Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Ấn Độ

0
139
Ảnh Hội nghị
(Nguồn: TTXVN)

Nhằm cung cấp thông tin về chính sách và các ưu đãi của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, qua đó tăng cường kêu gọi, thúc đẩy các công ty, tập đoàn của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam góp phần đưa kim ngạch song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020, ngày 25/4/2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với tạp chí Time Policy (chuyên tư vấn chính sách và đầu tư) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Ấn Độ. Tham dự Hội nghị có gần 150 lãnh đạo và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Ấn Độ. Diễn giả Ấn Độ bao gồm lãnh đạo phòng thương mại công nghiệp, các tập đoàn công nghiệp lớn về sản xuất công nghiệp, công nghệ, cơ sở hạ tầng, dệt may, năng lượng. Về phía Việt Nam có Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tiến sỹ Võ Trí Thành và Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Tân Việt.

Tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, trong những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt qua các chuyến thăm cấp cao hai nước. Ấn Độ là một nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển cao, năm 2018, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đạt trên 7% – mức cao nhất thế giới; dự kiến có thể đạt 8% vào năm 2020, vươn lên thứ 3 thế giới về quy mô GDP và PPP với thị trường gần 1,5 tỷ dân.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, mặc dù quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam – Ấn Độ có những bước phát triển mạnh mẽ song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên, các dự án đầu tư lớn của Ấn Độ ở Việt Nam chưa nhiều. Việc tổ chức Hội nghị Đầu tư là một phần trong các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán nhằm tăng cường sự hiện diện của các nhà đầu tư Ấn Độ ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, các nhà đầu tư cảm ơn Đại sứ quán đã giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về chính sách, môi trường đầu tư, lợi thế đầu tư của Việt Nam, các chế độ đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các lĩnh vực hiện được Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cho biết chưa có thông tin và chưa biết nhiều về thị trường Việt Nam, mặc dù được biết Chính phủ Ấn Độ nhìn nhận Việt Nam là một nhân tố quan trọng đối với sự tăng trưởng về thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ đối với các nước ASEAN, là trụ cột trong chính sách Hành động Hướng đông của Ấn Độ. Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ chia sẻ Ấn Độ và Việt Nam đều có vị trí chiến lược ở khu vực Đông nam Á và Nam Á, có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, thị trường lớn và tăng trưởng kinh tế nhanh. Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng hợp tác to lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu; có thể tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như sản xuất, chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và áp dụng công nghệ mới trong công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ nano, các vật liệu mới, dệt, dược phẩm, hóa chất, du lịch.

Nhìn chung, Hội nghị Xúc tiến đầu tư đã tạo được tiếng vang lớn, được đăng tải trên nhiều báo chí chuyên về thương mại, đầu tư, Đài truyền hình Ấn Độ và thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ. Tạp chí Time Policy của Ấn Độ cũng đã có bài phân tích, giới thiệu về chính sách và các cơ hội đầu tư ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho nước ta từ góc độ của Ấn Độ.

Sau Hội nghị, có nhiều tập đoàn, công ty lớn bày tỏ quan tâm tới thị trường Việt Nam. Trên cơ sở giới thiệu và hỗ trợ của Đại sứ quán, một số tập đoàn đã trực tiếp vào Việt Nam tìm hiểu thị trường, ví dụ như:

(i) Tập đoàn HCL Technologies, là một trong những tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu với lịch sử hình thành và phát triển hơn 40 năm. Từ năm 2015, HCL đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật phần mềm lớn thứ 3 thế giới. Doanh thu trong lĩnh vực công nghệ của HCL đạt khoảng hơn 8,3 tỷ USD (vốn hoá đạt 20 tỷ USD) và có đội ngũ nhân sự hùng hậu với hơn 131 nghìn người đang làm việc tại 44 quốc gia trên thế giới.

Từ ngày 14-17/5/2019, đoàn làm việc của HCL do ông Mr. Sanjay Gupta (Phó chủ tịch thứ nhất phụ trách Chiến lược kinh doanh và đều hành tập đoàn) đã vào Việt Nam, tiến hành 17 cuộc gặp, làm việc tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các bộ, ngành, địa phương liên quan, các cơ quan xúc tiến đầu tư ở phía Bắc và phía Nam, lãnh đạo 2 trường đại học ở Hà Nội và 5 trường đại học tại tp. Hồ Chí Minh, 2 khu công nghệ cao, cùng nhiều công ty khác. Sau khi trở về Ấn Độ, HCL đã có phản hồi tích cực về kế hoạch đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng trung tâm dịch vụ phần mềm có quy mô 10.000 kỹ sư IT, trong đó 90% sử dụng lao động là kỹ sư, kỹ thuật viên phần mềm trong nước. Ngay trong chiều 17/5, HCL đã tiến hành phỏng vấn 11 sinh viên IT tại Đại học Hồng Bàng. Dự kiến, tháng 7/2019, Hội đồng Quản trị của HCL sẽ có ý kiến quyết định về khả năng phê duyệt kế hoạch.

 (ii) Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất của Ấn Độ là IndiGo cũng đã sang Việt Nam làm việc với các cơ quan của Việt Nam về thủ tục mở đường bay và khả năng hợp tác với hãng Vietjet Air về kế hoạch cùng khai thác bay (Code-sharing). IndiGo cho biết quyết tâm triển khai đường bay thẳng với Việt Nam, nhưng do đang phải tập trung tăng thị phần tại Ấn Độ, lấp khoảng trống của thị trường này sau khi Jet Airway gặp khó khăn tài chính và bỏ nhiều chuyến bay, nên thời gian bay có thể sẽ chuyển từ tháng 7 sáng tháng 10/2019.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here