nam, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết, đặc biệt là vấn đề chậm giải ngân, chậm thanh toán, mà điển hình là dự án metro Bến Thành – Suối Tiên ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông Konaka nêu quan điểm, việc chi trả chậm cho các dự án, nhất là các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân sẽ ảnh hưởng đến đầu tư mới, cũng như ý định đầu tư và kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp này. Ông Konaka cho biết, JICA sẽ cố gắng hết sức thu xếp với các cơ quan hữu quan Việt Nam để thúc đẩy các dự án, bởi việc chậm giải ngân, chậm thanh toán ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.

Theo vị Trưởng Đại diện JICA, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra những tồn tại và có nhiều động thái tích cực được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến mới trong việc thực hiện các dự án ODA ở Việt Nam như tỉ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể xuống mức 58% so với mức trần 65%; chính phủ đã cải thiện hiệu suất trong chi tiêu công, sửa đổi các quy định liên quan đến ODA….

Tháng 6/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo ODA để tập trung làm rõ các vấn đề trong thực hiện các dự án ODA. Phát biểu trước các nhà tài trợ và đại diện một số chủ đầu tư, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua. Với những quy định mới về quy trình lập kế hoạch, thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có việc trao quyền nhiều hơn cho các cấp cơ sở trong việc ra quyết định, tạo sự linh hoạt hơn cho việc luân chuyển dòng vốn đầu tư công, hy vọng việc thực hiện, giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi sẽ được đẩy mạnh, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, để phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nói trên, cần xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển. Phó Thủ tướng đề nghị các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng phát triển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trong việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án với số vốn đã cam kết hơn 16 tỷ USD, sớm đưa các công trình vào hoạt động, cần tiếp tục cải tiến và đơn giản hóa quy trình, thủ tục tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; rút ngắn thời gian khởi động và thực hiện dự án thông qua việc thực hiện các hành động trước, đặc biệt trong công tác đấu thầu trên cơ sở xem xét làm rõ hoặc sửa đổi các quy định hiện nay liên quan đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Đồng thời, xây dựng quy trình, thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập, thẩm định, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với nguồn vốn nước ngoài; minh bạch hóa thông tin thông qua việc trao đổi thường xuyên việc bố trí vốn kế hoạch với các nhà tài trợ.

Xác định rõ những hạng mục mang tính chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để thuận lợi cho việc xây dựng dự án, xây dựng kế hoạch và thanh quyết toán. Xem xét điều chỉnh tỷ lệ vay lại nguồn vốn vay nước ngoài cho chính quyền địa phương phù hợp theo từng lĩnh vực và thời hiệu áp dụng tỷ lệ này để tránh tình trạng phải điều chỉnh, phê duyệt nhiều do thay đổi chính sách…

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here