Kinh tế toàn cầu suy yếu cần sự hợp tác của chính phủ các nước

0
112

Ngày 21 tháng 5 năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) đã công bố báo cáo về kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo, OECD nhận định kinh tế toàn cầu đã “yếu” đi đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2018 và tiếp tục có chiều hướng đi xuống nếu căng thẳng thương mại tiếp diễn. Thương mại và đầu tư đã giảm mạnh, sản xuất công nghiệp thu hẹp lại trong khi lĩnh vực dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp dự báo giảm xuống 1,75% trong giai đoạn 2019-2020 so với mức 3,5% của giai đoạn 2017-2018. Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ và các chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thuế thuận lợi để kích thích nền kinh tế. Đồng thời, thất nghiệp giảm và tiền lương tăng tại các nền kinh tế lớn đang hỗ trợ tiêu dùng. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn chủ yếu dựa vào các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách là chính, chứ không dựa trên nhu cầu và thực lực của nền kinh tế.

Báo cáo của OECD có một số điểm đáng chú ý như sau:

  1. Kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm 2019, và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2016, mức tăng trưởng thấp thứ hai kể từ năm 2012. Kinh tế Mỹ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhờ chính sách thuế; trong khi các nền kinh tế lớn khác thì tốc độ lại giảm, đặc biệt các nước chủ yếu dựa vào thương mại và sản xuất (tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản và Đức dưới 1% trong năm nay);
  2. Căng thẳng thương mại ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng trên được tính toán trước khi chính quyền Mỹ công bố các biện pháp áp thuế bổ sung đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục duy trì, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 có thể còn giảm thêm 0,6% trong 2 đến 3 năm tới;
  3. Chế tạo và dịch vụ ảnh hưởng lẫn nhau. Mặc dù dịch vụ đang duy trì tốc độ tăng trưởng, nhưng nhiều khả năng cũng sẽ đi xuống theo đà của chế tạo. Hơn 1/3 xuất khẩu của ngành chế tạo đến từ dịch vụ và dịch vụ đóng góp, trực tiếp hoặc gián tiếp, hơn 1/2 giá trị xuất khẩu toàn cầu. Đồng thời, chế tạo phụ thuộc vào đầu tư, là yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng, lao động và mức sống của người dân.
  4. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Hiện chưa rõ các chính sách tiền tệ, thuế và hỗ trợ nền kinh tế sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế, nhưng nợ doanh nghiệp phi tài chính, hiện ở mức cao kỷ lục, vẫn sẽ tiếp tục tăng. OECD dự báo rằng, nguồn cầu nội địa ở Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm, thì GDP toàn cầu có thể giảm 1,75% trong năm 2020.
  5. Nợ của lĩnh vực tư nhân đang tăng trưởng rất nhanh ở các nền kinh tế lớn. Trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính đã tăng gấp đôi so với năm 2008, đạt mức kỷ lục 13 nghìn tỷ USD và chất lượng của các khoản nợ đã giảm. “Căng thẳng” trong lĩnh vực tài chính có thể xảy ra trong thời gian tới.

Căng thẳng thương mại không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn mà còn ảnh hưởng tới trung và dài hạn. Các mối quan hệ chặt chẽ và cuộc khủng hoảng của hệ thống thương mại toàn cầu đang làm gia tăng bất ổn và giảm đầu tư và thương mại. Trên cơ sở đó, các chính phủ cần thực hiện hai chính sách sau:

(i) Ưu tiên chính sách thuế để kích thích tăng trưởng nơi mà nguồn cầu ảm đạm và nợ công ở mức thấp. Các lĩnh vực tăng cường đầu tư bao gồm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là công nghệ số, vận tải và năng lượng sạch, nâng cao chất lượng lao động… Ví dụ, ở khu vực Eurozone, các biện pháp này có thể nâng cao năng suất lao động thêm 0,2 điểm phần trăm trong vòng 5 năm tới và tăng đầu tư công ở mức 0,5% GDP có thể giúp làm tăng 1% GDP về dài hạn.

(ii) Thúc đẩy chuyển đổi số. Mặc dù các biện pháp này cần thời gian để mang lại lợi ích và trong giai đoạn quá độ sẽ ảnh hưởng tới những nhóm người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, cần ưu tiên các chính sách: đào tạo lao động; nâng cao chất lượng tay nghề kỹ thuật và quản lý của người lao động; hoàn thiện hệ thống pháp lý để thích nghi với các thay đổi mà chuyển đổi số mang lại, cũng như đảm bảo các nguồn lực được phân phối phù hợp./.

(Ban Quản trị Trang NGKT)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here