Diplomat: EVFTA – cho thấy sự nhạy bén của ngoại giao Việt Nam

0
110
Ngày 30/6/2019, EU và Việt Nam đã ký EVFTA, một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt.

Tờ Diplomat mới đây đăng bài nhận định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đầy tham vọng cho thấy sự nhạy bén trong ngoại giao của Hà Nội so với một số quốc gia “có máu mặt” khác ở châu Á.

Ngày 30/6/2019, EU và Việt Nam đã ký EVFTA, một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt.

Tờ báo này cho rằng, ngày 30/6 vừa qua, EU và Việt Nam đã ký EVFTA, một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế và địa chính trị, EVFTA là minh chứng cho sự khéo léo của Việt Nam trong việc quản lý các thách thức so với một số quốc gia châu Á khác trong cùng một môi trường như nhau.

Như vậy, đối với Việt Nam, EVFTA là một chiến thắng trước những thách thức to lớn. EU từ lâu đã bảo lưu hồ sơ nhân quyền và dân chủ của Việt Nam, thậm chí có những lúc vấn đề nhân quyền còn đe dọa đến sự “sống còn” của EVFTA. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, Hà Nội đã ký kết FTA với EU, điều mà chưa quốc gia đang phát triển nào ở châu Á làm được. Bản thân EU cũng mô tả đây là một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất mà khối này ký kết với một quốc gia đang phát triển.

Nhưng nếu Việt Nam là người chiến thắng thì ai là người thua cuộc? Đó là một câu hỏi quan trọng, bởi Hà Nội nhận thức sâu sắc rằng, Việt Nam luôn được so sánh với các quốc gia “có máu mặt” trong khu vực.

Ví dụ trường hợp của Thái Lan. Từng có lưu ý rằng, Bangkok, vốn chưa có FTA với EU, sẽ trở nên khó khăn do thỏa thuận Việt Nam-EU. EVFTA có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan trong các lĩnh vực như ô tô, máy tính và linh kiện điện tử, cũng như các mặt hàng như may mặc, trang sức, gạo và hải sản chế biến sẵn.

Ngân hàng Kasikorn ước tính một thỏa thuận tương tự giữa Thái Lan và EU sẽ tiết kiệm cho các nhà sản xuất khoảng 1 tỷ USD/năm. Bà Pimchanok Vonkorpon, Giám đốc Phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, thừa nhận điều Thái Lan thiếu là lao động lành nghề, công nghệ cao và sự đổi mới.

Một bên có thể chịu ảnh hưởng khác có thể là Trung Quốc. Bắc Kinh đang phải đối mặt với xu hướng của các nhà sản xuất di chuyển ra nước ngoài để tránh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận EVFTA sẽ không có lợi cho Trung Quốc trong lúc này.

Các nhà sản xuất Trung Quốc hy vọng tìm được một cơ sở thay thế để tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Chuyển đến Việt Nam là một triển vọng khả thi. Đầu tư vào Việt Nam có thể sớm vượt đầu tư vào tỉnh Quảng Đông, cơ sở sản xuất chính của Trung Quốc.

Tất nhiên, lợi ích thu được của Việt Nam vẫn còn ở thì tương lai. Mặc dù EVFTA được ca ngợi là một thế hệ FTA mới với các điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững (bao gồm các cam kết về nhân quyền, trong đó có quyền của người lao động), song hiện có những cảnh báo rằng thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của người lao động và khả năng ngăn chặn sự cố khí hậu và sinh thái. Chúng ta còn phải đợi  những quyết định cuối cùng trước khi EVFTA có hiệu lực.

Nguyễn Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here