Người đứng đầu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã cảnh báo vào hôm 8/10 rằng cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 700 tỷ đô la vào năm 2020. Các tổ chức quốc tế lớn đều giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. IMF sẽ hạ cấp các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 và 2020 vào tuần tới, khi công bố các dự báo mới về thiệt hại kinh tế liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc họp tại Washington tuần này nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại. Các nhà đàm phán hy vọng việc đạt được thỏa thuận sẽ khiến ông Trump huỷ bỏ một số mức thuế mà Tổng thống Trump đã áp lên hơn 360 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, thoả thuận cũng được tin là sẽ khiến Hoa Kỳ tạm ngưng áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc từ mức 25% lên 30% vào thứ ba 15/10. Đợt thuế mới này chủ yếu nhằm vào các mặt hàng hàng tiêu dùng, bao gồm máy tính xách tay, điện thoại thông minh và may mặc vào tháng 12. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, chính quyền Trump sẽ đánh thuế lên gần như mọi sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối năm nay.
Trong một báo cáo gần đây, Cơ quan thương mại và phát triển của UN (UNCTAD) cũng cho biết, trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp nhất trong vòng một thập kỷ và có nguy cơ phát triển thành suy thoái toàn cầu vào năm 2020. Liên Hợp Quốc đặc biệt nhấn mạnh những tác động tiêu cực cuộc chiến thương mại, khả năng Brexit không có thỏa thuận và chuyển động về lãi suất dài hạn. Báo cáo của UNCTAD cũng đặc biệt nhấn mạnh tình trạng phát triển không ổn định ở bán cầu bắc, tình trạng suy thoái chung ở bán cầu Nam và mức nợ gia tăng ở khắp mọi nơi đang tạo áp lực lên tang trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3% trong năm 2018 xuống còn 2,3% trong năm nay – mức yếu nhất kể từ mức 1,7% trong năm 2009. Một số nền kinh tế mới nổi đã suy thoái và một số nền kinh tế phát triển, bao gồm cả Đức và Anh, cũng rất gần với suy thoái. Các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, gần đây đã tuyên bố cắt giảm lãi suất trong nỗ lực kích thích. Một số cơ quan hoạch định chính sách, bao gồm tại Mỹ xác nhận rằng dựa việc nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích giá tài sản tăng nhằm đạt được tăng trưởng nhanh chóng, cùng với cắt giảm thuế cho các tập đoàn và cá nhân giàu không tạo ra hiệu quả như mong muốn.
Các tổ chức quốc tế lớn khác cũng đã cắt giảm kỳ vọng của họ với tăng trưởng toàn cầu. Trong một báo cáo tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giảm dự báo tăng trưởng đối với thương mại hàng hóa toàn cầu xuống còn 1,2% trong năm 2019 – mức dự báo thấp nhất kể từ năm 2009. Trong một bài phát biểu hôm thứ Hai tại Montreal, David Malpass, chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết tổ chức này cũng sẽ hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trước đó, vào tháng 6, WB cho biết họ dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2019, tốc độ chậm nhất trong ba năm. Nhưng tăng trưởng trong năm nay đã chậm hơn do kết quả của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, một cuộc suy thoái ở châu Âu và bất ổn thương mại toàn cầu.
Dự báo trên được đưa ra không chỉ dựa trên những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, mà còn dựa trên những diễn biến của nền kinh tế thế giới hiện nay. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, đầu tư vào kinh doanh tại Mỹ đã giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm nhiều nhất trong vòng chín tháng qua. Kỳ vọng của người tiêu dùng về triển vọng ngắn hạn cũng giảm mạnh. thước đo hoạt động các nhà máy ở Hoa Kỳ cho thấy sức sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 128 tháng.
Về phía Trung Quốc, nước này đang có mức dư nợ đáng báo động. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington đã ước tính rằng trong quý đầu tiên của năm 2019, tổng số nợ của các công ty, hộ gia đình và chính phủ ở Trung Quốc đã chạm tới 303% GDP. Cơ quan này cũng cho biết tình hình tài chính không mấy khả quan của một số ngân hàng địa phương hoặc doanh nghiệp nhà nước (SOEs) sẽ tiếp tục là gánh nặng của ngân sách Trung ương. Trong thập kỷ qua, vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu ngày một gia tăng.Vì thế, bất kỳ tín hiệu kém khả quan nào tại nền kinh tế này cũng khiến các khu vực khác trên thế giới bị ảnh hưởng.
Tình hình bất ổn ở Hồng Kông đã diễn ra trong hơn bốn tháng qua cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Đại lục. Nguyên nhân ban đầu của các cuộc biểu tình là nhằm phản đối dự luật Dẫn độ của Chính quyền Hồng Kông, nhưng giờ đây đã phát triển lên thành yêu cầu cải cách tài sản và phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào các vấn đề nội bộ Hồng Kông. Khu vực này được biết đến như một trung tâm thiết yếu cho hoạt động tài chính và thương mại quốc tế. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã tính toán rằng thành phố xử lý 437 tỷ đô la giao dịch ngoại hối trong năm 2016. Trung tâm tài chính Hồng Kông cũng hoạt động như một cửa ngõ ra vào nền kinh tế Trung Quốc với các ngân hàng có nguồn vốn từ các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, tình trạng bất ổn dân sự có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên thế giới.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại I-xra-en)