Những thách thức đối với chiến lược ngoại thương của Nhật Bản trong thời đại mới

0
1823
Ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Nhật Bản đã bước vào thời đại mới.
Ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Nhật Bản đã bước vào thời đại mới.

Trong giai đoạn hiện nay, với việc tự cho mình là nước đi đầu về thương mại tự do trên toàn cầu, Nhật Bản đã có sự bố trí chiến lược và xây dựng quy tắc trong các cơ chế thương mại khu vực và toàn cầu. So với lợi ích ngắn hạn, ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Nhật Bản có xu hướng theo đuổi quyền chủ đạo đối với cục diện kinh tế và chiến lược quốc tế trong trung và dài hạn.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Nhật Bản ra sức thúc đẩy chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2019. Nhật Bản đang hy vọng có thể ký EPA mới với ASEAN trong thời gian tới. Dư luận Nhật Bản cho rằng ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Nhật Bản đã bước vào thời đại mới.

Giai đoạn cao trào của ngoại giao thương mại

Việc Nhật Bản tuyên bố thời đại mới đang đến chủ yếu bắt nguồn từ hai siêu khu vực thương mại tự do là CPTPP và EPA giữa Nhật Bản và EU. Cho dù thiếu Mỹ, nhưng 11 nước thành viên của CPTPP trong đó có Nhật Bản vẫn có tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng lượng kinh tế chiếm khoảng 13% toàn cầu, EPA Nhật Bản-EU có hơn 600 triệu dân, quy mô kinh tế chiếm khoảng 30%, quy mô thương mại chiếm khoảng 40% toàn cầu. Đồng thời, Nhật Bản còn tích cực tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN khởi xướng, đồng thời nỗ lực thúc đẩy ký kết thỏa thuận cơ bản trong năm 2019.

Truyền thông Nhật Bản cho rằng trong tình hình CPTPP, EPA Nhật Bản-EU và RCEP cùng phát huy tác dụng, Nhật Bản sẽ chiếm vị trí chủ đạo chưa từng có trong các cơ chế thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng Nhật Bản và ASEAN sẽ ký EPA mới. Năm 2008, Nhật Bản đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (AJCEP) với ASEAN, nhưng chỉ giới hạn ở buôn bán hàng hóa và đầu tư, còn tự do hóa thương mại dịch vụ thì bị gác lại. EPA mà Nhật Bản sắp ký với ASEAN trên thực tế là sự sửa đổi của AJCEP. Căn cứ theo hiệp định mới, ASEAN sẽ mở cửa cho vốn nước ngoài trong các lĩnh vực như xây dựng và giáo dục, đồng thời tăng thêm điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS). Chính phủ Nhật Bản đã ký hiệp định này vào cuối tháng 2/2019, hiện vẫn phải chờ Quốc hội phê chuẩn. Các nước ASEAN cũng sẽ lần lượt ký hiệp định và hoàn tất thủ tục phê duyệt trong nước từ cuối tháng 3/2019. Nếu hiệp định này được ký kết, cộng thêm việc Nhật Bản đã lần lượt ký EPA với 7 nước ASEAN, thì khuôn khổ hợp tác kinh tế Nhật Bản-ASEAN bao gồm hơn 700 triệu người sẽ được nâng cấp hơn nữa.

Hiện nay, ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Nhật Bản đang ở giai đoạn cao trào. Để mở rộng thành quả, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy việc mở rộng TPP và tăng cường hợp tác chiến lược kinh tế Nhật Bản-EU. Ngày 19/1/2019, tại Tokyo, CPTPP-11 đã tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên kể sau khi hiệp định này có hiệu lực, xác định yêu cầu về thủ tục tham gia của thành viên mới. Đầu tháng 2/2019, Thủ tướng Đức Angela Merkel đến thăm Nhật Bản, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu đến thăm Nhật Bản sau khi EPA Nhật Bản-EU có hiệu lực. Giữa tháng 2/2019, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đến thăm Nhật Bản.

Ngoài việc thúc đẩy xây dựng siêu khu vực thương mại tự do, Nhật Bản còn chủ động tham gia tiến trình cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tìm cách đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình xây dựng vòng thương mại số.

Tháng 11/2018, Nhật Bản, Mỹ và EU đã đưa ra phương án cải cách WTO, yêu cầu các nước tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, thực hiện quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực trợ cấp ngành nghề và doanh nghiệp nhà nước. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số mới nổi, tháng 10/2018, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị hợp tác với Mỹ, EU trong việc lập ra quy tắc lưu thông dữ liệu xuyên biên giới. Tháng 1/2019, tại một hội nghị bộ trưởng thương mại, Nhật Bản, Mỹ và EU tuyên bố sẽ cùng lập ra quy tắc thương mại số. Tại Diễn đàn Davos, Abe đề nghị xây dựng mạng lưới lưu thông dữ liệu tự do đáng tin cậy (DFFT), nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Osaka vào tháng 6/2019 để khởi động cơ chế quản lý dữ liệu mang tính thế giới, đồng thời xây dựng khuôn khổ đàm phán liên quan với tên gọi là “đường lối Osaka”.

Nhật Bản còn kỳ vọng sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO, để xây dựng một vòng thương mại số tự do và cởi mở, phát huy vai trò chủ đạo trong việc hoạch định quy tắc thương mại điện tử toàn cầu hóa với tư cách là nước chủ tịch của G20.

Tham vọng mang tính chiến lược

Trong bối cảnh kinh tế giới rối ren hiện nay, một Nhật Bản “xây dựng đất nước dựa trên thương mại” rõ ràng là không thể tự bảo vệ mình. Tranh chấp thương mại và nhu cầu bên ngoài suy giảm cũng sẽ tác động đến ngành sản xuất của Nhật Bản. Trong tình hình này, trong nước Nhật Bản đang khá quan tâm đến việc liệu các hiệp định thương mại tự do mới ký kết tạo ra hiệu quả kinh tế hay không.

Theo đánh giá của Nhật Bản, EPA Nhật Bản-EU sẽ thúc đẩy GDP của Nhật Bản tăng khoảng 1% (khoảng 5.100 tỷ yen), tăng thêm khoảng 0,5% việc làm (khoảng 290.000 việc làm), trong đó xuất khẩu ô tô sẽ tăng 10%, nhưng các chủ trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành tài chính lại lo ngại rằng việc mở cửa thị trường sẽ làm tổn hại đến lợi ích sát sườn của họ. Một số chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho rằng dựa trên sự trao đổi kinh tế tương đối chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế tiên tiến trong EU, mức tăng trưởng thương mại được tạo ra từ hiệp định thương mại mới ký kết sẽ tương đối hạn chế, cộng thêm sự khác biệt giữa các ngành nghề là khá lớn, nên không thể hy vọng chiến lược ngoại thương sẽ có hiệu quả kinh tế ngay lập tức.

Tiến trình phục hồi của kinh tế Nhật Bản phụ thuộc khá nhiều vào ngoại thương, nhưng mục đích của việc Nhật Bản thúc đẩy chính sách ngoại thương không chỉ nằm ở lợi ích kinh tế ngắn hạn. Đặc biệt là từ khi bước vào thế kỷ mới đến nay, Nhật Bản đã nhanh chóng thúc đẩy chính sách ngoại thương, khiến chính sách này ngày càng mang tính chiến lược. Năm 2002, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên công bố chiến lược về hiệp định thương mại tự do (FTA), năm 2004 công bố phương châm cơ bản về thúc đẩy EPA. Trong bối cảnh chủ nghĩa khu vực nổi lên, siêu FTA/EPA trở thành trào lưu kinh tế và thương mại thế giới, Nhật Bản cũng từng bước chuyển trọng tâm chiến lược sang xây dựng EPA song phương và khu vực. Năm 2013, Nhật Bản ban hành chiến lược hồi sinh đất nước, tuyên bố muốn thông qua EPA để xây dựng quan hệ kinh tế mang tính chiến lược, đồng thời tham gia xây dựng các quy tắc thương mại và đầu tư toàn cầu. Trong báo cáo đệ trình lên WTO khi đó, Nhật Bản nêu rõ muốn đảm nhận vai trò nước lãnh đạo trong hệ thống thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực rộng lớn hơn.

Vì vậy, Nhật Bản đã đẩy nhanh tiến trình đàm phán EPA với các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trọng điểm là thúc đẩy TPP và đàm phán EPA Nhật Bản-EU, chờ cơ hội để tham gia tiến trình cải cách WTO và các cơ chế kinh tế thương mại quốc tế, không ngừng tăng sức ảnh hưởng trong cục diện kinh tế, chính trị của khu vực và thế giới. Năm 2017, Chính quyền Abe đã ban hành “chiến lược đầu tư trong tương lai”, nâng cao hơn nữa tư thế chiến lược, cho rằng Nhật Bản phải là nước dẫn đầu thương mại tự do, tìm cách trở thành trung tâm của trật tự kinh tế mới, cũng như là nước dẫn dắt quy tắc thế giới toàn diện, cân bằng và có trình độ cao.

Cần phải nhận thấy rằng ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Nhật Bản ngày càng gắn liền với chiến lược quốc gia nói chung, màu sắc của các công cụ chính sách đối ngoại ngày càng trở nên rõ nét. Dựa trên các bối cảnh như xây dựng quy tắc kinh tế thương mại, Nhật Bản đã khởi xướng cái gọi là quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, cố gắng tác động đến quá trình xây dựng quy tắc, xây dựng hình ảnh và vị thế lãnh đạo. Dựa trên các bối cảnh như chuyển giao quyền lực và cạnh tranh giữa các nước lớn, Nhật Bản đã chú trọng hơn vào việc tận dụng đòn bẩy kinh tế để hỗ trợ chính sách ngoại giao với nước lớn và chiến lược địa chính trị, một mặt, dựa trên thiết kế thượng tầng của thương mại toàn cầu, điều phối 3 cực với Mỹ và EU, thực hiện hợp tác chiến lược giữa các nước lớn và lãnh đạo thế giới, mặt khác, xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược với cơ sở là sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông qua vòng thương mại thúc đẩy việc xây dựng vòng chiến lược, mở rộng đồng minh. Các chuyên gia chính sách của Nhật Bản cũng thẳng thắn thừa nhận ngoại giao thương mại của Nhật Bản chịu sự chi phối của nguyên lý chính trị học, chứ không đơn thuần là nguyên lý kinh tế học.

Nhiều thử thách ở phía trước

Ngoại giao thương mại mang tính chiến lược của Abe đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, và đã có một khung cơ bản trên toàn cầu, nhưng cũng đối diện với rất nhiều vấn đề. Việc Nhật Bản muốn thực hiện quá trình từ nước khởi xướng đến nước giữ vai trò chủ đạo trong các chương trình nghị sự và quá trình hoạch định các quy tắc cụ thể chắc chắn sẽ còn mất rất nhiều công sức. Hiện nay, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và các nước ký kết EPA và FTA chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch thương mại của nước này, tăng lên rõ rệt so với khoảng 19% trong năm 2013, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu như dự kiến. Chính quyền Abe từng cho biết sẽ nâng con số này lên 70% vào năm 2018. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng nếu tiến trình đàm phán EPA đang diễn ra (nhất là tiến trình đàm phán với Trung Quốc và Hàn Quốc) được ký kết, xem xét tỷ lệ của những nước này trong kim ngạch thương mại của Nhật Bản (trong đó Trung Quốc chiếm hơn 21%), thì sự tự do hóa của EPA của Nhật Bản sẽ đạt đến mức độ cao nhất trong cộng đồng quốc tế.

Vấn đề hiện tại mà ngoại giao thương mại mang tính chiến lược phải đối diện, về cơ bản là sự phản ánh cụ thể của cuộc đọ sức ở bên trong và bên ngoài của chiến lược đối ngoại. Ở Nhật Bản, vẫn có nhiều người hoài nghi rằng chính phủ “ưu tiên chính trị” trong chính sách thương mại và Chính quyền Abe vẫn đối diện với vấn đề khó khăn làm thế nào để kết nối chính sách ngoại thương với cải cách kết cấu trong nước, bảo đảm lợi ích tối đa của các bên. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa đơn phương ngày càng nổi lên trên thế giới, khiến Nhật Bản cũng phải đối diện với nhiều sự hạn chế và trở ngại trong việc thúc đẩy các quy tắc có lợi cho mình. Một số nhà chiến lược của Nhật Bản cho rằng nước này nên tích cực đóng vai trò cầu nối trong nhóm các nền kinh tế phát triển, giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế mới nổi để bảo đảm Nhật Bản có thể tham gia hoặc rút lui một cách chủ động, từ đó nâng cao năng lực tự chủ chiến lược trên bình diện khu vực và toàn cầu. Nhật Bản đã hành động theo sách lược này trong quá trình thúc đẩy ngoại giao thương mại mang tính chiến lược.

Theo Nhật Bản, làm thế nào để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ trong thương mại và về mặt chiến lược là vấn đề lớn nhất hiện nay. Hiện nay, Nhật Bản chưa đạt được EPA/FTA với Trung Quốc và Mỹ. Có không ít chuyên gia kinh tế và nhà chiến lược Nhật Bản cho rằng cho dù xét từ ý nghĩa kinh tế hay chính trị, vòng tròn siêu thương mại được xây dựng mà không có Trung Quốc và Mỹ sẽ không bền vững, sự hợp tác giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Mỹ, thậm chí đặt hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này nằm dưới sự ràng buộc của quy tắc thương mại tự do do Nhật Bản chủ trương, mới là lựa chọn tốt ưu nhất.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy triển vọng Nhật Bản thông qua việc xây dựng hiệp định thương mại khu vực để Mỹ quay trở lại không những không lạc quan, mà còn phải tiếp tục đối diện với áp lực đàm phán thương mại song phương đến từ Mỹ. Hơn nữa, dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã phục hồi, nhưng sự tin tưởng chiến lược giữa hai bên vẫn đang trong quá trình phục hồi.

Tranh cãi giữa Nhật Bản, Mỹ và EU đối với Trung Quốc khi chủ đạo tiến trình cải cách WTO, xây dựng vòng thương mại số cũng một lần nữa được thể hiện. Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Nhật Bản về trật tự, nhất là quy tắc quốc tế vẫn sẽ tiếp diễn và ngày càng đi sâu. Có chuyên gia chính sách Nhật Bản cho rằng vấn đề tiếp theo mà chính sách ngoại giao mang tính chiến lược của Nhật Bản cần phải giải quyết là: Làm thế nào để xây dựng mô hình quan hệ mới với các đối tác kinh tế lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ. Trên thực tế, đây cũng là một vấn đề quan trọng mà Nhật Bản phải giải quyết để thực hiện được sự tự chủ về chiến lược lớn hơn trong trật tự quốc tế mới.

Văn Trường 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here