Tình hình kinh tế Ấn Độ và quan hệ kinh tế Ấn Độ với các nước

0
100
(ảnh minh họa)

1. Tình hình và chính sách tài chính tiền tệ:

Ngày 29/7/2019, đồng Rupee ghi nhận mức giá cao nhất là 68,64 Rupee đổi l USD. Trái với nhận xét của các chuyên gia cho rằng đồng Rupee sẽ mạnh hơn và đạt mức 67 Rupee đổi 1 USD vào cuối tháng 8, sau hàng loạt những biến động về kinh tế, chính trị, đồng Rupee Ấn Độ chứng kiến sự trượt giá mạnh, ở mức 71,59 Rupee đổi 1 USD. Đặc biệt, đồng Rupee bắt đầu giảm giá mạnh từ ngày 3/8/2019, sau khi Chính phủ Ấn Độ đột ngột thông qua Sắc lệnh huỷ bỏ quy chế 370, bãi bỏ quyền tự trị của khu vực Jammu & Kashmir, dấy lên căng thẳng tại khu vực nước này có tranh chấp với Pakistan. Ngoài ra, việc đồng Rupee giảm mạnh còn được cho là có liên quan đến Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ để giảm thiệt hại cho hàng xuất khẩu của nước này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tiếp diễn.

Để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, ngày 24/7, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã đề cập tới khả năng Chính phủ có thể mở rộng mức thuế doanh nghiệp mới là 25% cho nhiều công ty khác. Chính phủ đã thông qua Ngân sách quốc gia 2019 và đồng ý với việc giảm thuế từ 30% xuống còn 25% đối với các doanh nghiệp có doanh thu hằng năm đạt từ 2,5 tỷ Rupee/năm (khoảng 35 triệu USD/năm) trở xuống. Việc mở rộng, áp dụng mức thuế 25% với tất cả các doanh nghiệp có doanh thu từ 4 tỷ Rupee/năm (khoảng 50,3 triệu USI/năm) trở xuống nhằm mang lại sự phát triển công bằng hơn.

Cơ quan đầu tư và quản lý lý tài sản công Ấn Độ được yêu cầu xây dựng dự thảo luật, theo đó, Chính phủ sẽ cắt giảm cổ phần trong các công ty nhà nước và chỉ giữ lại 26% cổ phần. Nếu được thực hiện, Chính phủ Ấn Độ sẽ có thể rải đầu tư tại nhiều công ty hơn với tổng số vốn đầu tư trong năm tài khóa 2019- 2020 dự kiến đạt 1.050 tỷ Rupee (khoảng 15 tỷ USD). Theo luật công ty của Ấn Độ, cổ đông nắm từ 25% cổ phần có quyền phủ quyết các quyết định của công ty…

2. Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ

Sau khi xuất khẩu giảm 9,71% trong tháng 6 do căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ khôi phục và tăng 2,25% trong tháng 7, đạt 26,3 tỷ USD. Xuất khẩu phi dầu mỏ, phi đá quý và đồ trang sức trong tháng 7 đã tăng 5,33% lên 19,70 tỷ USD. Nhập khẩu đã giảm 10,4% xuống 39,76 tỷ USD; thâm hụt thương mại thu hẹp còn 13,43 tỷ USD. Tăng trưởng GDP trong quý I/2019 chỉ đạt 5,8%, thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Nhập khẩu dầu giảm 22,15% xuống còn 9.06 tỷ USD, từ mức 12,33 tỷ USD một năm trước đó chủ yếu nhờ giá dầu thô toàn cầu giảm 14%. Ấn Độ đã mua 3,99 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2019, theo số liệu của Refinitiv, thấp hơn so với 4,03 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2019 và chỉ cao hơn 3,91 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2019. Ba tháng này là những tháng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ yếu nhất kế từ mức 3,75 triệu thùng/ngày ghi nhận trong tháng 8/2017. Sự suy yếu gần đây trong nhập khẩu dầu thô của Án Độ có thể do các nhà máy lọc dầu của nước này điều chỉnh với sự sụt giảm các lô hàng từ Iran sau khi Mỹ không gia hạn các quy định miễn trừ cho các nước mua dầu thô từ Iran bắt đầu từ tháng 5/2019. Nhập khẩu than cũng suy yếu với lượng nhập khẩu trong tháng 7/2019 là 14,5 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 1/2019. Trong 7 tháng đầu năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu 122,6 triệu tấn than, tăng từ 112,5 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than tăng là do trùng với lúc nhà sản xuất Coal India gặp khó khăn trong vận chuyển sản lượng của họ.

Thứ trưởng thương mại Ấn Độ Anup Singh nhận xét, tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ ở mức trên 10% trong năm nay mặc dù tình hình đầy thách thức. Trong năm tài khoá vừa qua, tăng trưởng xuất khẩu là từ 9% đến 10% và chạm mốc kỷ lục của Ấn Độ là 331 tỷ USD. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, Ấn Độ cũng là nền kinh tế lớn duy nhất của châu Á đạt tăng trưởng trong xuất khẩu. Trong quý đầu tiên của năm 2019, thị phần xuất khẩu của Ấn Độ đạt 1,71% thị phần thế giới (tăng từ 1,58% trong quý IV năm 2017).

3. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với các nước

3.1. Với Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam – Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 6,51 tỷ USD, tăng khoảng 2,3% so với mức 6,36 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,07 tỷ USD ( tăng so với 3,92 tỷ USD năm ngoái) chủ yếu các mặt hàng điện thoại, máy tính và sản phẩm, linh kiện điện tử; nhập khẩu 2,44 tỷ USD (tương đương năm ngoái) chủ yếu là sắt thép các loại, máy móc và dược phẩm. Riêng trong tháng 7/2019, ta xuất khẩu sang Ấn Độ 665,2 triệu USD và nhập 332 triệu USD.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong tháng 6/2019, Ấn Độ xuất sang Việt Nam 335 triệu hàng hóa chủ yếu là thịt và sắt thép. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 717,4 triệu USD chủ yếu là máy móc, thiết bị và linh kiện điện tử các loại.

Theo ông Rustom Irani Chủ tịch khu vực Maharashtra thuộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ, xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ sang Liên minh châu Âu sẽ giảm mạnh trong năm nay sau khi đối thủ lớn nhất Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với EU vào tháng 7, giúp Việt Nam xuất khâu sản phẩm sang EU mà không phải chịu thuế hải quan. Ông cho biết Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh lớn với Ấn Độ trong nuôi tôm. Sau EVETA, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh gần 6% so với Ấn Độ. Xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang EU phải chịu thuế hải quan 6% và Việt Nam được hưởng thuế 0%.

3.2. Với các nước khác

Ngày 2-3/8, sau cuộc họp các Bộ trưởng RCEP diễn ra tại Bắc Kinh, 16 quốc gia thành viên RCEP đã ra tuyên bố chung cho rằng việc kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay là “lợi ích tập thể và ưu tiên cao nhất”.

Ngày 9/8, nội các liên bang Pakistan đã thông qua các quyết định của Ủy ban An ninh Quốc gia và phiên họp chung của Quốc hội, bao gồm việc đình chỉ quan hệ thương mại với Ấn Độ để trả đũa quyết định của Ấn Độ về bãi bỏ Điều 370 về quy chế đặc biệt với Jammu và Kashmir. Trợ lý đặc biệt về Thông tin của Thủ tướng Ashiq Awan, trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo, nói rằng Pakistan cũng đã đình chỉ nhập khẩu hàng hóa Ấn Độ theo Hiệp định về quá cảnh thương mại giữa Pakistan-Afghanistan. Hai thông báo đã được đưa ra ngay sau cuộc họp nội các để thực hiện quyết định đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ có hiệu lực ngay lập tức, cho đến khi có quy định khác.

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar tới Trung Quốc từ 11-13/8, ông Jaishankar đã đề cập đến vấn đề thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong các cuộc tiếp xúc song phương. Theo ông, mối quan hệ kinh tế Ấn Độ – Trung Quốc có một số tiến bộ, thương mại song phương tăng nhưng thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc là vấn đề đáng lo ngại. Ông Jaishankar cũng đánh giá cao những bước đi của Trung Quốc để tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ và mong muốn Trung Quốc mở rộng các biện pháp tiếp cận đối với sản phẩm và dịch vụ dược phẩm và công nghệ thông tin của Ấn Độ tại thị trường Trung Quốc. Phía Trung Quốc hứa sẽ giải quyết quan ngại của Ấn Độ về thâm hụt thương mại. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cung cấp cơ sở cho hàng nhập khẩu Ấn Độ sang Trung Quốc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here