Chuyên gia Trung Quốc không tin quan hệ Trung – Mỹ có thể đảo ngược

0
91
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định sẽ gặp nhau tại G20. (Nguồn: Bloomberg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định sẽ gặp nhau tại G20. (Nguồn: Bloomberg)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có cuộc điện đàm, xác nhận hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản vào hai ngày 28 và 29 tháng này.

Bước ngoặt nhưng không thể đảo ngược

Giới học giả Trung Quốc nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Mỹ sẽ trở thành một bước ngoặt quan trọng trong việc khởi động lại đàm phán thương mại, nhưng không thể đảo ngược quan hệ Trung – Mỹ đã biến đổi về chất.

Ông Chu Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), cho rằng Trung Quốc và Mỹ sau hơn một tháng bị cuốn vào cuộc chiến dư luận và cuộc chiến tay đôi về vấn đề thương mại, lãnh đạo hai nước quyết định gặp mặt, truyền đi một tín hiệu tích cực, “hai bên vẫn phải giải quyết vấn đề, chứ không đơn giản là tranh cãi hay đối lập”.

Ông Chu Phong đánh giá, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình sắp diễn ra nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh G20 rất có khả năng sẽ giống như cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Mỹ tại Buenos Aires vào tháng 12 năm ngoái và có thể sẽ trở thành một bước ngoặt quan trọng trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hồi năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố “đình chiến thương mại” trong 90 ngày. Sau nhiều vòng tham vấn thương mại, hai bên đã cho thấy hy vọng đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, ngày 5/5 Mỹ tuyên bố mức tăng thuế mới áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, tình hình đàm phán thương mại đã chuyển biến bất ngờ. Đội ngũ đàm phán thương mại của hai bên vòng đàm phán cuối cùng ở Washington vào ngày 10/5 đã chưa hề tiếp xúc trở lại. Trung Quốc và Mỹ sau đó đã áp thuế mang tính trả đũa, đồng thời đưa ra lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp của đối phương. Trung Quốc cũng cho thấy “lá bài đất hiếm” là một công cụ phản công.

Hội nghị Thượng đỉnh G20, sẽ được tổ chức tại Osaka từ ngày 28-29/6 tới, được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để các nhà lãnh đạo hai bên tránh được sự leo thang của cuộc chiến thương mại.

Giáo sư Trần Ba của Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung cho rằng, từ kết quả của cuộc họp, khả năng lớn hơn là Mỹ tạm hoãn kế hoạch đánh thuế đối với số hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 300 tỷ USD, phát đi một tín hiệu ổn định, “cũng có nghĩa là cuộc chiến thương mại sẽ không được giải quyết sớm, nhưng nó sẽ không nghiêm trọng”, sau đó hai bên tiếp tục đàm phán về văn bản của thỏa thuận thương mại trước đó.

Sự xuống dốc của tổng thể quan hệ Trung – Mỹ

Sau khi hai nước tuyên bố thông tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung sắp tới, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow, cho rằng, Mỹ hy vọng sẽ tiếp tục đối thoại về cải cách mang tính cơ cấu như đánh quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, mở cửa thị trường và thuế quan. Ông chỉ ra rằng Mỹ luôn muốn có một thỏa thuận khả thi, “điều này thực sự quan trọng”.

Một số quan chức Mỹ đã phản ứng lạnh nhạt với việc nối lại đàm phán thương mại Trung – Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu trước các nhà lập pháp tại Ủy ban Tài chính Thượng viện: “Tôi biết rằng một sự kiện sẽ khó suôn sẻ, đó chính là đàm phán với họ”.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/6 tuyên bố, sự khác biệt thương mại giữa Trung – Mỹ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, nhưng cần phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, quan trọng nhất là về tổng thể phải chú ý đến các mối quan tâm chính đáng của nhau và tìm giải pháp được cả hai bên chấp nhận.

Khi ông Trump chính thức tuyên bố tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, một số nhà phân tích cho rằng, một người đang tìm cách liên nhiệm như ông sẽ có nhiều động lực hơn trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ, “thấy được rồi thì rút tay”.

Chuyên gia Trần Ba chỉ rõ, cuộc chiến thương mại sẽ tác động đến các bang nông nghiệp của Mỹ, nơi được coi là kho phiếu của ông Trump. Nhiều cuộc thăm dò chính thống của Mỹ gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump yếu hơn so với các ứng viên đảng Dân chủ, nếu không thể đạt được thỏa thuận thương mại, trong cuộc bầu cử tới, tỷ lệ ủng hộ ông Trump có thể sẽ tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, ngay cả khi hai bên đạt được tiến triển về các vấn đề thương mại, các học giả vẫn không lạc quan về những thay đổi thực chất đáng kể trong quan hệ giữa hai nước.

Ông Chu Phong tin rằng, việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại sẽ không giải quyết được cuộc chiến khoa học và công nghệ Trung – Mỹ, cùng với sự xuống dốc của tổng thể quan hệ Trung – Mỹ, việc hướng tới cục diện cạnh tranh nước lớn kiểu mới, quan hệ Trung-Mỹ vẫn còn rất đáng lo ngại.

Chuyên gia này cho rằng: “Việc nối lại đàm phán thương mại, ngay cả khi đạt được thỏa thuận, cũng không làm cho quan hệ Trung – Mỹ có được sự xoay chuyển và thay đổi đáng kể trong bối cảnh có những thay đổi về chất hiện nay”.

Hoài Nam (theo SCMP)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here