Con đường tơ lụa kỹ thuật số: Khó có thể chống lại sự phụ thuộc vào dòng chảy công nghệ Trung Quốc

0
532
Sáng kiến về một con đường tơ lụa kỹ thuật số đã được khởi xướng bởi các công ty công nghệ Trung Quốc và đang được xây dựng kéo dài từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến vùng Vịnh và châu Phi.
Sáng kiến về một con đường tơ lụa kỹ thuật số đã được khởi xướng bởi các công ty công nghệ Trung Quốc và đang được xây dựng kéo dài từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến vùng Vịnh và châu Phi.

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến căng thẳng và Washington tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm hạn chế Huawei – “gã khổng lồ” công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, sáng kiến về một con đường tơ lụa kỹ thuật số đã được khởi xướng bởi các công ty công nghệ Trung Quốc và đang được xây dựng kéo dài từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến vùng Vịnh và châu Phi.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu con đường tơ lụa kỹ thuật số này có mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài cho các nền kinh tế mới nổi cũng như có thể tham gia vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) như Trung Quốc mong muốn hay không?

Con đường tơ lụa kỹ thuật số…

Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc về cơ bản là sự kết hợp các chương trình của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước với hoạt động xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc, cùng với một chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm kết nối mạng công nghệ của Trung Quốc và các quốc gia khác.

Từ sau năm 1994 khi Trung Quốc chính thức triển khai quyền truy cập Internet, lượng truy cập toàn cầu qua các điểm trung chuyển ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu liên tục tăng mạnh từ đầu những năm 2000. Với sự bùng nổ phát triển của công nghệ hiện nay, “nút thắt cổ chai” này được coi là một trở ngại đối với ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc trong quá trình hội nhập với phần còn lại của thế giới. Do đó, các công ty công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tìm cách mở rộng và tích hợp với một số thị trường mới nổi thông qua xuất khẩu dịch vụ. Cơ hội được mở rộng thêm từ sau khi Bắc Kinh ra mắt sáng kiến BRI vào năm 2013.

Một con đường tơ lụa về thông tin đã chính thức được đề cập trong tuyên bố chung năm 2015 giữa Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại. Mục đích đặt ra là xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng Internet của Trung Quốc, tăng cường hợp tác trong không gian và phát triển các tiêu chuẩn công nghệ chung giữa các nước thành viên BRI.

Một sự phát triển đáng kể nằm trong sáng kiến BRI là hệ thống đường dây cáp nối Đông Phi – Pakistan, kết nối Pakistan với Kenya thông qua Djibouti, được thực hiện bởi Huawei Marine, một nhánh của Tập đoàn Huawei và được tài trợ bởi Trung tâm Khoa học Nhiệt đới của Hong Kong năm 2017.

Sự tham gia của Trung Quốc vào các tuyến cáp quang dưới biển khác cũng được thể hiện rõ như một tuyến cáp quang dài 4.800 km nối thành phố cổ Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc đến Faizabad ở Afghanistan, qua Hành lang Wakhan; dự án cáp quang SEA-ME-WE 5 trên vịnh Bengal nối Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu có sự tham gia của China Mobile International và China Mobile; tuyến AAE-1 nối châu Á-châu Phi-châu Âu dài 25.000 km có sự tham gia của China Unicom; và dự án Bay of Bengal Gateway (BBG), với sự góp mặt của China Mobile. Các dự án này được coi là nỗ lực nhằm mang lại lợi ích cho năng lực lưu lượng truy cập Internet toàn cầu của Trung Quốc và thiết lập sự hiện diện thương mại nước ngoài.

Trong lĩnh vực phát triển không gian, Trung Quốc cũng đang trở thành trụ cột cho nhiều quốc gia tham gia BRI. Tại Nam Á, Tập đoàn Công nghiệp Great Wall của Trung Quốc đã đồng ý tham gia cùng phóng vệ tinh PakSat Multi Mission với Pakistan, trong khi vệ tinh sắp tới của Afghanistan, Afghanistan-Sat-2, cũng sẽ dựa vào sự hỗ trợ từ Bắc Kinh để có thể đi vào hoạt động. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Vũ trụ châu Á – Thái Bình Dương (APSCO) – một nền tảng đa phương cho phép Bắc Kinh chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm của mình cho các nền kinh tế mới nổi khác.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh có kế hoạch tuyên truyền các tiêu chuẩn công nghệ của mình hơn nữa, chủ yếu tập trung ở các quốc gia thành viên BRI. Kế hoạch hành động chung về xây dựng các cơ sở hạ tầng do công ty China Unicom thực hiện dựa trên sáng kiến BRI (2018-2020) do Cơ quan tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (SAC) đưa ra nhằm kêu gọi các tiêu chuẩn thống nhất trên các công nghệ bao gồm 5G, trí tuệ nhân tạo và hệ thống định vị vệ tinh. Nền tảng thanh toán điện tử nội địa của Trung Quốc, Alipay, cũng đã bắt đầu thiết lập sự hiện diện trực tiếp hoặc hoạt động thông qua khách hàng địa phương tại hơn 40 quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á, trong đó có Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ.

Sự phụ thuộc dài hạn vào Bắc Kinh?

Bước nhảy vọt trong thập kỷ qua từ việc thiếu cơ sở hạ tầng mạng cơ bản sang có mạng thương mại và nền tảng công nghệ 4G là cơ sở hỗ trợ nhiều nền kinh tế mới nổi trong BRI có thể vượt qua các nền kinh tế phát triển chậm khác, ít nhất là về công nghệ. Tuy nhiên, liệu các quốc gia sẽ có thể phát huy tối đa lợi ích như thế nào khi mà phải dựa vào công nghệ của Trung Quốc trong dài hạn. Trên trang tin của Viện nghiên cứu Lowy, Australia, chuyên gia Chan Jia Hao cho rằng, khó có thể chống lại sự phụ thuộc vào dòng chảy công nghệ Trung Quốc.

Trước hết, con đường tơ lụa kỹ thuật số về cơ bản là một dự án dựa vào nguồn cung. Việc cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ là cơ sở để thúc đẩy các ngành thứ cấp và cao cấp của các nền kinh tế mới nổi, nhưng nó không đảm bảo mức độ áp dụng ngang bằng với các dịch vụ công nghệ trên thế giới.

Thứ hai, chuyển giao công nghệ Trung Quốc tại các nền kinh tế khác nhau sẽ được triển khai theo các cách khác nhau. Ví dụ, các thành phố châu Âu khó có thể nhanh chóng chấp nhận các công nghệ 5G của Trung Quốc như các thành phố ở Nam Á. Các nền kinh tế Nam Á có thể muốn ưu tiên nhiều hơn về phần cứng như vệ tinh và cáp quang, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á lại hướng đến các công nghệ mềm hơn, như trong lĩnh vực hợp tác trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử. Làm thế nào để sự khác biệt này có thể bổ sung hoặc thay thế nhau với một lợi thế cạnh tranh vẫn là một điều không chắc chắn.

Thứ ba, do phải phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ Trung Quốc, các công nghệ được triển khai cho các nước BRI có thể chỉ là thứ cấp so với các công nghệ được triển khai trên khắp các thành phố của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới một hiệu ứng tụt hậu trong xuất khẩu công nghệ, nơi mà công nghệ mới phải có được chỗ đứng nhất định tại thị trường Trung Quốc trước khi chúng có thể được triển khai ở nơi khác. Ngược lại, các quốc gia BRI này có thể trở thành các cơ sở thử nghiệm trước khi các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tốt hơn, hiệu quả hơn được triển khai tại Trung Quốc.

Các quốc gia dọc theo con đường tơ lụa kỹ thuật số sẽ khó có thể chống lại sự phụ thuộc vào dòng chảy công nghệ Trung Quốc, nhưng họ vẫn sẽ phải đánh giá cẩn thận nhu cầu trong nước, khả năng áp dụng công nghệ và tốc độ đổi mới nếu muốn đạt được lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Hoàng Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here