Brexit có thể không thỏa thuận, kinh tế Mỹ “tổn thương”?

0
338
Tổng thống Trump đã hứa với Anh về một thỏa thuận thương mại "phi thường" hậu Brexit, tuy nhiên không phải ai cũng tin rằng "mối quan hệ đặc biệt" của Anh với Mỹ sẽ đem lại một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai như vậy. (Nguồn: Eaworldview)
Tổng thống Trump đã hứa với Anh về một thỏa thuận thương mại “phi thường” hậu Brexit, tuy nhiên không phải ai cũng tin rằng “mối quan hệ đặc biệt” của Anh với Mỹ sẽ đem lại một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai như vậy. (Nguồn: Eaworldview)

Sau 3 năm đàm phán và khả năng Brexit không thỏa thuận ngày càng tăng lên, các nhà kinh tế đã dự đoán tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính của nước này.

Brexit thỏa thuận hay không thỏa thuận?

Bài bình luận trên mạng CNBC cho rằng, cuộc chạy đua hiện nay nhằm giành vị trí lãnh đạo thay thế Thủ tướng Theresa May gần như đã khiến vấn đề Brexit bị chững lại, nhưng cho dù ai chiến thắng cuộc đua này – cựu Ngoại trưởng Boris Johnson hay Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt – thì người đó sẽ phải nhanh chóng quay trở lại vấn đề này, bởi hạn chót để Anh rời khỏi EU là ngày 31/10 tới.

Tác động của Brexit đối với nền kinh tế Mỹ, chưa nói tới tác động đối với kinh tế Anh, phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Anh sẽ ra đi theo hình thức nào, Anh còn gắn bó gần gũi với EU tới mức nào, và Brexit sẽ chi phối các mối quan hệ thương mại mới của Anh ở mức độ nào.

Những người chủ trương ủng hộ Brexit muốn Anh có những thỏa thuận thương mại với các quốc gia bên ngoài EU, nhưng Anh không thể đàm phán những thỏa thuận này khi vẫn còn ở trong liên minh này. Không có gì ngạc nhiên khi EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Anh với tư cách là một khối chung. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh với tư cách là một quốc gia đơn lẻ.

Hiện chưa rõ lieu Thủ tướng mới của Anh sẽ đưa đất nước ra khỏi EU mà không cần một thỏa thuận, hay Quốc hội Anh cuối cùng sẽ chấp thuận một thỏa thuận chính thức nào đó.

Một số người ủng hộ Brexit khăng khăng rằng Anh phải rời EU cho dù bất kể điều gì xảy ra vào ngày 31/10 tới, và họ tin rằng Brexit “không thỏa thuận” còn tốt hơn một liên minh không bao giờ kết thúc với EU.

Thỏa thuận thương mại “Nước Mỹ trước tiên”?

Thâm hụt thương mại của Mỹ (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) với bất kỳ quốc gia nào đều là vấn đề đáng lo ngại đối với Tổng thống Donald Trump, tranh chấp về thương mại và thuế quan của ông với Trung Quốc và EU đã phản ánh điều này. Tuy nhiên, Anh gần như đã né tránh được sự giận dữ của Tổng thống Trump khi Mỹ có thặng dư thương mại với Anh.

Theo số liệu của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, tổng trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Anh ước tính đạt 262,3 tỷ USD trong năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt 141,1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 121,2 tỷ USD, như vậy Mỹ thặng dư thương mại 19,9 tỷ USD với Anh trong năm 2018.

Tổng thống Trump đã hứa với Anh về một thỏa thuận thương mại “phi thường” hậu Brexit, tuy nhiên không phải ai cũng tin rằng “mối quan hệ đặc biệt” của Anh với Mỹ sẽ đem lại một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai như vậy. Phó chủ tịch của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, ông Dan Yergin, nói với hãng tin CNBC rằng “thách thức đối với Anh sẽ là biến ‘mối quan hệ đặc biệt’ này trở nên rất đặc biệt”.

Có nhiều câu hỏi đặt ra về việc một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ sẽ bao gồm những gì, tuy nhiên Tổng thống Trump đã khiến nhiều người tức giận trong chuyến công du gần đây của ông tới Anh, khi đó ông đã nói rằng “mọi thứ đều được đặt lên bàn thảo luận” trong đàm phán thương mại, bao gồm cả NHS – Dịch vụ y tế quốc gia của Anh.

“Những vấn đề không có triển vọng thành công về mặt chính trị”. Chuyên gia kinh tế Mỹ của Capital Economics, Andrew Hunter, cho rằng Mỹ thực sự không thể nhận được gì nhiều, cũng như không có nhiều điều để mất, từ một Brexit không có trật tự, hay thậm chí là từ một thỏa thuận thương mại, bởi xuất khẩu của Mỹ chỉ chiếm 0,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Chuyên gia Hunter nói: “Ít nhất có thể phía Anh sẽ nỗ lực tạo ra một mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Mỹ để bù đắp lại những mất mát từ mối quan hệ với EU, và một thỏa thuận thương mại toàn diện Anh-Mỹ có thể tạo ra một lực đẩy khiêm tốn cho cả hai nền kinh tế”. Nhà kinh tế này cũng nói thêm: “Tuy nhiên, trong trường hợp của Mỹ, lực đẩy này thực sự sẽ là vô cùng nhỏ. Tôi thấy khó có thể tưởng tưởng được rằng hai bên sẽ nhất trí được một thỏa thuận thương mại, ít nhất là trong khi ông Trump vẫn cầm quyền. Chính quyền Mỹ muốn một thỏa thuận mà trong đó Mỹ có quyền tiếp cận lĩnh vực nông nghiệp của Anh và có thể thậm chí là cả NHS, nhưng cả hai lĩnh vực này chắc chắn không có triển vọng thành công về mặt chính trị theo quan điểm của chính phủ Anh”.

Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm của Anh, Philip Hammond, ngày 15/7, đã tổng kết về việc chính phủ Anh có thể sẽ cảm thấy như thế nào khi đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ, cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào mà hai nước đạt được chắc chắn sẽ phải có lợi cho Mỹ. Ông nói: “Các thỏa thuận thương mại thực chất rất phức tạp, và điều tôi nghe được khi Tổng thống Trump nói đó là ‘Nước Mỹ trước tiên’. Quan điểm về một thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump có thể không hoàn toàn giống với quan điểm của một người tại Anh”.

Cheo leo bên bờ vực

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rất sợ viễn cảnh “cheo leo bên bờ vực” của Brexit không thỏa thuận, bởi điều đó có nghĩa rằng Anh sẽ đột ngột rời EU mà không có một giai đoạn chuyển tiếp giúp các doanh nghiệp thích nghi với môi trường bên ngoài EU. Các nhà kinh tế cho rằng điều này cũng sẽ gây ra sự biến động trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Hunter nói với CNBC hôm 16/7: “Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công khai đề cập tới sự bất chắc của Brexit như một nhân tố có khả năng sẽ tác động tới triển vọng kinh tế Mỹ, và chắc chắn rằng một Brexit không thỏa thuận có thể gây ra một giai đoạn biến động cho các thị trường tài chính toàn cầu, và nếu điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của Mỹ”.

Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đã khiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm xuống 5% hoặc 6% trong tháng 6/2016, và nhiều nhà kinh tế Mỹ đã cho rằng Brexit có thể sẽ lấy đi tới 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Mỹ. Tuy nhiên, Chris Rupkey – giám đốc quản lý và là nhà kinh tế tài chính trưởng của MUFG tại New York – nói với CNBC: “Mặc dù vậy chứng khoán đã phục hồi nhanh chóng, và cả những dự báo rằng Brexit sẽ gây ra thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ”.

Phần lớn các nhà kinh tế nhất trí rằng rất khó để đo lường chính xác tác động của Brexit “không thỏa thuận” bởi đây là một viễn cảnh chưa từng có tiền lệ và không chắc chắn. Nhà kinh tế Malcolm Barr của J.P.Morgan đã viết rằng “cực kỳ khó” để đưa ra các con số thể hiện quy mô của cú sốc này đối với sản lượng trong trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra. Trong khi đó, ông Dan Yergin của IHS nhấn mạnh rằng “Brexit sẽ là cú sốc lớn đối với nền kinh tế Anh và châu Âu, và sau đó chấn động của nó mới được cảm thấy ở Mỹ”.

Theo nhà kinh tế trưởng của ING ở London, James Knightly, có những công ty nhất định, ví dụ như các công ty trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ một Brexit “cứng”- như giá hàng hóa tăng cao và nhu cầu tiêu dùng giảm. Ông Knightly cũng cho rằng các công ty của Mỹ có các chuỗi cung ứng ở châu Âu (ví dụ như các công ty sản xuất ô tô) cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn các công ty khác./.

Lê Na

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here