Gia tăng bất đồng thương mại, đồng minh Mỹ – Ấn cùng thua

0
190
Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. (Nguồn: DW)

Sau hàng loạt căng thẳng, Mỹ một lần nữa cáo buộc Ấn Độ ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu một cách không công bằng. Động thái này đã làm gia tăng bất đồng thương mại giữa hai đồng minh bất chấp những nỗ lực trong thời gian qua.

Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. (Nguồn: DW)

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Ấn mới nhất diễn ra tại Thủ đô New Delhi vừa kết thúc mà không đạt đột phá về các vấn đề tranh chấp hiện nay liên quan đến thuế quan hay các biện pháp bảo hộ thương mại mà hai nước đều đang áp dụng, gây căng thẳng quan hệ song phương.

Một quan chức cấp cao Ấn Độ tham gia đàm phán cho biết hai phái đoàn đàm phán đã trao đổi các vấn đề trong gần 3 giờ đồng hồ, song “không có đột phá”. Theo quan chức này, nhiều nội dung gai góc như vấn đề trợ giá nông nghiệp, thương mại điện tử, thuế thép và nhôm đã không được nêu ra tại cuộc đàm phán lần này. Tuy nhiên, đây sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp sắp tới giữa Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhân chuyến thăm của ông Goyal tới Washington vào tháng tới. Hiện thời gian cụ thể chuyến thăm vẫn chưa được ấn định.

Sóng gió nổi lên

Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. Việc Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, từ chối miễn trừ Ấn Độ khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm, và mới đây nhất là chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với New Delhi trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5-6 đã khiến mối quan hệ đồng minh này rạn nứt. Không chỉ vậy, việc Ấn Độ có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, và là một trong những nguyên nhân khiến Washington áp đặt trừng phạt New Delhi.

Trên thực tế, Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”. Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập niên, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017. Theo số liệu chính thức, trong năm 2018, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ ước đạt 142,1 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 24,2 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại lớn này khiến Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho rằng Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đối với hoạt động thương mại của Mỹ.

Nhằm đáp trả các động thái của Mỹ, Ấn Độ cũng đã tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 16/6 sau nhiều lần trì hoãn kể từ khi công bố kế hoạch này hồi năm ngoái. Trước đó, tháng 6/2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm. Tuy nhiên, Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc tăng thuế đối với Mỹ vì các cuộc đàm phán giữa hai nước đã làm dấy lên hy vọng về một giải pháp.

Trong thời gian qua, cả hai bên cũng đã nỗ lực thu hẹp bất đồng. Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 12/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ sẵn sàng đối thoại với Ấn Độ sau khi Washington chấm dứt ưu đãi thương mại đối với New Delhi. Ông Pompeo khẳng định, Washington vẫn để mở phương án đối thoại và hy vọng rằng các đối tác Ấn Độ sẽ dỡ bỏ những rào cản thuế quan và tin tưởng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước mình. Cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nỗ lực của Mỹ và Ấn Độ nhằm cải thiện căng thẳng thương mại cũng được thể hiện trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 28 và 29-6 tại Osaka, Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong một động thái mới nhất, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa chỉ trích Ấn Độ, khi cho rằng nền kinh tế lớn ở châu Á này đã ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu của Mỹ một cách không công bằng. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: “Ấn Độ từ lâu đã có cơ hội tự do áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ. Không thể tiếp tục chấp nhận được!”. Tuy nhiên, ông Trump không đề cập tới khả năng đưa ra hành động đáp trả trong bối cảnh xảy ra bất đồng thương mại giữa hai quốc gia. Lời chỉ trích này của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày 4/7 đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các mức thuế quan mà Ấn Độ áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm. Trước đó, ngày 27/6, ông Trump đã yêu cầu Ấn Độ rút lại quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, coi đây là động thái “không thể chấp nhận”.

Trước chỉ trích của Tổng thống Mỹ Trump, chính phủ Ấn Độ cho biết nước này “lấy làm tiếc” vì những nỗ lực của New Delhi trong việc giải quyết các yêu cầu của phía Mỹ đã không được chấp nhận. Thông cáo của chính phủ Ấn Độ nêu rõ Ấn Độ cũng như Mỹ và các nước khác sẽ luôn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong những vấn đề này.

Bước lùi trong quan hệ  

Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ một lần nữa cáo buộc Ấn Độ ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu một cách không công bằng có thể coi là bước lùi trong quan hệ Mỹ – Ấn kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ – Ấn và được dự báo sẽ không bên nào hoàn toàn thắng.

Đối với Ấn Độ, căng thẳng thương mại leo thang liên quan đến vấn đề thuế quan với cường quốc kinh tế số 1 thế giới sẽ khiến nước này thiệt hại khoảng 190 triệu USD/năm. Trong khi đó, tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump cũng được cho là đến vào thời điểm tương đối nhạy cảm khi Thủ tướng Narendra Modi vừa tái đắc cử sau khi ông và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới đây và phải ứng phó với một nền kinh tế đang giảm tốc. Chính vì vậy khó khăn đến với Ấn Độ sẽ càng lớn. Theo các số liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống mức thấp trong 5 năm là 5,8% trong ba tháng 1-3/2019, giữa bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp yếu đi. Sản lượng công nghiệp và doanh số bán ô tô giảm cũng làm dấy lên những lo ngại về việc nền kinh tế giảm sâu hơn. Chính phủ Ấn Độ ngày 4/7 dự báo kinh tế Ấn Độ hồi phục với mức tăng trưởng 7% trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2020, cao hơn mức thấp trong 5 năm là 6,8% được ghi nhận trong tài khóa trước. Báo cáo của Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman trình lên Quốc hội nước này cho biết trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ đối diện thách thức sau khi nguồn thu từ thuế giảm, do kinh tế yếu đi giữa bối cảnh Chính phủ gia tăng chi tiêu cho lĩnh vực nông nghiệp.

Thêm vào đó, việc Mỹ – Ấn chưa giải quyết được bất đồng thuế quan khiến nhiều việc làm của Ấn Độ bị mất, bởi phần lớn hàng hóa được miễn thuế từ GSP do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sử dụng nhiều lao động. Nếu không được ưu đãi thuế, nhiều mặt hàng của Ấn Độ sẽ mất đi tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ, trong đó những ngành bị tác động mạnh nhất là thực phẩm chế biến, da, nhựa, hàng kỹ thuật, trang sức kim loại quý, dệt may và dược phẩm.

Đối với Mỹ, về mặt kinh tế, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ với kim ngạch song phương lên tới 142 tỷ USD. Ngược lại, dù chỉ là bạn hàng lớn thứ 9 của Washington, nhưng New Delhi sở hữu thị trường đông dân thứ hai thế giới với những cơ hội kinh doanh béo bở. Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp hàng đầu của xứ Cờ hoa đã đầu tư hàng tỷ USD vào Ấn Độ, nơi có khoảng 600 triệu người dùng internet và là nguồn cung nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Vị thế của New Delhi chắc chắn phải được tính đến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đang diễn biến phức tạp. Các chuyên gia nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ – Ấn leo thang vô hình trung tạo cơ hội cho một số hàng hóa Trung Quốc thay thế hàng hóa Ấn Độ ở thị trường Mỹ, từ đó càng làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, về mặt chính trị, trong bối cảnh chuẩn bị cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, việc căng thẳng trong thương mại với Ấn Độ cũng phần nào làm ảnh hưởng tới tâm lý của dư luận trong nước. Vì vậy, theo giới phân tích, ông Donald Trump cần khéo léo xử lý vấn đề này một cách “thuận cả đôi đường” để thu hút được nhiều hơn sự ủng hộ của người dân Mỹ.

Căng thẳng thương mại leo thang với Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng tới cả quan hệ chiến lược, an ninh song phương. Quân bài gắn cam kết quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump với giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại khó thành công khi áp dụng với Ấn Độ bởi khác với các đồng minh Mỹ ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á, nước này không phụ thuộc quá lớn vào Mỹ. Nếu “già néo đứt dây”, New Dehli có thể lạnh nhạt với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà Mỹ đang nỗ lực triển khai với Bộ tứ An ninh Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia.

Căng thẳng leo thang với Mỹ cũng có thể đẩy Ấn Độ xích lại gần hơn với Trung Quốc. Với lý lẽ rằng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương của Chính quyền Tổng thống Trump làm tổn hại tới sự phát triển kinh tế và tình hình nội bộ Ấn Độ, Bắc Kinh có thể kêu gọi Ấn Độ mở rộng hợp tác với Trung Quốc không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh, quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và thương mại công bằng./.

Ngọc Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here