Tình hình chính trị ở Venezuela không còn nóng như cách đây một tháng, song nước này vẫn chìm trong khủng hoảng toàn diện.
Báo Le Figaro của Pháp mới đây có bài viết nhận định Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng giờ đây đang trong tình trạng kiệt quệ, nhất là về kinh tế, trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu mỏ từng hưng thịnh một thời ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cảnh hoang tàn.
Theo tác giả bài viết, Punto Fijo, nơi từng được coi là thủ phủ công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, nay trở thành một “thành phố ma”. Ngay cửa ngõ vào thành phố, hàng chục tòa nhà thương mại và công nghiệp đa phần còn mới nhưng trống không. Ở trung tâm thành phố, đa số các cửa hàng đóng cửa, không có điện.
Le Figaro mô tả: “Nhìn từ xa, khu trung tâm lọc dầu Amuay giờ chỉ là bộ khung sắt đen xì, đa phần các nhà máy ngừng hoạt động. Ban đêm, cảnh tượng càng hoang tàn, không một ngọn đèn trên các con phố. Ngay cả trong bệnh viện, không một ánh sáng nào xuất hiện trên các tầng nhà”. Nhà máy lọc dầu Amuay từng là một trong những trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới. Từ chục năm nay, khu lọc dầu này không được bảo dưỡng.
Tờ báo Pháp cho hay, trong những năm 1990, Amuay là đầu mối giao thông nhộn nhịp hoạt động 24/24 giờ. Giờ đây, trung tâm này chỉ hoạt động 10% công suất. Phần lớn số xăng dầu ít ỏi được sản xuất tại đây chỉ phục vụ cho các hoạt động buôn lậu.
Không chỉ ở Punto Fijo, ở phía Đông hồ Maracaibo, cảnh tượng hoang tàn của ngành dầu mỏ Venezuela còn rõ hơn. Hàng chục giếng dầu đều trong tình trạng ngừng hoạt động. Đâu đâu cũng là cảnh đổ nát, hoang tàn.
Le Figaro dẫn lời nhà kinh tế học Gustavo Machado, thuộc Đại học Zulia, cho hay nguồn thu từ dâu mỏ cuare Venezuela từ lâu đã không được tái đầu tư vào các cơ sở hạ tầng ngành dầu mỏ ở nước này.
Sản lượng khai thác dầu thô của Venezuela từng đạt trên 3,5 triệu thùng/ngày hồi năm 2000, nhưng này chỉ vào khoảng 500.000- 700.000 thùng/ngày do ảnh hưởng nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đẳt. Công suất lọc dầu cũng giảm xuống còn 1/10. Do đó, hiện tại Venezuela không những không đủ dầu xuất khẩu mà còn không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là nhiên liệu cho các nhà máy phát điện.
Đại sứ Venezuela tại Nga Carlos Rafael Faría Tortosa hồi tháng 5 vừa qua đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nói rằng lênh cấm vận của Washington đã gây thiệt hại cho nước này khoảng 130 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2018, đẩy nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ vào một giai đoạn khó khăn nghiêm trọng. Ông Tortosa cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Mỹ là một chiến lược có chủ ý và có hệ thống, vi phạm quyền con người của nhân dân Venezuela, nhằm bóp nghẹt nền kinh tế với mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo ông Tortosa, hiện Venezuela không chỉ phải đối mặt với cường quốc kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới, mà còn phải tham gia vào một cuộc chiến truyền thông không cân sức khi mà các phương tiện truyền thông cánh hữu và phương Tây thường xuyên bóp méo sự thật về những gì đang diễn ra tại quốc gia này.
Venezuela sở hữu trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, song nước này cũng đang phải gồng mình với các khoản nợ khổng lồ. Sự tranh giành giữa các chủ nợ để được trả nợ là một nhân tố quan trọng gây ra sự chia rẽ của thế giới trong vấn đề Venezuela. Lạm phát kéo dài đã khiến đồng nội tệ hầu như không còn giá trị, và dầu mỏ là phương tiện quan trọng nhất để họ trả nợ.
Vấn đề là nguồn cung dầu mỏ của nước này chỉ có giá trị khi nó được khai thác và xử lý – còn cơ sở hạ tầng đổ nát thì lại không thể sản xuất đủ dầu để nó có thể trở thành vật thế chấp cho các khoản nợ.
Theo ước tính của Moises Rendon, cựu chuyên gia ngân hàng người Venezuela và hiện là Phó Giám đốc chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, Venezuela đang nợ Trung Quốc hơn 55 tỷ USD và nợ Nga ít nhất 17 tỷ USD.
Văn Trường