Dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á cũng không phải là một quyết định dễ dàng.

0
125
Vốn FDI mới đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh họa

Lợi thế về dân số của Trung Quốc đang phai nhạt dần trong những năm gần đây, với chi phí lao động ngày càng tăng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Yếu tố này cùng với các áp lực khác đang khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế cân nhắc khả năng dịch chuyển nhà máy sang Đông Nam Á. Đồng thời, họ cũng tính cách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Tuy nhiên, nếu khẳng định môi trường kinh doanh ở Đông Nam Á là thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thì là quá đơn giản hoá vấn đề. Báo cáo của các công ty tư vấn và các tổ chức nghiên cứu đều cho rằng cuộc chiến thương mại đang mang lại lợi thế cho khu vực Đông Nam Á. Nhưng các nghiên cứu này chưa chỉ ra được các rủi ro khi làm ăn ở các nền kinh tế trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là ở Campuchia và Việt Nam.

Cụ thể, môi trường kinh doanh tại Campuchia vẫn khá phức tạp. Chi phí lao động đã tăng nhanh: nếu năm 1997 mức lương tối thiểu là 40 USD thì năm nay đã là 182 USD. Nếu cộng cả các phụ cấp và các khoản chi khác cho người lao động, mức lương tối thiểu ở Campuchia là 210 USD/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu ở Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan hoặc Lào.

Năng suất của người lao động Campuchia chỉ bằng 60% so với người lao động Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Việt Nam và Indonesia, nơi năng suất lao động bằng khoảng 80% năng suất lao động Trung Quốc. So sánh với Trung Quốc thì Campuchia có chuỗi cung ứng kém hơn, tính cả về cơ sở hạ tầng hay nền công nghiệp chế tạo. Năm tới, Campuchia có thể sẽ mất cơ chế xuất khẩu với thuế bằng 0% sang EU, và điều này cũng sẽ là một yếu tố phải tính tới.

Thời gian gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nhờ khả năng thay thế Trung Quốc và các hiệu ứng liên quan, theo Nomura Securites, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng 7,9% một năm. Tuy nhiên, cũng có các rủi ro khi đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế thiên về xuất khẩu và có khối lượng nhập khẩu rất lớn. Nhập khẩu lạm phát là một kịch bản cần phải tính tới và sẽ đẩy tiền lương lên cao. Người lao động khi phải đối mặt với lạm phát cao sẽ có lý do để yêu cầu tăng lương và tiến hành đình công nếu không được đáp ứng. Chính phủ Việt Nam có thể chấp nhận rủi ro này nhưng Việt Nam sẽ mất dần các lợi thế về chi phí nhân công rẻ.

Kinh tế Việt Năm tăng trưởng 7,08% năm 2018, vượt quá mục tiêu và mong đợi của Chính phủ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt cổ chai cho phát triển. Một ví dụ điển hình là việc các toà nhà chọc trời đang mọc lên như nấm ở các thành phố tại Việt Nam, một yếu tố đáng báo động cho thấy các lợi nhuận mà sản xuất mang lại đang được chuyển nhanh sang thị trường bất động sản chứ không phải là để tái đầu tư cho ngành sản xuất. Ngoài ra, Việt Nam đang thu hút một lượng lớn FDI, riêng quý 1 năm 2019 đã thu hút hơn 10,8 tỷ USD, và điều này khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi sự di chuyển của dòng tiền.

Không thể phủ nhận rằn, trong ngắn hạn, Việt Nam và Campuchia sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch chuyển cơ sở sản xuất. Nhưng khác với Trung Quốc, đầu tư vào các nền kinh tế nhỏ bé hơn này cũng đặt ra một số tính toán đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chi phí tăng, các nút thắt cổ chai cho phát triển, năng suất lao động thấp hơn, nguồn cung ứng kém hơn và các tổ chức công đoàn mạnh hơn sẽ xuất hiện tại Campuchia và Việt Nam trong những năm tới.

Cuối cùng, trong một thế giới mà dư thừa nguồn cung và không có sự phối hợp giữa các nền kinh tế, việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư sẽ chỉ thúc đẩy sản lượng. Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, các nền kinh tế nhỏ hơn như Campuchia hay Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc./.

(Ban Quản trị Trang NGKT, theo tờ South China Morning Post)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here